Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:43 (GMT +7)
Làm rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật đất đai (sửa đổi)
Thứ 2, 14/11/2022 | 20:06:02 [GMT +7] A A
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những nội dung được sửa đổi lần này nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.
Cho rằng cần hết sức cân nhắc khi sửa đổi theo hướng là bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) chỉ rõ những lý do, đó là: Từ khi thành lập nước đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, pháp luật giao cho UBND chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với loại đất mà không có một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Bởi với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì UBND có điều kiện thuận lợi để nắm được nguồn gốc lịch sử đất đai, nắm được quá trình mâu thuẫn, tranh chấp của các bên, cho nên cũng thuận lợi trong quá trình giải quyết. Hiện nay, pháp luật đang đồng thời giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án đối với cả loại đất này, tức là đất không có giấy tờ, nhưng sau khi thụ lý hồ sơ thì Tòa án đều phải có văn bản đề nghị UBND cung cấp hồ sơ, tài liệu thì mới có căn cứ giải quyết, cho nên thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, việc sửa đổi luật thì phải trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, nghiên cứu báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật và các tài liệu trong hồ sơ dự án luật thì không có thông tin về lý do tại sao lại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND. Do vậy, căn cứ thực tiễn cho việc đề xuất sửa đổi quy định này vẫn đang còn thiếu, chưa có căn cứ. Pháp luật hiện hành đang giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân và UBND.
Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình, trong đó cơ chế giải quyết thông qua UBND thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí. Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.
Thực tế giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay của người dân cũng đang được giao cho nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc và còn rất áp lực. Nếu dự thảo giao hết việc này cho Tòa án và bổ sung thêm trọng tài thương mại được giải quyết một số vụ việc phát sinh từ hoạt động thương mại thì khả năng đảm đương của các cơ quan này như thế nào cũng chưa được đánh giá tác động.
Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Về sở hữu toàn dân về đất đai, Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Tại Mục 1 và Mục 2 Chương 2 Dự thảo Luật quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với 2 chức năng là chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng thống nhất quản lý về đất đai. Dự thảo Luật có đề cập đến sở hữu toàn dân về đất đai tại Điều 1, Điều 2 và Điều 5, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về nội dung này.
Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị nghiên cứu bổ sung trong Dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp và thống nhất với chế độ sở hữu toàn dân quy định của Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị làm rõ 2 mối quan hệ: Thứ nhất, mối quan hệ giữa chủ sở hữu là nhân dân với đối tượng sở hữu là đất đai. Nhân dân - với vai trò là chủ sở hữu có quyền gì với đất đai? Làm sao để bảo đảm các quyền của chủ sở hữu, nhất là quyền định đoạt và quyền hưởng lợi của nhân dân đối với đất đai? Có cần thiết phải quy định trường hợp trưng cầu ý dân theo Điều 6 của Luật Trưng cầu ý dân để quyết định vấn đề quan trọng liên quan đến đai hay không?. Thứ hai, làm rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu toàn dân là nhân dân với người đại diện của mình là Nhà nước thế nào? Toàn dân có quyền, nghĩa vụ gì đối với Nhà nước và ngược lại Nhà nước có quyền, nghĩa vụ gì đối với toàn dân về đất đai?
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật mới quy định về 2 vai trò của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý mà chưa đề cập đến vai trò thứ 3 của Nhà nước đó là vai trò là người sử dụng đất. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung trong Dự thảo.
Còn đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, giải quyết tranh chấp không phải việc của hành chính mà thuộc về việc hòa giải, thương lượng và của cơ quan xét xử là Tòa án hoặc trọng tài. Tất cả những nội dung này đã hình thành một nguyên tắc là khi giải quyết tranh chấp đó là hoạt động tư pháp.
Bày tỏ tán thành rất cao việc bỏ hẳn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của UBND đối với tranh chấp quyền sử dụng đất và tất cả tập trung vào các cơ quan, trong đó có cơ quan tòa án, đại biểu Lê Xuân Thân nêu rõ theo Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định "Tòa án là cơ quan xét xử", có nghĩa là tất cả mọi tranh chấp đều phải qua xét xử theo quy định của pháp luật và các cơ quan khác không giao chức năng, nhiệm vụ này, kể cả UBND.
Việc bỏ hẳn thẩm quyền này của UBND là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng không hề có bất kỳ một nội dung nào, một dòng chữ nào giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho UBND các cấp. Đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai ở tại UBND mà tập trung về cơ quan xét xử là Tòa án là một hướng đi đúng, quan điểm đúng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()