Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:42 (GMT +7)
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Thứ 3, 17/08/2021 | 16:32:03 [GMT +7] A A
Giá thực phẩm, hàng tiêu dùng nhảy vọt, cùng với chi phí sản xuất tăng mạnh, nhưng theo các chuyên gia, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao
Sau 8 lần liên tục thông báo tăng giá từ cuối năm 2020, thị trường thức ăn chăn nuôi của VN đang chứng kiến tốc độ tăng giá nhanh chưa từng có. Trung bình, với tần suất 1 tháng thông báo tăng giá 1 lần, giá thức ăn chăn nuôi tính đến nay đã ghi nhận mức tăng từ 250 - 4.000 đồng/kg tùy doanh nghiệp (DN) và chủng loại.
Trong đó, ghi nhận mức tăng giá khá mạnh là Công ty Guyomar’ch VN. Các loại thức ăn đậm đặc cho heo và gà của công ty này tăng 4.000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho heo con tăng 400 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho heo nái và heo thịt tăng 300 đồng/kg; các loại thức ăn khác tăng 200 đồng/kg. Hàng loạt DN như Công ty CP Greenfeed VN, Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, Công ty De Heus, Công ty US Feed, Công ty TNHH CJ Vina Agri… cũng đồng loạt tăng giá các sản phẩm, từ 250 - 2.000 đồng/kg.
Tương tự, giá cước vận tải đường biển xuất hàng qua thị trường châu Âu và Mỹ thời gian qua đã tăng 7 - 10 lần; cước hàng không cũng tăng từ khoảng 3 USD/kg nay lên hơn 6 USD/kg. Báo cáo cập nhật ngành logistics mà SSI Research vừa công bố cho biết sự tắc nghẽn, gián đoạn của hệ thống logistics thế giới sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dự báo, giá cước vận tải có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021, đến nửa đầu năm 2022 mới giảm nhẹ và phải đến 2023 mới ghi nhận mức giảm đáng kể.
Chi phí sản xuất tăng cao gây biến động giá thành sản phẩm, đẩy chi phí sinh hoạt của người dân tăng vọt. Phụ trách chi tiêu cho cả gia đình 3 người trong hơn 2 tháng qua, anh Tuấn Anh (ngụ TP.HCM) cho biết cảm thấy “chóng mặt” vì chi phí sinh hoạt của cả gia đình tháng này tăng gấp đôi so với tháng trước. Giá rau quả tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại, thịt heo tăng 70.000 - 100.000 đồng/kg so với giá cách đây hơn 2 tháng…
“Thực phẩm đa số phải ship tận nhà, riêng tiền ship thôi 1 tháng cũng tốn từ 700.000 - 1 triệu đồng. Không ra đường thì tiết kiệm xăng xe nhưng bù lại, mua đồ sát khuẩn để nhận hàng online đâu cũng vào đó. Cộng lại, chi phí cho lương thực, thực phẩm trước khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, nay tăng lên 5 - 6 triệu đồng. Thêm vào đó, ở nhà từ sáng đến tối, điện nước dùng nhiều hơn, cũng tăng khoảng 1 triệu đồng/tháng”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Bình ổn thị trường để kiểm soát lạm phát
Lạc quan về mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 của Chính phủ chắc chắn sẽ đạt được, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng không có nguy cơ lạm phát tăng cao. Lạm phát cơ bản trong tháng 6 chỉ tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn vừa rồi, các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội làm khan hiếm hàng hóa, đẩy giá thành tăng cao, nhưng đây chỉ là hiện tượng nhất thời. Bên cạnh đó, đà tăng của một số loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như dầu, quặng, sắt… đang có dấu hiệu chững lại.
“Nếu tốc độ tăng giá được duy trì từ nay đến cuối năm, mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12; lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%. Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%. Vì thế, việc quan trọng nhất của Chính phủ lúc này là khôi phục, thúc đẩy sản xuất. Lạm phát là vấn đề của một vài năm tới mới cần tính đến”, TS Nguyễn Đức Độ nhận định.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chính sách công - Trường đại học Fulbright VN, phân tích: Hiện nay, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng, nhưng chỉ mang tính cục bộ, tập trung vào nhóm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Nhóm hàng hóa này chỉ chiếm khoảng 35 - 37% rổ hàng hóa để tính CPI. Trong khi các nhu cầu tiêu dùng khác giảm do khó khăn về dịch bệnh, thậm chí nhiều mặt hàng mất hẳn cầu, không có giao dịch. Do đó, về mặt bằng chung, nhu cầu tiêu dùng không tạo sức ép đẩy lạm phát tăng.
Tuy nhiên, yếu tố chi phí đẩy đang là nguy cơ rất lớn tạo áp lực tới lạm phát. Cụ thể, hiện nay DN đang phải cắt giảm lao động để đáp ứng yêu cầu về giãn cách. Các đơn vị cố gắng duy trì sản xuất phải tốn chi phí rất lớn để thực hiện “3 tại chỗ” bao gồm chi phí xét nghiệm, chỗ ăn chỗ ở, tổ chức sinh hoạt cho người lao động…
Bên cạnh đó, dòng tiền có chỗ thừa chỗ thiếu. Có nhóm đối tượng người dân yếu thế, DN kiệt quệ thiếu tiền, không tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ. Song, lại có một đối tượng nhiều tiền đang đi đầu cơ, đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán, đẩy giá các mặt hàng này, tiếp thêm sức ép giá cả cho nền kinh tế.
Để hạn chế áp lực từ các yếu tố, kiểm soát lạm phát giai đoạn từ nay đến cuối năm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất: Về phía cầu, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Đồng thời, kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện, nước…
Chính sách bình ổn giá phải song song với việc bảo đảm thu nhập cho người dân. Trước, thu nhập 5 triệu đồng có thể sống được trong 1 tháng nhưng bây giờ mặt bằng giá tăng lên 7 triệu, trong khi thu nhập giảm tới 50%. Nhà nước phải tăng trợ cấp, hỗ trợ cho họ có thu nhập để chi tiêu. Quan trọng nhất, các chính sách phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn |
Về vấn đề chi phí đẩy, cần đảm bảo duy trì các nguồn cung, không để gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất. Nhà nước nên hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chi phí về lao động cho DN đang thực hiện “3 tại chỗ”, nhất là các DN sản xuất lương thực, thực phẩm. Chính sách tiền tệ cũng cần thay đổi, đảm bảo dòng tiền phân bổ hài hòa, phù hợp cho các mục tiêu phát triển và ổn định của nền kinh tế.
Theo thanhnien.vn
Liên kết website
Ý kiến ()