Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:45 (GMT +7)
Vào mùa hương Tết
Thứ 2, 27/01/2025 | 13:50:39 [GMT +7] A A
Từ bao đời nay, người Việt Nam đã xem việc thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Nén hương như chiếc cầu nối linh thiêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất; bày tỏ sự tôn kính, biết ơn những người đi trước. Chính vì thế, hương không chỉ là sản phẩm hàng hóa mà còn là sản phẩm tinh thần, là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Và với những người gắn bó với nghề làm hương, mỗi nén hương đều được nâng niu, trân trọng với mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống.
Gói gém mùi hương Tết
Người làm hương làm nghề quanh năm nhưng vào dịp cuối năm bận rộn hơn, khẩn trương hơn để chuẩn bị cho mùa hương Tết. Bởi theo quan niệm của người Việt, Tết Nguyên đán là dịp lễ thiêng liêng, quan trọng, không chỉ là thời điểm để quây quần bên gia đình, mà còn là lúc để bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên. Vì vậy, gia đình dù có điều kiện kinh tế hay không, Tết nhất định phải có nén hương thơm và mâm lễ dâng lên ban thờ thật thành kính.
Chính vì thế, khi chúng tôi đến, gia đình ông Lê Trọng Thiết và bà Bùi Thị Mỹ (tổ 15, khu 2, phường Hà Khánh, TP Hạ Long) cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ hương Tết. Gia đình ông bà là một trong số những hộ hiếm hoi ở TP Hạ Long vẫn đang gìn giữ nghề làm hương bài truyền thống. Đây là nghề gia truyền, được ông bà mang từ quê nhà ở huyện An Lão (TP Hải Phòng) ra Quảng Ninh lập nghiệp từ năm 1987.
Bên chén trà ấm, ông Thiết say sưa kể cho tôi nghe về quy trình làm hương và những lý do khiến ông còn giữ nghề đến bây giờ. Ông bảo: "Hương bài có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng rất riêng, được tạo nên từ nguyên liệu chính là rễ cây bài. Ngoài ra, tùy cách làm của từng nơi mà có thể trộn thêm một số nguyên liệu như quế, hồi, bã mía v..v. Tuy nhiên theo cách làm gia truyền các cụ để lại, gia đình chúng tôi chỉ dùng duy nhất rễ cây bài, nghiền thành bột để quấn hương, đảm bảo giữ được mùi hương truyền thống nhất. Bố tôi trước kia luôn dặn mỗi cây hương không chỉ là vật phẩm cho lễ cúng, mà còn chứa đựng sự thành kính và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Thắp lên một nén hương cũng chính là thắp Tết. Vì vậy, tôi luôn làm hương bằng tất cả sự cẩn thận, tỉ mỉ và thành tâm”.
Để giữ được hương thơm lâu dài, việc chọn lựa nguyên liệu phải thật kỹ lưỡng. Thường thì cây bài phải trồng đủ 3-4 năm mới được thu hoạch, vì khi đó rễ cây mới đủ già, đảm bảo độ thơm cho hương bài làm ra. Tận dụng những khoảng đất trống để trồng cây hương bài, hiện nay gia đình ông Thiết đã có gần 2.000m2 đất trồng hương bài, xen kẽ nhau về mặt thời gian để đảm bảo năm nào cũng có cây đủ điều kiện thu hoạch. Thời gian lý tưởng để thu rễ bài là tầm tháng 10, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa hanh khô. Mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông Thiết thu trung bình từ 200 đến 300kg gốc bài (mỗi gốc nặng từ 4-5kg). Khi thu hoạch phải chọn lọc, cắt bỏ bớt phần thân, chỉ để lại sát gốc khoảng 5-7 cm. Rễ bài là dạng rễ chùm, sau khi thu hoạch về sẽ qua công đoạn sơ chế, tách phần rễ và rửa sạch, băm nhỏ rồi mang phơi khô khoảng 10 nắng, sau đó tán nhỏ, sàng lọc kỹ càng để thành bột mịn.
Mỗi nén hương làm ra là biết bao tâm sức của người làm gửi gắm vào đó, từ việc chuẩn bị kỹ càng nguyên liệu, sơ chế tỉ mẩn, đến phơi đủ nắng gió để tạo ra thứ mùi hương đặc trưng, ngửi một lần là nhớ mãi. Hơn thế, nó còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên và sự trân trọng với nghề gia truyền của gia đình. Vì vậy, dù lượng đơn đặt hàng mỗi dịp Tết khá lớn, nhưng hàng chục năm qua, gia đình ông Thiết vẫn giữ cách làm hoàn toàn thủ công, mỗi vụ chỉ làm số lượng có hạn, đủ cho nhà dùng và bán cho những ai thực sự yêu thích, muốn tìm về mùi hương bài truyền thống, dù trên thị trường hiện nay có nhiều sự lựa chọn với nhiều loại hương khác nhau.
Vừa thoăn thoắt quấn hương, bà Mỹ vừa kể: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm này là cả gia đình, con cháu quây quần tranh thủ làm hương. Mỗi năm gia đình tôi chỉ làm một vụ giáp Tết, mỗi đợt quấn hàng nghìn cây hương, nên thường từ đầu tháng 11 âm lịch là chúng tôi đã bắt đầu quấn, đến giữa tháng Chạp thì xong, chuẩn bị mang đi bán phục vụ bà con từ dịp Rằm tháng Chạp”.
Trong suốt gần 40 năm làm nghề, hương bài do gia đình ông Thiết, bà Mỹ làm ra không chỉ được người dân trong vùng ưa chuộng, mà một số tỉnh lân cận cũng đặt hàng. Con cái ông bà dần học hỏi được những kỹ thuật truyền thống để gìn giữ và phát triển nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chị Lê Thị Trọng Tuyết, con gái của ông Thiết và bà Mỹ chia sẻ: Nhà tôi có 3 chị em gái, ai cũng biết làm hương, quấn hương. Chúng tôi cũng ý thức nối nghề của bố mẹ truyền lại dù công đoạn làm hương bài khá kỳ công, từ lúc thu hoạch rễ bài đến lúc quấn hương hoàn thiện đòi hỏi thời gian vài tháng mới xong được một mẻ hương.
Dù nghề làm hương bài thủ công hiện nay không còn phổ biến như xưa, khi mà thị trường đầy ắp các loại hương công nghiệp, nhưng gia đình ông Thiết vẫn quyết tâm duy trì nghề truyền thống này, bởi tình yêu với nghề, và cũng với mong muốn truyền lại cho thế hệ sau những giá trị quý báu mà ông bà, tổ tiên để lại.
Hương bài bay xa
Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, Quảng Ninh là nơi sinh trưởng của nhiều loài cây, là nguyên liệu làm hương như cây bài, hồi, quế... Đặc biệt, cây bài của Quảng Ninh là nguyên liệu được nhiều làng nghề làm hương trong cả nước đánh giá cao. Tại các địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ – một số vùng rừng mà cây hương bài phát triển rất tốt thì rễ bài không chỉ đủ phục vụ sản xuất hương tại địa phương, mà còn cung cấp cho các làng nghề làm hương ở những địa phương lân cận như Hải Phòng, Hải Dương… Đây cũng là thế mạnh của Quảng Ninh khi có nguồn nguyên liệu làm hương bài rất dồi dào, phong phú.
Tận dụng thế mạnh này, một số cơ sở sản xuất hương tại Quảng Ninh đã phát triển nghề làm hương, đưa hương trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Một trong số đó là Hợp tác xã thảo mộc Tuệ Lâm (huyện Bình Liêu).
Anh Đỗ Đức Uyên, Giám đốc Hợp tác xã thảo mộc Tuệ Lâm đã bắt đầu tìm hiểu về cách thức làm hương bài từ năm 2019. Sau khi thu mua rễ bài của người dân lên rừng khai thác, anh cùng các nhân viên của hợp tác xã tiến hành loại bỏ hết bụi bẩn và mang phơi khô, sau đó thực hiện công đoạn sơ chế, chọn lọc, cắt bỏ những phần thân cây, chỉ để lại phần rễ cho hương thơm nhiều nhất.
Anh Uyên cho biết: Rễ cây bài ở Bình Liêu là cây bài mọc hoàn toàn ở tự nhiên, trên các đồi và trong các rừng trồng cây lâu năm. Khoảng 3 năm trở lên cây hương bài trên rừng mới hoàn thiện bộ rễ, khi đó người dân mới vào rừng khai thác. Thường thì mình sẽ bắt đầu đứng ra thu mua từ đầu tháng 11. Ngoài rễ cây bài, nguyên liệu cần có để làm hương bài tại HTX thảo mộc Tuệ Lâm có thêm bã mía, vỏ quế và hồi. Đây đều là những nguyên liệu rất sẵn tại các vùng rừng Bình Liêu.
Các sản phẩm hương của HTX thảo mộc Tuệ Lâm rất đa dạng, gồm hương bài, hương nụ bài, hương quế, hương nụ quế. Mặc dù HTX không có nền tảng lâu đời như các làng nghề truyền thống ở địa phương khác nhưng hương Tuệ Lâm ngày càng được thị trường ưa chuộng bởi hương thơm đặc trưng, có độ ngọt của mùi hương tảo mộc và đặc biệt là cháy rất đượm.
Anh Đỗ Đức Uyên chia sẻ: Quy trình để tạo ra một nén hương tuy không quá phức tạp nhưng lại có những bí quyết riêng. Tất cả các nguyên liệu sau khi phơi khô sẽ được cho vào nghiền và phối trộn với tỉ lệ nhất định, dùng cân tiểu ly cân nguyên liệu để đảm bảo độ chính xác cao, vì nếu sai lệch sẽ ảnh hưởng đến mùi hương và độ cháy của hương. Đối với hương bài, thông thường, anh Uyên sẽ trộn theo tỉ lệ rễ bài trên 55%, quế 20%, bã mía 15%, bột kết dính 10%.
Sau khi cân tỉ lệ các loại hương liệu thật chuẩn, hỗn hợp các loại bột làm hương sẽ được đổ vào máy trộn để trộn đều, vừa trộn vừa thêm nước sao cho bột hương đạt được độ ẩm và kết dính cần thiết trước khi se hương. Trong quá trình trộn phải tiếp nước từ từ để bột hương không bị vón cục, không bị tình trạng chỗ khô, chỗ nhão, dẫn đến que hương cháy không đều. Bột hương để làm nụ bài sẽ được trộn ướt hơn bột làm hương que. Vì vậy nụ bài cũng có thời gian khô lâu hơn hương que và thường phải phơi 5-7 nắng, trong khi hương que chỉ cần phơi 1-2 nắng là có thể mang vào đóng gói. Trong quá trình phơi hương, phải rất chú ý về nhiệt độ, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng gắt để tránh hương bị nứt gãy... Nếu những ngày thời tiết mưa ẩm hoặc không có nắng thì sẽ phải dùng máy sấy công nghiệp để sấy ở nhiệt độ không quá 45 độ C, trong khoảng thời gian 5 tiếng mới được một mẻ hương.
Sau khi hương thành phẩm đã hoàn thiện, công đoạn cuối cùng là kiểm tra, loại bỏ những que hương không đạt chuẩn và đóng gói trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm hương bài Tuệ Lâm đã được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Bình Liêu từ năm 2020.
Hiện tại, nghề làm hương bài ở Bình Liêu chủ yếu chỉ có những người cao tuổi theo nghề. Vì vậy, anh Uyên mong muốn có thể phát triển nghề ở Bình Liêu để vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, thu hút lao động trẻ, vừa tạo nên những sản phẩm hương sạch, an toàn cho người sử dụng. “Mình muốn phát triển sản phẩm hương sạch để mọi người có nén hương thơm lành thắp trong những ngày lễ, Tết, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho bà con ở Bình Liêu khi họ có thể kiếm thêm thu nhập từ việc khai thác và bán rễ bài” - Anh Uyên chia sẻ.
Hiện nay, nghề làm hương ở Quảng Ninh không phổ biến mà chỉ có một số hộ, một số cơ sở nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài Bình Liêu, một số địa phương khác như TP Cẩm Phả, TP Đông Triều cũng có một số hộ sản xuất hương phục vụ thị trường. Điển hình là hợp tác xã sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải ở TP Đông Triều, chuyên sản xuất sản phẩm hương sạch và các nguyên liệu làm hương xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản…, lan tỏa giá trị của hương Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Có lẽ chính mùi hương - mùi của Tết, của văn hóa Việt - đã trở thành động lực để những người làm hương gắn bó với nghề truyền thống. Bởi duy trì nghề cũng chính là cách để gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt với truyền thống hướng về tổ tiên trong dịp Tết đoàn viên. Và mùi hương theo đó cũng tự nhiên len lỏi, lưu hương trong tâm khảm mỗi người, như một phần của Tết.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()