Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:41 (GMT +7)
Làm giàu từ thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 7, 18/09/2021 | 09:07:35 [GMT +7] A A
Với người nông dân, thị trường và thời tiết chính là hai nguyên nhân chủ yếu làm nên sự “may rủi” trong sản xuất nông nghiệp. Vậy nên, để cởi trói cho tư duy của người nông dân và giúp bà con tự tin làm giàu từ nông nghiệp chính là những chương trình cụ thể, chính sách cụ thể được Quảng Ninh triển khai, thực hiện trong hơn 10 năm qua. Nhiều vùng đất dù còn không ít khó khăn, nhưng đã hồi sinh trở lại. Những trang trại, gia trại và cả những vùng cây trồng đang ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghị quyết số 01-NQ/TU về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển sản xuất dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch”, cùng với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), các chính sách hỗ trợ vốn, mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đã nhanh chóng đi vào cuộc sống; tạo cho người nông dân một tư duy mới, một cách làm sáng tạo, hiệu quả để làm giàu từ sản xuất canh tác nông nghiệp.
Nhiều năm trước gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền, thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, là một hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, thì nay đã trở thành một trang trại lớn của xã, của huyện. Để đến được thành công, trước hết quy trình sản xuất phải bài bản, người nông dân phải tham gia hoặc tự tụ nhau lại thành lập tổ chức hợp tác xã. Theo đó, chỉ khi tham gia vào hợp tác xã thì anh Tuyền cũng như nhiều nông dân trong thành viên hợp tác xã mới có điều kiện học tập và tham dự các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, khi đã là hợp tác xã mới dễ dàng tạo được sự liên kết với người dân, và có vùng nguyên liệu đủ lớn được cấp chứng nhận, đủ điều kiện đặt vấn đề liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp.
Nghĩ là làm, ngay sau khi thành lập hợp tác xã Tuyền Huyền, anh Tuyền nhận thấy nhu cầu về con giống có chất lượng cao ngay tại địa phương là rất lớn, nên anh đã mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng số vốn 1 tỷ đồng để thực hiện ước mơ làm giàu từ giống gà bản địa. Và việc đầu tiên khi đã có vốn, anh Tuyền quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, đồng thời, anh Tuyền còn chủ động tham khảo, học hỏi khắp nơi về công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà, thiết kế chuồng trại, ứng dụng máy móc công nghệ... để đưa vào sản xuất chăn nuôi.
Đến nay, hợp tác xã Tuyền Huyền không chỉ có một trang trại nuôi gà rộng gần 2ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm, mà từ tháng 6/2019, giống gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã tiếp thêm động lực để cho người nông dân Nguyễn Văn Tuyền tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Giống như bao hộ dân khác trên địa bàn thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, 5 năm về trước, gia đình anh Tằng Quay Sồi được sếp vào danh sách những hộ nghèo bền vững của thôn là bởi dù gia đình anh cũng có đất rừng, đất ruộng nhưng ruộng thì bỏ hoang, rừng thì chỗ trồng chỗ không, vì vậy, cái đói, cái nghèo luẩn quẩn đeo bám hết ngày này qua năm khác.
Những tưởng vòng quay đói, nghèo luẩn quẩn đeo bám dường như chưa tìm được lối thoát của các hộ dân trong thôn nói chung, gia đình anh Sồi nói riêng. Nay thì đã khác bởi sự hồi sinh trở lại.
Từ chương trình nông thôn mới, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, cơ sở hạ tầng kinh tế được đầu tư, cùng với các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác, gia đình anh Sồi người đồng bào dân tộc Dao đã dần có bước chuyển đổi về tư duy trong phát triển sản xuất. Những cánh rừng trồng thưa thớt ngày nào, những khu ruộng hoang hóa đã được gia đình anh tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh Sồi đã có doanh thu từ trồng rừng, trồng các loại cây hoa màu và chăn nuôi lên tới gần 100 triệu đồng.
Có thể khẳng định, trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp người nông dân Quảng Ninh đã và đang từng bước thích ứng với một phương thức mới trong sản xuất nông nghiệp, năng lực kinh doanh để thay đổi tư duy, từ thói quen nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế thị trường.
Phạm Hải
- TX Đông Triều: Thiết lập vững chắc chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp
- Duy trì sản xuất không để đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp
- Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
- Nâng chất và lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp
- Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao
- Sức bật từ phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()