Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:32 (GMT +7)
Làm giàu từ kinh tế trang trại
Thứ 7, 02/10/2021 | 09:20:17 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại của nông dân mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Mức thu nhập này không chỉ nâng cao đời sống kinh tế cho nông hộ, các mô hình này cũng từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung.
Nhận thấy ổi lai lê là giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, có tiềm năng về kinh tế, từ năm 2012, gia đình ông Vũ Minh Thường, xã Sơn Dương, TP Hạ Long đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 1ha đất trồng lúa, hoa màu kém năng suất sang trồng ổi. Đồng thời liên kết với các hộ dân quanh vùng xây dựng, phát triển thương hiệu Ổi Hoành Bồ. Cùng với đó là mở rộng quy mô, trồng thêm các loại cây ăn quả khác như thanh long, bưởi xa xanh. Đến nay, trung bình mỗi năm, ông đưa ra thị trường gần 20 tấn hoa quả các loại với thu nhập gần 500 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Thường được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thành phố, của tỉnh.
Ông Thường cho biết: Trước đây, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào cây lúa, canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên, nên năng suất và sản lượng đạt thấp. Đến khi chuyển đổi cây trồng phù hợp, áp dụng kỹ thuật vào khâu chăm sóc và hình thành được liên kết sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng được nâng lên.
Hay như hộ ông Nguyễn Chí Nhân, thôn 1, xã Hải Xuân, TP Móng Cái. Từ năm 2015, ông Nhân bắt đầu thực hiện mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch nhà vườn với gần 5.000 loại cây như: Mít, táo, na, quýt đường, đu đủ, chuối... Đến nay, “mùa nào thức ấy”, trang trại rộng 5ha của ông Nhân không chỉ mang lại thu nhập, mà còn là điểm đến trải nghiệm thú vị của du khách bốn phương. Mỗi năm, từ mô hình này đã mang lại cho gia đình ông doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, với lợi thế là địa phương ven biển, nông dân Quảng Ninh cũng đã chủ động đi đầu trong việc xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như trang trại nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Phạm Quốc Huy, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên với quy mô trên 2,2ha, mỗi năm cho thu nhập từ 4-5 tỷ đồng; trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Bùi Ngọc Liêm, phường Hải Hòa, TP Móng Cái có quy mô sản xuất 13ha, thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi tôm và cá trắm đen của ông Đặng Văn Cừ, phường Yên Hải, TX Quảng Yên quy mô gần 10ha, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm...
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 500 trang trại đang hoạt động ở các lĩnh vực dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ tổng hợp. Phần lớn các trang trại đều tận dụng, khai thác hiệu quả phần đất nông, lâm nghiệp và thủy sản được chính quyền giao, cấp hằng năm, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động thời vụ. Đặc biệt từ các trang trại này cũng xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để khuyến khích hình thành, phát triển thêm nhiều trang trại, các sở, ngành, địa phương cũng cần tích cực vào cuộc rà soát những diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng có thể canh tác; nắm bắt tình hình tư tưởng trong cộng đồng dân cư về nhu cầu được sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất, nhất là đối với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, bền vững. Cùng với đó là quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; vay vốn tín dụng; hỗ trợ mua con giống, cây giống; ứng dụng KHCN... để tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển kinh tế trang trại trong nhân dân.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()