Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:51 (GMT +7)
Làm gì với rap phản cảm?
Thứ 3, 09/01/2024 | 17:16:25 [GMT +7] A A
Khá nhiều khán giả bất ngờ khi cha đẻ của những lời rap báng bổ, nguyền rủa người yêu cũ, lại là B Ray. PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Cương giật mình: “Ôi, B Ray cơ à? Huấn luyện viên Rap Việt 2023 đó. Cứ tưởng một rapper vô danh nào, hóa ra lại là một người nổi tiếng, có ảnh hưởng như thế”.
Không ít “thượng đế” đề nghị xử phạt nặng với B Ray, thậm chí đòi “phong sát” rapper 9X. Theo họ đừng lấy nhạc rap làm bình phong để muốn làm gì thì làm, viết gì thì viết, đã là rap ở nước Việt cần phù hợp với văn hóa Việt.
Không có gì quá đáng khi “thượng đế” phản ứng dữ dội với sản phẩm của B Ray. Thử điểm qua phần lời gây sóng gió: “Anh mong em đánh bại được ung thư, chỉ để bị ung thư thêm lần nữa”; “Chúc em qua đời thanh thản ở trên giường ngủ và thức giấc là ở dưới địa ngục”, “Anh mong những ngày tệ nhất sẽ đến với em mỗi khi bầu trời trong xanh. Tính chuyện gì cũng không thành”, “Leo núi cũng bị sóng đánh, không khí không được trong lành”, “Chúc em khi bệnh không người thăm, về nhà mùng một với 15”…
Một khán giả trẻ bình luận lời rap của B Ray bằng duy nhất một từ: “Khiếp”. Một cô giáo dạy văn kịch liệt phản đối: “Đừng lợi dụng rap để bắn những nội dung ngô nghê, ngớ ngẩn, phản nhân văn hoặc rẻ rúng hạ bệ những giá trị cốt lõi chuẩn mực. B Ray xàm quá”.
Thạc sĩ, ca sĩ Ngọc Khuê, giảng viên Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng: “Với sự phát triển của âm nhạc và sự du nhập văn hoá từ phương Tây, một bộ phận rapper trẻ đã viết những lời bị đánh giá không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục. Thế nhưng khái niệm thuần phong mỹ tục vẫn khá mơ hồ. Vì thế, những nhà làm luật cũng bối rối khi xử lý những trường hợp này trên không gian mạng”.
Chiêu độc, lạ hay trò đùa dai của cộng đồng?
Không chỉ có lời rap của B Ray gây ồn ào, tranh cãi và phản đối dữ dội từ khán giả. Tập 2, Rap Việt mùa 3, thí sinh Dubbie trình diễn ca khúc “Đóng băng” trên nền nhạc gốc “Mình cùng nhau đóng băng” của Tiên Cookie có phần lời như sau: “Các em lại phát thêm rồ/Phải ngoan thì mới được phát thêm đồ”. Hay phần thi Tự hào Việt Nam, Rap Kids 2020 có những câu: “Tinh thần dân tộc chưa bao giờ là bất diệt/Con người Việt Nam hiếu chiến vang danh mang đi khắp nơi”. Ngay cả Đen Vâu cũng kém duyên khi bày tỏ niềm tự hào dân tộc: “Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư/Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ một phần triệu biến anh thành người vũ phu”. Nhắc đến “sạn” ở rap thời gian qua không thể không nhắc đến câu rap từng khiến khán giả bị “sốc” nặng khi nói về lãnh tụ.
PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Cương nhận định: Những câu rap bị phản ứng từ dư luận có thể bắt nguồn từ nhận thức còn hạn chế của người sáng tác. Nhận thức có khi không liên quan đến trình độ văn hóa. Ông nói: “Đen Vâu hay Double2T là ví dụ. Trình độ văn hóa của hai rapper này không cao nhưng nhận thức tốt. Đen Vâu chỉ là một công nhân bình thường trở thành ngôi sao rực sáng, bởi tính nhân văn quán xuyến tư duy và quan điểm trong sáng tác của Đen Vâu. Hay chàng “À lôi” Double2T, sinh ra, lớn lên trên vùng đất nghèo Tuyên Quang, chỉ học hết phổ thông nhưng lời rap nhân văn. Anh luôn tự hào là người miền núi, yêu quí, trân trọng văn hóa của người miền núi”. Quay lại với lời rap đang bị “ném đá’’ của B Ray, ông đánh giá: “Tất nhiên những lời rap ấy phản cảm, cần lên án. Nhưng có xu hướng một số bạn trẻ thích gây ồn ào để nổi tiếng. Tức là nổi tiếng bằng bất cứ giá nào”. Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, chưa chắc những lời rap bị phản ứng từ dư luận đã phản ánh nhận thức kém của chủ nhân, mà có khi chỉ là một “chiêu” gây chú ý. Để gây chú ý thì phải tạo sự độc-lạ: “Một bộ phận người sáng tác trẻ tạo độc- lạ bằng mọi cách. Thí dụ, dùng ngôn từ tục tĩu, phản cảm hay là phi nhân tính, tạm gọi thế”.
Trong khi nhiều khán giả lên tiếng, cần cấm biểu diễn với trường hợp của B Ray, thậm chí “phong sát”, PGS.TS Nguyễn Văn Cương lại thấy: “Cấm biểu diễn hay không phải dựa vào quy chế, phải xem xét nhiều khía cạnh, xem mức độ phạm lỗi. Theo tôi, trường hợp của B Ray chỉ cần lên án, để rapper tự điều chỉnh, sửa sai”. Ca sĩ Ngọc Khuê cũng thấy không cần làm quá căng: “Theo tôi, với quy luật của sự phát triển thì những gì không tốt đẹp sẽ tự khắc bị đào thải”.
Góc nhìn từ một nhà thơ quanh lời rap kém nhân văn, phản cảm của B Ray: “Việt Nam tiếp nhận và “sáng tạo” rap đủ kiểu, theo trình độ và kiến thức của người sáng tác, đôi khi tạo ra những sản phẩm cực kỳ thấp kém, lẫn lộn giữa sáng tạo và đùa cợt”. Được biết, những câu rap bị phản ứng của B Ray nằm trong ca khúc “Để ai cần”, trước khi bị gỡ đã hút gần 600 ngàn lượt xem chỉ sau 3 ngày, lọt tốp 9 âm nhạc thịnh hành. Nhà thơ xin giấu tên bình luận tiếp: “Có lẽ sự đón nhận của khán giả với loại rap này là do tò mò, để đùa cợt, chứ không phải sự thưởng thức. Vì thế, không nên lấy lượt xem hay lượt thích để đánh giá”.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()