Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:45 (GMT +7)
Làm gì để cách ly F0, F1 tại nhà an toàn?
Thứ 2, 02/08/2021 | 09:06:42 [GMT +7] A A
Hiện nay, ngoài F1, các F0 mới được phát hiện, không có triệu chứng và người được điều trị tại bệnh viện có tình trạng sức khỏe đã ổn định, tải lượng virus thấp được cho xuất viện về nhà cách ly. Họ tuyệt đối không được ra khỏi nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Khi cách ly tại nhà, phải giữ khoảng cách ít nhất 2m với người nhà, mang khẩu trang thường xuyên. Khi tiếp tế thức ăn và các vật dụng khác trên một bàn trung gian, cần mang găng tay. Khi nhận đồ giặt, sử dụng nước nóng hoặc ngâm xà phòng đều có thể tiêu diệt triệt để virus.
Chuẩn bị thuốc
BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn các bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết, nhóm thuốc sử dụng cho bệnh nhân F0 cách ly tại nhà cũng là thuốc sử dụng thông thường như paracetamol để hạ sốt. Người lớn sử dụng liều từ 500-600 mg, trẻ em khoảng 15 mg/kg trọng lượng cơ thể. Liều dùng cách nhau từ 4-6 giờ hoặc khi sốt, đau đầu thì uống lại. Người bệnh có thể sử dụng thuốc ho thảo dược thông thường hoặc dùng cách dân gian như chưng quất (tắc) với mật ong để uống khi ho. Bệnh nhân F0 cũng nên có sẵn thuốc chống tiêu chảy để dùng khi cần, nên uống vitamin C để tăng đề kháng. Các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh không nên tự ý sử dụng mà cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Tính đến ngày 1/8, TPHCM có hơn 93.000 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện đang điều trị 35.218 bệnh nhân, trong đó 933 bệnh nhân nặng phải thở máy và 12 bệnh nhân phải can thiệp ECMO. Trong số 43.767 người thuộc diện cách ly, 6.200 người đang cách ly tập trung, 37.567 trường hợp còn lại đang cách ly tại nhà.
Nên tập thở
Bệnh nhân COVID-19 thường bị thiếu ô xy. Ngồi cúi thấp khó thở, phải ngửa ra phía sau mới thở được hoặc phải ngồi thẳng mới thở được là các biểu hiện suy hô hấp. Người mắc bệnh vẫn có thể nói chuyện bình thường nhưng ô xy máu đã giảm thấp nên cần chủ động tập thở, BS Khanh nói. Người bệnh cần hít vào thật chậm bằng đường mũi cho tới khi bụng phình lên rồi thở ra bằng miệng cho tới khi bụng xẹp xuống. Mỗi ngày có thể tập thở nhiều lần, mỗi lần khoảng 15-20 nhịp. Với nhóm bệnh nhân bắt đầu thấy khó thở, việc tập thở là đặc biệt cần thiết. Trong trường hợp đã tập thở nhưng vẫn khó thở, bệnh nhân cần nằm sấp và tiếp tục hít thở thật sâu. Tập thở sẽ giúp ổn định tinh thần và ngăn diễn tiến suy hô hấp trong thời gian chờ hỗ trợ y tế.
Sau khi phát hiện mắc COVID-19, phải giữ được tinh thần ổn định, vững vàng tâm lý. Khi cách ly theo dõi y tế tại nhà, cần tuân thủ hướng dẫn, chỉ cần vượt qua ngày thứ 8, cơ thể sinh kháng thể tốt, sức khỏe sẽ dần ổn định. Với bệnh nhân F0 thuộc nhóm nguy cơ có diễn tiến nặng như người trẻ bị béo phì, người có bệnh lý mạn tính nhưng chưa được điều trị ổn định, người trên 65 tuổi…, cần liên hệ cơ sở y tế để được hỗ trợ, chuyển đến bệnh viện điều trị.
“Những người mắc COVID-19 thường mất khứu giác, vị giác nên việc ăn uống rất khó khăn. Tuy nhiên, để duy trì được sức khỏe, cần phải cố gắng ăn uống để bổ sung dinh dưỡng. Thức ăn cần phải lỏng, dễ nuốt, để giúp cơ thể dễ hấp thụ, tăng sức đề kháng vượt qua bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần uống nước nhiều, trong trường hợp thời tiết lạnh, cần giữ ấm”, BS Khanh tư vấn.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()