Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:37 (GMT +7)
Làm báo thời gian khó
Thứ 6, 12/01/2024 | 18:43:14 [GMT +7] A A
Viết trong gió hú
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX (năm 1991) diễn ra tại hội trường Khách sạn Vườn Đào, Bãi Cháy, TX Hồng Gai. Người viết bài này trong số nhóm phóng viên báo Quảng Ninh lo bài vở về đại hội.
Cuối ngày làm việc thứ hai, tôi nán lại do đã hẹn trước mấy đại biểu trả lời phỏng vấn. Mải việc cuốn hút, trời nhập nhoạng tối lúc nào không hay. Tôi ghé nhà chị Nguyễn Thị Bảo, Giám đốc Khách sạn Vườn Đào, để mượn xe đạp ra về. Giai đoạn ấy, ngoài ô tô U-oát được cấp, cả cơ quan Báo Quảng Ninh chỉ có 2 xe máy: Chiếc Babetta (ba bét nhè) màu vàng của họa sĩ Công Phú và con Simson màu xanh của nhà báo Đinh Xuân Trường, mang về sau những năm xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức.
...Rủi thay, tôi vừa đến bến phà Bãi Cháy thì cơn dông bất ngờ ập tới; mưa gió dữ dội. Tôi vội vào trú chân ở Đội CSGT 1-18. Quen biết nhau từ khi tôi còn làm báo Công an tỉnh, đội trưởng Đặng Bổng và một chiến sĩ cùng lao ra giúp bốc xe, kéo tay tôi vào.
- Báo chí đại hội mưa gió không về được phải vào viết lách nhờ vả anh em đây! - Tôi thay lời chào.
- Chúng em cũng đang phục vụ đại hội mà! Anh cứ tự nhiên làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi ở đây; gọi điện thoại thoải mái. Thời tiết này còn lâu phà đò mới trở lại - Anh chỉ huy đội xởi lởi.
...Tôi tập trung viết. Và chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau đã xong một tin và một bài. Ngày ấy, cơ quan làm gì có máy fax. Điện thoại bàn, tôi và hầu hết phóng viên chẳng ai có, nói gì đến điện thoại di động. Tôi nhờ điện thoại bàn của Đội CSGT alô về toà soạn. Phía đầu dây bên kia cứ việc “viết chính tả” mỏi tay; tốn khá nhiều thời gian và tiền điện thoại. Xong việc, phà chạy bình thường, nhưng tôi quyết định ngủ lại bởi sáng hôm sau vẫn phải tới Khách sạn Vườn Đào. Lo bữa tối, chủ nhà khuân về mấy cặp bánh chưng; sẵn bếp dầu rán nóng rẫy; chúng tôi vừa ăn vừa xuýt xoa. Bữa tối dã chiến tuy chỉ độc món, nhưng rất ngon miệng, ấm áp thật khó quên!
Sự cố sau chúc Tết
Sáng mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Thân 1992, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Quang Trung bảo tôi cùng đi chúc tết với ông.
Trên xe, ngoài anh Đài lái xe, chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh và tôi, không có thư ký hay chánh, phó văn phòng.
Xe lăn bánh, tôi mời Chủ tịch UBND tỉnh và anh Đài sau khi kết thúc lịch trình, vào nhà tôi chơi. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Quang Trung vui vẻ: Thăm nhà báo quân đội, đồng ý! Ông vẫn gọi tôi như những ngày tôi làm ở tờ báo “Chiến sĩ Quảng Ninh” (Đặc khu quân sự), đôi ba lần ra huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) nơi ông công tác. Tôi cũng liều mời bởi không rõ vợ con có nhà, hay khóa cửa đi chúc Tết. Không quan trọng, ông biết ngôi nhà đơn sơ của mình nơi sơn cùng, thủy tận, ô tô phải đỗ ngoài đường, thả bộ ngót cây số là được rồi! Tôi còn đề xuất thêm đến chúc Tết đơn vị PCCC của Công an tỉnh. Đêm giao thừa mới đây, anh em vất vả chữa cháy chợ Loong Toòng. Ông cũng đồng ý.
Điểm đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh đến chúc tết là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh. Tôi nhanh chóng rời khỏi cuộc chúc tụng vui vẻ, nhờ alô đến Phòng Cảnh sát PCCC, dặn anh Đỗ Lương, Phó Trưởng phòng đang trực: “Chủ tịch UBND tỉnh sắp đến! Ít kể lể thành tích! Nhớ nói đơn vị chữa cháy mà không có bể nước và mặt sân lỗ chỗ”.
Kết thúc ngày tháp tùng Chủ tịch UBND tỉnh đi chúc Tết hiệu quả ngoài dự đoán, trong đó vợ con tôi có nhà.
...Viết xong bài, tôi đạp xe vào tòa soạn để kịp ra số báo đầu xuân. Đen đủi thay, chiếc xe đạp Liên Xô cà tàng đến Cọc 3 thì xẹp lốp. Nơi đây lấy đâu ra tiệm chữa xe? Khu vực này có 2 người quen ở gần nhau là thầy giáo Nghiêm Khoát và nhà văn Nguyễn Đức Huệ. Nhưng tôi băn khoăn: Cho mình mượn đồ và gửi đồ hỏng ngày Tết, gia đình thầy và bạn có “kiêng” không? Hay ta cứ hì hục dắt xe lê lết 2 cây số vào toà soạn rồi tính sau? Trời thương hay sao, đúng lúc tôi dắt xe đến trước cửa nhà thầy giáo Nghiêm Khoát thì thầy tiễn khách ra về. Thấy tôi, thầy niềm nở:
- Dũng à, vào đây em!
- Dạ thưa, em... đang... trên đường vào cơ quan thì xe hỏng. Em định gửi xe ở nhà anh Đức Huệ.
- Vợ chồng Huệ vừa đi! Cứ vào đây đã, rồi mình cho mượn xe! Xe hỏng để đây, ngày mai mình mang sửa cho! Lúc nào đổi xe cũng được mà!
Ôi! Tôi thật “mèo mù vớ cá rán”. Ngồi vui với thầy một lát, tôi rối rít cảmơn rồi băng đi trong tâm trạng cực kỳ sảng khoái, viên mãn.
...Thế rồi chục ngày sau, Phòng Cảnh sát PCCC nhận thông tin: Sẽ có bể nước 100 mét khối và toàn bộ sân mấy trăm mét vuông được bê tông hóa.
Bài học “bám càng” mô tô
Một chiều mùa hè giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tôi đưa đoàn báo bạn, khoảng chục người sau khi tham quan một huyện miền Đông về đến huyện Tiên Yên thì gặp mưa lũ, tắc đập tràn. Tôi đưa đoàn vào cậy nhờ Công ty Quản lý cầu đường bộ 2 Quảng Ninh. Anh Trần Khánh, Giám đốc công ty thịnh tình đãi khách nơi ăn, chốn nghỉ qua đêm rất ân cần, chu đáo.
7h hôm sau nước rút, tôi đang cùng đoàn báo bạn chuẩn bị lên xe về Hòn Gai thì nhận chỉ thị của Tổng Biên tập: Để đoàn khách tự về! Dũng theo dõi sự kiện ở xã X, huyện Y, vào 8h cùng ngày!
...Tôi bắt xe khách đến thủ phủ huyện Y thì đã 7h30; vào trụ sở Huyện ủy và UBND huyện, nhưng các đại biểu đã lên đường cả rồi. Phải hơn 30 cây số nữa mới tới xã X biên giới, tôi hoàn toàn có lý do chính đáng bất khả kháng. Tuy nhiên, khi tôi vừa bước ra khỏi cổng UBND huyện, một nữ nhân viên văn phòng hớt hải chạy theo: Nhà báo ơi, em vừa ở cơ quan M về, thấy ông K đang chuẩn bị đi xã X; nhà báo sang ngay kịp đấy!
Mừng quá, tôi rảo vài bước chân sang đơn vị M. Sau khi xem thẻ nhà báo của tôi, vị thủ trưởng K đồng ý cho “bám càng”. Xe mô tô 3 bánh chờ giữa sân. Ông K trở vào phòng sắp xếp gì đấy. Bỗng cậu lái xe chạy đến bên tôi, gấp gáp: Nhà báo lên ngồi sau em, đừng ngồi thùng; em giải thích sau! Nhớ đấy! Hãy nghe lời em. Tôi lạ lùng trước lời dặn dò không khác gì khẩn cầu của anh lái xe. Xưa nay tôi chưa hề gặp tình huống éo le rất khó đoán định như này. Tôi chỉ thầm đoán “có chuyện rất đặc biệt” và tự nhủ sẽ nghe cậu ta, “hồi sau sẽ rõ”.
...Ông K ra xe, thấy tôi đã yên vị sau lái xe, bèn khẩn khoản:
- Ấy... mời nhà báo sang ngồi thùng!
- Cảm ơn anh, tôi ngồi đấy bó chân, bó cẳng lắm!
Tôi vừa trả lời, vừa khư khư bám chặt cậu lái xe. Nài nỉ mãi không được, vị chủ nhà đành chiều ý khách.
...Xe đến xã X; đại biểu và khách mời kín hội trường. Tôi quan sát, ghi nhận các đại biểu và nhận tài liệu sự kiện chính trị của địa phương, đoạn ra ngoài gặp cậu lái xe “bí hiểm”. Tôi chủ động thọc léc:
- Mình chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của tay lái lụa đấy nhé!
- Em xử lý trên đường, nhà báo thấy có gì lạ không?
- Quá biết! Mỗi khi gặp ổ gà, cậu đều “phần” cho thủ trưởng ngồi thùng. Cậu và mình chẳng sao, còn ông ấy cứ liên tục nhảy lên chồm chồm! Cậu xử lý hơi độc đấy!
- Em không phải vạch áo cho người xem lưng, nhưng thật tình ông ta quá đáng; chẳng bao giờ quan tâm đến lính cả. Em đi xe này bị thằng ô tô vượt ẩu, chèn ép làm em ngã xây xước, ông ta chẳng hỏi đau đớn ra sao, lại còn phê phán bừa: Tại cậu không làm chủ tay lái chứ gì!. Mẹ em mất khi ông ấy đi công tác. Lúc về, ông ấy hỏi: Mẹ bệnh gì? Em bảo mẹ em bị bệnh ung thư. “Ung thư thì bó tay!” - Nói xong ông tay quay ngoắt... Dạ, em uất ức lắm mới lái xe sáng nay như vậy!
Không thể chấp nhận, càng không thể cổ xúy cho cách “trả đũa” của anh lái xe. Tôi chỉ nghĩ phải chăng có quy luật bù - trừ trong cuộc sống mỗi người. Làm báo thời gian khó cũng có hương vị riêng hấp dẫn của nó. Như câu chuyện trên, nếu không có mưa lũ, ách tắc xe cộ, sao tôi có được bài học đối nhân xử thế sâu sắc và đắt giá như thế.
Phùng Ngọc Dũng
Liên kết website
Ý kiến ()