Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:43 (GMT +7)
Lái xe vi phạm nồng độ cồn: Các chế tài liệu đã đủ sức răn đe?
Thứ 7, 10/12/2022 | 09:21:12 [GMT +7] A A
Lực lượng chức năng mong muốn người dân hiểu hành vi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia không những gây nguy hiểm cho mình mà cả người tham gia giao thông khác.
Mặc dù chế tài xử phạt đã tăng nặng, nhiều lần ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên, đại diện cơ quan chức năng cho hay việc lạm dụng đồ uống có cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định vẫn diễn biến phức tạp và cần có nhiều giải pháp phòng ngừa người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn tham gia giao thông.
Mức phạt cao nhưng vi phạm còn nhiều
Tại buổi toạ đàm “Cách nào ngăn ‘ma men’ lái xe dịp cuối năm” do Báo Giao thông tổ chức vào chiều 9/12, theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Điều tra và giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 11 tháng của năm nay, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý hơn 295.000 trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm 11,36%) trong tổng số hơn 2 triệu trường hợp vi phạm an toàn giao thông.
“So với năm 2019, hành vi bị xử phạt liên quan đến nồng độ cồn tăng cao nhưng tai nạn liên quan đến nồng độ cồn giảm. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lực lượng chức năng xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục vào các khung giờ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, nhất là khung giờ thường xuyên xảy ra các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn,” Thượng tá Minh nhấn mạnh.
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Việt Cường, trường Đại học Y tế công cộng nhìn nhận, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông trầm trọng là uống, sử dụng rượu bia khi lái xe. Ở Việt Nam, tình trạng này kéo dài khá lâu.
Dẫn chứng, qua nhiều nghiên cứu đánh giá sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ sử dụng rượu bia và sau đó lái xe khá cao, khoảng 15-20%, đây là hành vi rất nguy hiểm, nhất là việc lái xe khi vừa sử dụng rượu bia.
“Cồn trong rượu bia tác động lên hệ thần kinh, làm cho việc điều khiển xe và phán đoán trên đường không tốt như trước, gây ra nguy cơ va chạm, tai nạn cho chính bản thân người lái và những người tham gia giao thông,” ông Cường cảnh báo.
Khẳng định chế tài xử phạt hành vi lái xe khi đã uống rượu bia vẫn chưa đủ tính răn đe, ông Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, hiện nay, tình trạng uống rượu bia rồi lái xe vẫn xảy ra vì tỷ trọng người uống rượu bia rất lớn, trong khi việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
“Để xử lý vi phạm vẫn không đơn giản. Xử lý vi phạm một người đã khó, nhiều người càng khó hơn. Do đó, cơ quan chức năng phải nâng cao vấn đề cưỡng chế trong việc xử lý và đây cũng là điều mà lực lượng công an đang triển khai gắt gao,” ông Công nói.
Cho rằng nước ta vẫn chưa có nhiều chế tài để siết chặt đầu vào đối với mặt hàng rượu bia như các quốc gia có quy định lứa tuổi, khu vực được phép bán, giờ mở cửa..., ông Công cho biết chế tài vẫn chỉ phạt tiền và một số phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe khi phát hiện hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện và vẫn chưa đủ tính răn đe. Sắp tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu các chế tài cao hơn, có thể có các hình phạt bổ sung mạnh hơn để đủ tính răn đe.
“Nhiều người uống xong vẫn cho rằng mình chưa say, vẫn đủ khả năng lái xe nhưng thực ra đó là chủ quan của chủ phương tiện. Có nồng độ cồn ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống. Mức phạt hiện nay đã rất cao nhưng vi phạm rõ ràng vẫn còn nhiều, mà chủ yếu là do nhận thức, ý thức của người dân chưa cao. Do vậy, tuyên truyền phải làm sao để thay đổi ý thức của người dân đi đôi với áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt,” vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.
Đã uống không lái xe
Để ngăn chặn hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết có nhiều giải pháp, sáng kiến của người dân, lực lượng chức năng, nhưng để hoàn thiện và đưa vào hệ thống pháp luật thì cũng cần thời gian, lộ trình.
“Chúng ta có thể ngăn chặn hành vi từ khi chưa gây ra hậu quả. Quy định hiện hành đã rõ. Vi phạm có khả năng thực tế dẫn đến tai nạn giao thông gây nguy hại tính mạng người khác cũng sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị phạt tù,” Thượng tá Minh dẫn chứng.
Bổ sung thêm, ông Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng Việt Nam đã có quy định pháp luật và phạt tiền khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng mới áp dụng mức xử phạt này chưa lâu, cách đây khoảng 2-3 năm nên hiệu quả còn chưa thấy được ngay và những thay đổi cũng cần có thời gian và lộ trình.
Ông Công cũng dẫn giải quốc tế chú trọng vào 3 vấn đề quan trọng là giáo dục (tuyên truyền từ ý thức pháp luật, tác hại, nguy hiểm để kỳ vọng sự thay đổi hành vi của người dân); cưỡng chế (tăng mức xử phạt và các chế tài khác như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe và nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù) và môi trường (kiểm soát cả việc uống; mua bán, quảng cáo rượu, bia).
Qua công tác tuyên truyền cũng như xử lý vi phạm, lực lượng chức năng muốn người dân hiểu hành vi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia không những gây nguy hiểm cho mình mà cả người tham gia giao thông khác.
Khẳng định giải pháp quan trọng là phòng ngừa, các khách mời tọa đàm mong muốn chủ phương tiện hãy xác định đã uống không lái, kể cả xe máy, ôtô. Với lái xe, một trong những điểm quan trọng để đảm bảo an toàn là phải biết từ chối bởi uống một chén cũng là vi phạm. Với bạn bè, người thân thì cũng không nên ép họ uống nếu họ phải lái xe, nếu uống rồi thì cũng khuyên họ không nên lái xe về mà sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe ôm hoặc nhờ người thân chở./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()