Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:21 (GMT +7)
Lại tái diễn quảng cáo "thần dược" trên mạng xã hội
Thứ 4, 08/02/2023 | 11:58:11 [GMT +7] A A
Sau khoảng thời gian dài biến mất, thậm chí được cơ quan chức năng khẳng định đã bị loại bỏ, quảng cáo thuốc “nhà tôi 3 đời” trên YouTube đã trở lại tấn công người dùng Việt Nam.
Ức chế, bức xúc vì quảng cáo lừa đảo
Anh Trần Mạnh Huy (30 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, gia đình anh thường có thói quen cùng nhau xem phim trên tivi bằng ứng dụng YouTube vào mỗi buổi tối. Tuy nhiên, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trở lại đây, gia đình anh Huy đã phải chuyển qua sử dụng một số ứng dụng xem phim khác. Lý do bởi có rất nhiều quảng cáo lừa đảo, quảng cáo về các loại "thuốc tiên" xuất hiện trên YouTube, nhiều nhất là các loại trị xương khớp, viêm loét dạ dày.
“Vào ngày Rằm tháng Giêng vừa qua khi gia đình tôi vừa cùng ngồi xem tivi sau bữa cơm thì bất ngờ một video quảng cáo thuốc cường dương, trị yếu sinh lý hiện lên, giọng oang oang khiến mọi người đều cảm thấy bức xúc thậm chí ái ngại" - anh Huy kể.
Chị Mai Hương (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây cũng thường xuyên bị tra tấn trở lại bởi những quảng cáo dạng “nhà tôi ba đời bán thuốc”.
Chị Hương cho hay, những video quảng cáo thuốc này vẫn sử dụng các chiêu trò quen thuộc trước đây. Theo đó, nội dung quảng cáo được dàn dựng giống như một bản tin thời sự. Thậm chí, chúng còn lồng ghép hình ảnh của người nổi tiếng, chương trình nổi tiếng hoặc một số người tự nhận là lương y, hay người đã được chữa khỏi bệnh để quảng cáo thuốc.
“Mẹ chồng tôi cũng bị bệnh xương khớp và đang được điều trị theo liệu trình của bệnh viện nhưng sau khi xem quảng cáo mới đây thì nằng nặc đòi liên hệ theo số điện thoại trên đoạn quảng cáo lừa đảo để hỏi mua thuốc, chúng tôi phải giải thích rất nhiều thì mới ngăn cản được. Với những quảng cáo dạng này nếu không xem tin tức, đọc báo thường xuyên để nhận cảnh báo thì người dân rất dễ bị lừa vì nghĩ đó là các phóng sự của các đài truyền hình uy tín”- chị Hương nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều người phàn nàn rằng hàng loạt video quảng cáo các loại "thần dược nhà tôi ba đời” đã quay trở lại trên YouTube và tiếp tục tra tấn người dùng.
"Trên điện thoại hay máy tính, tôi có thể sử dụng một số phần mềm để chặn những quảng cáo lừa đảo này. Tuy nhiên, khi xem YouTube trên TV, tôi hoàn toàn không có giải pháp nào để ngăn chặn chúng. Quá ức chế và bức xúc"- anh Trần Mạnh Huy bày tỏ.
Giả mạo giấy phép để vượt qua kiểm duyệt
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Tuấn Hải - một chuyên gia tư vấn và đào tạo trong lĩnh vực Digital Marketing - nhận định, việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc nam có biên độ lợi nhuận “khủng khiếp”. Vì thế nhiều đơn vị kinh doanh, làm việc kiểu chộp giật không dễ dàng từ bỏ món lợi lớn này, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng.
Ông Tuấn Hải cho hay, theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam. Ngoài ra, Google cũng cho biết, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Vì vậy, những video quảng cáo dạng này vi phạm nghiêm trọng chính sách của Google.
“Việc cấm các tài khoản Google Ads không phải là giải pháp có thể xử lý triệt để vấn nạn này. Ngưng tài khoản này thì họ sẽ tạo tài khoản khác và điều đó không hề khó” - ông Tuấn Hải nói về lý do các quảng cáo nhà tôi ba đời cứ dừng một thời gian lại quay trở lại.
Trước đó, tại sự kiện ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” vào ngày 27.12.2022 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, “đã ngăn chặn được cơ bản “thần y 3 đời”. Bây giờ vào YouTube gần như quảng cáo này không tồn tại”.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, ngoài làm việc với Bộ Y tế để xác minh các loại thuốc, nhà thuốc; Bộ Thông tin và Truyền thông cũng làm việc với Google và đi đến giải pháp là phát triển một thuật toán chặn lọc. Khi cơ quan quản lý của Việt Nam phát hiện một nội dung quảng cáo "thần y" như vậy sẽ gửi cho Google, phía Google sẽ dùng thuật toán tìm các video tương tự để ngăn chặn.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()