Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:11 (GMT +7)
Lãi suất xuống 4%, USD vượt 24.000 đồng: Đích nào cho dòng tiền cuối năm?
Thứ 4, 16/08/2023 | 09:24:39 [GMT +7] A A
Giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước lên đỉnh cao lịch sử, trong khi lãi suất giảm nhanh. Dòng tiền có thể dịch chuyển mạnh hơn trong nửa cuối năm khi nhiều điều kiện thay đổi.
Đồng USD lên cao nhất trong năm
Ngày 15/8, đồng USD trên hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD (bán ra). Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giá bán USD ở mức cao lịch sử.
NHNN tăng tỷ giá trung tâm thêm 33 đồng lên 23.881 VND/USD. Với biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.687 - 25.075 VND/USD.
Một điểm đáng lưu ý, giá bán USD ở Sở Giao dịch của NHNN tăng thêm 35 đồng lên 25.025 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá bán USD vượt mốc 25.000 đồng.
Tính tới 11h20 sáng 15/8, tỷ giá USD/VND của Vietcombank niêm yết ở mức 23.695 đồng/USD (mua) và 24.035 đồng/USD (bán). So với sáng 14/8, giá bán USD của Vietcombank tăng 125 đồng, tương đương mức tăng 0,52%.
Tương tự VietinBank, Techcombank, MBBank… đồng loạt tăng mạnh giá bán USD. Tỷ giá đều vượt ngưỡng 24.000 đồng/cp.
USD tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh sức ép tỷ giá có xu hướng gia tăng ở khu vực châu Á. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa (lần thứ 12) trong cuộc họp tháng 9. Nền kinh tế Mỹ vẫn khá mạnh mẽ, đây là cơ sở để ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất nhằm kéo lạm phát (ở mức khoảng 4-5% như hiện tại) về mục tiêu 2%.
Trong khi đó, các nước châu Á đảo chiều chính sách tiền tệ để hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi một chuỗi các biến cố, từ đại dịch Covid-19 cho tới xung đột tại Ukraine, cũng như xuất khẩu sụt giảm do các nước phương Tây giảm tiêu dùng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sáng 15/8 bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt với mức mạnh nhất kể từ năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Kinh tế có dấu hiệu giảm phát.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) và lợi suất trái phiếu ngay lập tức giảm mạnh. NDT xuống còn 7,273 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 10 tháng qua.
Trên thế giới, đồng USD tăng khá nhanh. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) lên 103,1 điểm.
Tại Việt Nam, NHNN có 4 lần giảm lãi suất điều hành (với tổng mức giảm khoảng 150 điểm phần trăm) và đang được kỳ vọng sẽ có thêm 1 lần giảm lãi suất nữa, khoảng 50 điểm phần trăm.
Kể từ đầu năm tới nay, các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, từ mức trên 10% xuống chỉ còn khoảng 6-7% cho kỳ hạn 1 năm. Sáng 15/8, có thêm nhiều ngân hàng tiếp tục giảm. Lãi suất huy động đều ở dưới 7%/năm. Một số kỳ hạn 1-5 tháng chỉ còn khoảng 4%.
Xu hướng dịch chuyển của dòng tiền
Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND biến động tăng mạnh trong khoảng 2 tuần gần đây. Xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới.
Theo công ty tư vấn đầu tư FIDT, tỷ giá USD trên hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong 3 phiên, một phần bởi xu hướng mạnh lên của đồng USD (chỉ số DXY). Việt Nam thuộc các quốc gia hạ lãi suất/lãi suất thấp so với đồng USD.
Về mặt biến động, FIDT cho rằng, mức tăng cả trăm đồng trong 2 ngày là khá lớn và cần được theo dõi thêm. Tỷ giá trong nửa cuối năm dự báo sẽ tăng nhưng trong mức độ biến động cho phép (thường là không quá +2% so với đầu năm).
Về ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán (TTCK), ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho rằng, cần chú ý đến biến động tỷ giá và hành vi của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của FIDT, hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại thường ngược chiều với tỷ giá hay tỷ giá tăng thì khối ngoại thường bán ròng.
Thống kê cho thấy, các quỹ đầu tư vào Việt Nam rút nhẹ trong một tuần qua nhưng nhìn chung xu hướng vẫn là đổ tiền ròng vào Việt Nam, với tổng khoảng 230 triệu USD tính từ đầu năm tới nay.
Với những tín hiệu tỷ giá tăng, trên TTCK khối ngoại bán mạnh. Trong phiên 14/8 khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là các cổ phiếu bluechip như Masan (MSN), Bảo Việt (BVH), Vinhomes (VHM), Vietcombank (VCB)… Trong phiên 15/8, khối ngoại cũng bán ròng hơn 540 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VDSC cho rằng, có một số tiền đề có thể tăng thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong những tháng cuối năm. Đó là các dự báo tích cực đối với đồng USD trên thị trường thế giới nhờ lãi suất cao. Đồng NDT dự báo còn giảm tiếp nửa cuối năm. NHNN có thể giảm tiếp lãi suất điều hành… Dù vậy, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát nhờ nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất, kiều hối tăng mạnh, dự trữ ngoại hối ở mức cao.
Theo MBS Research, tỷ giá biến động mạnh trong 2 tuần qua, tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất thiết lập trong tháng 5/2023. MBS dự báo tỷ giá tiếp tục đi lên trước khi giảm nhẹ trở lại vào năm sau.
Đà tăng của USD/VND có thể làm ngừng lại quá trình nới lỏng tiền tệ song chưa thể khiến NHNN đảo chiều chính sách.
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.
The MBS, mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô. Mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Do đó, khó có khả năng NHNN đảo chiều chính sách.
Tuy nhiên, diễn biến gần đây của tỷ giá USD/VND sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Fed Mỹ có động thái hạ lãi suất vào năm sau.
Về tác động đến TTCK Việt Nam, MBS đánh giá kỳ vọng NHNN hạ lãi suất điều hành cũng là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của thị trường trong 4 tháng vừa qua. Do đó, nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng trong các ngày tới, nhiều khả năng TTCK sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh từ 3-5%.
Các thống kê gần đây cho thấy dù lãi suất giảm, song tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng và tiến gần hơn đến mốc 10 triệu tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay vẫn ở mức thấp.
Với việc tỷ giá tăng lên và lãi suất giảm, việc gửi tiền vào ngân hàng sẽ dần kém hấp dẫn. Tiền có thể sẽ được đẩy thêm vào nền kinh tế nếu các doanh nghiệp bán được hàng và có niềm tin vào sự hồi phục kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ và sắp tới là Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tiền cũng được dự báo sẽ chảy vào chứng khoán khi lãi suất xuống thấp.
Dù vậy, nhìn chung kinh tế vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Trong báo cáo hôm 10/8, Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm 2023. Mức tăng trưởng kinh tế sẽ dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% trong năm 2025.
Về TTCK, theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect, chỉ số VN-Index cũng đang ở vùng kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm khi mà thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()