Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:05 (GMT +7)
Lãi suất giảm, người dân bớt gửi tiền ngân hàng?
Thứ 5, 19/08/2021 | 10:28:19 [GMT +7] A A
Lãi suất huy động tiền đồng tiếp tục có xu hướng giảm dù tăng trưởng tiền gửi cá nhân tăng chậm hơn so với doanh nghiệp.
Thấp nhất 1 thập niên
Một số ngân hàng (NH) mới đây giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,1 - 0,2%/năm. Đơn cử ngày 16.8, SHB giảm lãi suất tiền đồng kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,5 - 3,6%/năm; 3 tháng còn 3,65 - 3,75%/năm; 6 tháng từ 5,3 - 5,4%/năm và 12 tháng từ 5,9 - 6%/năm...
Lãi suất tiết kiệm tiền đồng tại Techcombank kỳ hạn 1 tháng còn 2,3 - 3%/năm, tùy số tiền gửi; 3 tháng từ 2,5 - 3,2%/năm; 6 tháng từ 3,7 - 4,8%/năm và 12 tháng còn 4,2 - 5,3%/năm... SCB - vốn là NH luôn nằm trong nhóm có lãi suất tiền gửi hấp dẫn nhất thị trường, cũng không nằm ngoài xu hướng chung. NH này đã giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn xuống còn 3,85%/năm loại 1 tháng; 3 tháng là 3,85%/năm; 4 tháng là 3,9%/năm, 5 tháng là 3,95%/năm... Lãi suất giao dịch tiền đồng trên thị trường liên NH giảm 0,1 - 0,4%/năm so với đầu tháng 8. Ngày 12.8, lãi suất giao dịch bình quân tiền đồng giữa các NH ở kỳ hạn qua đêm xuống còn 0,77%/năm, 1 tuần còn 0,85%/năm, 2 tuần còn 0,98%/năm, 1 tháng còn 1,14%/năm, 3 tháng còn 1,77%/năm, 6 tháng còn 2,79%/năm.
Nếu lấy mốc thời gian 1 năm, lãi suất tiết kiệm tiền đồng của các NH đã giảm khoảng 1,5 - 2,5%/năm và ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chính vì mức lãi suất huy động thấp, lượng tiền gửi tại một số NH thời gian qua cũng sụt giảm. Như ABBANK giảm 7,4% so với đầu năm, SeABank giảm 4,7%, NCB giảm 4,4%...
Lãi suất tiết kiệm giảm, xu hướng gửi tiền vào NH của người dân cũng chậm lại. Theo số liệu công bố từ NH Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6 là 12,64 triệu tỉ đồng, tăng 4,43% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 5,111 triệu tỉ đồng, tăng 4,78%, còn tiền gửi của dân cư là 5,293 triệu tỉ đồng, tăng 2,94%. Tính các tháng kể từ đầu năm đến nay, tiền gửi dân cư tháng 1 trong hệ thống tổ chức tín dụng giảm hơn 16.500 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và tăng đột biến vào tháng 2 thêm hơn 111.300 tỉ đồng. Thế nhưng qua tháng 3 lại giảm 13.365 tỉ đồng và từ tháng 4 đến tháng 6 tăng từ 11.000 - 17.000 tỉ đồng/tháng. Trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế âm vào 2 tháng đầu năm thì những tháng sau đó liên tục tăng nhanh.
Tiền cũng thực hiện giãn cách
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cấp cao Công ty VFL, nhận xét: Vốn huy động của các NH hiện nay chậm hơn cho vay khá nhiều và đang có sự phân hóa, nơi tăng nơi giảm. Động thái giảm lãi suất đầu vào của các NH là bởi vừa qua họ đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Thực tế, cũng có NH bị hụt nguồn vốn huy động khi lãi suất ở mức thấp. Lý giải về tiền gửi của các tổ chức tăng lên, theo ông Hiếu, là do việc sử dụng tiền không hiệu quả. Ba ngành chính của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và du lịch đều chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 lĩnh vực này gần như ngưng trệ nên doanh nghiệp có tiền chỉ còn cách đem gửi NH lấy lời.
Theo một chuyên gia tài chính, các NH sẽ còn gặp khó trong việc huy động vốn từ khu vực dân cư bởi sẽ có nhiều người rút tiền để trang trải cuộc sống. Đồng thời, một số người trong giai đoạn giãn cách ở nhà có thể chuyển tiền vào đầu tư chứng khoán. Trường hợp dịch được khống chế vào cuối tháng 9, huy động vốn của NH sẽ lạc quan hơn, còn không sẽ tiếp tục suy giảm đến quý 4. Do đó, khả năng lãi suất huy động tiền đồng tăng lên để giữ nguồn tiền là có thể xảy ra. Một yếu tố khác sẽ tác động lên mặt bằng huy động vốn của các NH trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Trí Hiếu là quy định từ ngày 1.10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH điều chỉnh giảm từ mức 40% xuống còn 37%.
Điều này đòi hỏi các NH tăng cường vốn huy động trung dài hạn nhiều hơn, trong khi hầu hết các cá nhân gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Vì thế, có thể lãi suất huy động trung dài hạn tăng lên 0,5 - 1%/năm trong thời gian tới, tạo thành đường cong lãi suất đủ để hấp dẫn người có tiền gửi trung dài hạn để các NH có thể huy động vốn cho vay. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động có thể dẫn đến chi phí huy động tăng, điều này có thể đi ngược lại chủ trương đang giảm lãi suất cho vay hiện nay.
Theo ông Lê Đạt Chí, trong bối cảnh hiện nay, không thể yêu cầu lãi suất thực dương được. Nếu có thực âm, người gửi tiền cũng chấp nhận chứ trong thời điểm giãn cách xã hội, tiền thực tế cũng không biết chảy đi đâu. Dự báo tình hình lãi suất huy động thấp sẽ còn tiếp tục kéo dài dù lượng tiền gửi dân cư có tăng chậm lại.
Vào giữa tháng 7, hàng loạt NH được điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên cao hơn khi thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Nhu cầu vốn tăng lên nhưng huy động lại tăng chậm hơn, ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng không dễ để lãi suất huy động cuối năm tăng lên bởi các NH hiện nay huy động vốn rẻ qua nhiều kênh khác như trái phiếu chính phủ đang ở mức rất thấp, cổ phiếu... Lý do huy động giảm do nền kinh tế luân chuyển vốn chậm, làm tiền gửi giảm. “Đừng quá lo vốn rẻ sẽ dịch chuyển vào các kênh đầu cơ làm cho các thị trường bong bóng trong tình hình giãn cách như hiện nay. Do dòng vốn không thể luân chuyển nhanh được nên các NH mới thực hiện giảm lãi suất huy động để từ đó giảm lãi vay”, ông Chí nhận định.
Theo thanhnien.vn
Liên kết website
Ý kiến ()