Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 11:43 (GMT +7)
Lạc quan về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025
Thứ 2, 06/01/2025 | 11:34:35 [GMT +7] A A
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm 2025. Trong đó dự kiến TTTD toàn hệ thống năm 2025 đạt khoảng 16%. Đánh giá mục tiêu này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là mức tăng phù hợp khi năm 2025, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP lên đến 8%.
Ngoài việc công bố mức TTTD cho năm mới, NHNN khẳng định tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Mục tiêu tăng trưởng 16%
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quý III/2024, TTTD đã có những chuyển biến tích cực. Ước tính cả năm 2024, TTTD sẽ đạt được mục tiêu 14% khi kết thúc năm.
Sang năm 2025, mặc dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế là từ 6,5-7%, phấn đấu đạt từ 7-7,5%, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt và mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 8%, thậm chí cao hơn, ở mức hai con số.
Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN cho biết trong năm 2025 sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao TTTD năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện.
Theo đó, NHNN dự kiến TTTD toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Mức giao chỉ tiêu TTTD của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Với những chỉ tiêu như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 16% có nhiều khả năng thực hiện được do sức khỏe của nền kinh tế ngày một tốt hơn, đà tăng trưởng của năm 2024 sẽ là lực đẩy lớn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, nhấn mạnh động lực TTTD trong năm 2025 đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research) phân tích: Hoạt động tín dụng năm 2025 có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao.
"Cả hai yếu tố này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025. Đồng thời, với tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao sẽ giúp tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025", các chuyên gia phân tích của MBS Research khẳng định.
Cũng với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2025, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI kỳ vọng TTTD sẽ đạt mức 16% trong năm 2025. Dư địa tăng trưởng có thể đến từ các ngành công nghệ thương mại, sản xuất và các công ty FDI. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng phục hồi tập trung nhiều vào ngành xây dựng và bất động sản.
Chung quan điểm nêu trên, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, năm 2025, nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối khả quan, được hỗ trợ bởi nhu cầu tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất khác. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, các công ty phân tích thị trường cho rằng cầu tín dụng tiêu dùng có thể sẽ cải thiện do kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng động lực TTTD năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.
Bảo đảm chất lượng, "nắn" dòng vốn
Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lạc quan đối với mục tiêu TTTD trong năm 2025 khoảng 16%, nhưng cũng lưu ý tỷ lệ tín dụng/GDP thời gian qua ngày càng gia tăng, có thể kéo theo rủi ro tiềm ẩn như một số cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại cần phải dành nguồn lực để nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu đã tăng mạnh trong hai năm qua.
Theo Tiến sĩ Châu Đình Linh (Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh), khi TTTD tăng lên sẽ dễ kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng tương ứng nếu không quản trị rủi ro tín dụng tốt. Điều này sẽ tạo tác động tiêu cực trong tương lai, làm GDP trong dài hạn tăng trưởng chậm lại. Do vậy, TTTD cần phải đi đôi với chất lượng tín dụng, cần xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro về quản trị tín dụng sao cho hiệu quả. Cùng với đó, phải bảo đảm tính hiệu quả về sử dụng tín dụng, "nắn" dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực thúc đẩy GDP theo định hướng chiến lược dài hạn của Chính phủ, những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao,…
Tổng Giám đốc FiinRatings Nguyễn Quang Thuân cho rằng, năm 2025, NHNN tiếp tục cho phép các TCTD chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và giám sát các hệ số an toàn vốn mà không cần đề nghị xin duyệt từ cơ quan quản lý. Chính sách này không chỉ tăng tính linh hoạt cho các TCTD mà còn giúp dòng vốn chảy nhanh hơn đến các lĩnh vực cần thiết, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài việc thông báo dự kiến TTTD toàn hệ thống năm 2025, NHNN khẳng định tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Đối với vấn đề này, Tiến sĩ Châu Đình Linh nhìn nhận, NHNN cần có lộ trình, các cột mốc cụ thể cho câu chuyện tiến tới bỏ "room" tín dụng, cần công bố rõ ràng cho hệ thống ngân hàng về chính sách một cách nhất quán, minh bạch; đồng thời khuyến nghị cần gia tăng tính an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng hiện có bằng cách phân loại nhóm ngân hàng, tiến tới giải quyết ngân hàng yếu kém, ngân hàng kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng để các ngân hàng trở nên tốt hơn, mạnh hơn.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong năm 2025, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành TTTD của hệ thống ngân hàng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để hệ thống TCTD cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu TTTD để tạo điều kiện cho TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà TCTD không cần có văn bản đề nghị", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()