Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 16:56 (GMT +7)
Kỳ vọng về cực tăng trưởng mới khu vực phía Bắc
Thứ 5, 28/07/2022 | 19:36:24 [GMT +7] A A
Ngày 28/7, 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên cùng VCCI đã tổ chức diễn đàn và Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về lợi thế, tiềm năng của các địa phương, cách thức, giải pháp để kết nối những tiềm năng, lợi thế, từ đó tạo nên một mô hình liên kết tiểu vùng tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi lại một số ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Tin tưởng và kỳ vọng thỏa thuận hợp tác kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa 4 địa phương sẽ thành công”
4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đều là những địa phương có nhiều thế mạnh, tiềm năng cả về phần cứng và phần mềm. Đây cũng là những tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế rất tốt, nhất là Quảng Ninh có 5 năm liền đứng đầu Chỉ số PCI; 9 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả, như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor care... Vì vậy, tôi đánh giá cao sáng kiến Ký kết Thỏa thuận hợp tác kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa 4 địa phương.
Sự hợp tác này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế và người hưởng thụ cuối cùng là người dân, doanh nghiệp. Qua trao đổi của lãnh đạo 4 tỉnh, thành và cũng từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng kết nối có thể thành công, bởi 4 địa phương đều có nhiều điểm tương đồng và có một bộ máy vận hành cụ thể với những hoạt động mang tính chất chiến lược mạnh mẽ. Việc thực hiện kết nối cũng là hành động rất cụ thể để triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 10 năm tới đây và 5 năm trước mắt. Nếu mô hình này thành công, tôi tin rằng mô hình sẽ được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật để từ đó nhân rộng cả nước.
Ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI: “Liên kết, hợp tác tạo nên sức mạnh chung”
Khi 4 địa phương có sự liên kết, chắc chắn sẽ tạo không gian phát triển mới cả về chiều rộng, chiều sâu, phát huy được tối đa lợi thế của các địa phương. Chúng ta đều biết, 4 địa phương đều có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như TP Hải Phòng có cảng biển lớn quốc tế, tỉnh Quảng Ninh có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên đều có nguồn nhân lực dồi dào cùng không gian phát triển kinh tế đủ lớn. Những tiềm năng, lợi thế trên sẽ tạo thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng.
Vì vậy, tôi tin rằng, việc kết nối 4 địa phương sẽ tạo ra khu vực thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển và dịch vụ du lịch. VCCI rất vinh dự được 4 địa phương tín nhiệm và thống nhất giao trọng trách thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế vùng 4 tỉnh, thành. VCCI cam kết sẽ đồng hành, huy động các chuyên gia giỏi nhất, các nguồn lực tốt nhất, phát huy các thế mạnh của VCCI trong kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành và các đối tác quốc tế, để cùng với sự nỗ lực của 4 tỉnh, thành, chúng ta cùng tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên kết nội vùng, liên vùng; kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể giữa các địa phương”
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế riêng có của từng tỉnh, thành, trong thời gian vừa qua Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển trên các lĩnh vực trọng tâm, có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, trong đó có du lịch, dịch vụ, đầu tư, thương mại. Thông qua Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông này, hoạt động hợp tác phát triển giữa các địa phương sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Để đẩy nhanh hoạt động kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, đặc biệt trong kết nối du lịch, dịch vụ, đầu tư, thương mại nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, theo tôi trên cơ sở định hướng lớn, các địa phương cần tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng giao thông liên kết nội vùng, liên vùng; kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể giữa các địa phương để có thêm sản phẩm du lịch tốt, hệ thống giao thông tốt. Trên cơ sở hoàn thiện hạ tầng, tiếp tục tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch và mở rộng hợp tác giữa 4 địa phương nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư cũng như tạo hành trình du lịch an toàn giữa 4 tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: "Phát huy thế mạnh hạ tầng giao thông và dịch vụ hậu cần logistics"
Hải Phòng đang đẩy mạnh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn, đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, các tuyến đường vành đai thành phố, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Địa phương cũng đặc biệt quan tâm đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối liên vùng như: Đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển đoạn từ Thanh Hóa, qua Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; kết nối đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh, kết nối các tỉnh lân cận như với Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh.
Riêng với sân bay Cát Bi đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E, đảm bảo khai thác được máy bay B747, sân đỗ máy bay đảm bảo 10 vị trí đỗ cho máy bay A321/giờ cao điểm, nhà ga công suất khai thác 4-5 triệu hành khách/năm.
Với sự kết nối cao của hệ thống hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện để Hải Phòng đẩy mạnh khai thác tối đa lợi thế về dịch vụ hậu cần logistics. Trong đó, để phát triển hạ tầng cảng biển, Hải Phòng đã tập trung nâng cấp và đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các bến số 1, 2 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện. Hiện hệ thống cảng biển của thành phố gồm 5 khu bến với 98 cầu bến các loại cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính cơ bản đáp ứng tiếp nhận tàu lớn ra, vào làm hàng. Bên cạnh đó, hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố phân bổ tập trung dọc theo khu vực sông Cấm với tổng diện tích kho, bãi đạt hơn 700ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính. Từ đó, từng bước đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và quốc tế...
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: "Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao và chuỗi sản xuất cung ứng cho phát triển kinh tế vùng"
Hải Dương hiện có 14 tuyến sông trung ương, 6 tuyến sông địa phương với tổng chiều dài khoảng 430km. Hệ thống sông Thái Bình chảy qua Hải Dương nối với hệ thống sông Hồng tạo thành các tuyến đường sông quan trọng nối Hải Dương với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thời gian qua, Hải Dương đã chủ động đổi mới tư duy đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa, đặc biệt ưu tiên tập trung đầu tư đột phá lĩnh vực giao thông kết nối vùng, liên vùng.
Đặc biệt, với việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, cùng các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý vốn có của huyện Bình Giang và Thanh Miện, 2 khu vực được xác định là thế mạnh khác biệt nổi trội để hấp dẫn các nhà đầu tư lớn đang được tỉnh nghiên cứu ý tưởng và khẩn trương quy hoạch vùng công nghiệp động lực tỉnh Hải Dương với diện tích khoảng 10.000ha. Trong tương lai gần, đây là vùng kinh tế chuyên biệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương nói riêng và khu vực nói chung.
Cùng với hạ tầng giao thông, Hải Dương coi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá để năm 2025 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Trong những năm qua, Hải Dương tập trung phát triển nguồn nhân lực phải hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực; chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ các KCN, CCN. Trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: “Tạo nên sức mạnh tổng hợp, là cơ hội cho các địa phương phát huy được tiềm năng”
Trong 4 địa phương, Hưng Yên là tỉnh có xuất phát điểm thấp nhất với đặc trưng của một tỉnh thuần nông. Tuy nhiên, với khát khao vươn lên, chúng tôi cũng đã gặt hái được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực.
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp và các dự án đầu tư vào Hưng Yên có bước phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Năm 2022, Hưng Yên sẽ tiếp tục hoàn thành GPMB khoảng 1.000ha để bàn giao cho các doanh nghiệp làm hạ tầng và tỉnh có thêm cơ hội tiếp nhận các dự án đầu tư chế biến nông sản trong các KCN. Vì vậy, khi Hưng Yên được kết hợp cùng với các địa phương có lợi thế về cảng biển, biên giới, nguồn nhân lực của Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, chúng tôi tin là 4 địa phương sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp mới. Từ đó sẽ tăng cường liên kết và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, ngành chế biến nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp và chế biến nông sản, mở rộng phạm vi vùng nguyên liệu và chuỗi sản xuất ra cấp vùng.
Việc Ký kết Thỏa thuận ngày hôm nay cũng là căn cứ rất quan trọng để các địa phương triển khai kết nối hoạt động và phối hợp cơ chế, chính sách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, trong đó có phát triển nông nghiệp, chế biến nông sản như: Thực hiện chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp và chế biến nông sản; đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp; xúc tiến phát triển thị trường tiêu thụ; cung cấp, chia sẻ thông tin về thị trường nông sản, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm; hỗ trợ về thông tin tuyên truyền và đăng ký sở hữu trí tuệ cho các nông sản…
Nhóm Phóng Viên
Liên kết website
Ý kiến ()