Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:23 (GMT +7)
Cử tri kỳ vọng nhiều quyết sách sát với thực tiễn cuộc sống
Thứ 3, 11/07/2023 | 15:27:56 [GMT +7] A A
Từ ngày 10 - 12/7/2023 diễn ra Kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thông qua nhiều quyết sách quan trọng đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh ghi lại các kiến nghị của cử tri, cán bộ, đảng viên, nhân dân gửi tới kỳ họp…
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh: "Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển".
Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, sản xuất xi măng nói riêng gặp nhiều khó khăn về thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Riêng với Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh 6 tháng đầu năm tiêu thụ xi măng trong nước đạt được hơn 17% so với kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu do các công trình, dự án bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về vốn.
Được biết, tại Kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, dự kiến, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi số đến năm 2025. Nếu nghị quyết này được thông qua sẽ tiếp sức cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết này thể hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn tạo động lực để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh…
Bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10/10, huyện Vân Đồn: “Xây dựng thêm các chính sách phát triển vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch”.
Hiện việc phát triển sản xuất trồng trọt còn nhiều khó khăn do thời tiết thay đổi thất thường, giá cả vật tư hàng hóa phục vụ cho sản xuất tăng cao; diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp...
Để đảm bảo sinh kế và sản xuất nông sản bền vững, chúng tôi mong muốn tỉnh có thêm các cơ chế hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển, mở rộng diện tích được quy hoạch và phát triển theo hướng sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các sở, ngành sẽ hỗ trợ, hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác, logo và đăng ký sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, quan tâm việc quảng bá các hình ảnh trên các trang thông tin chính thống, mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của khách du lịch… Đồng thời, kết nối quảng bá, xây dựng tour, tuyến để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân và khách tham quan du lịch.
Anh Trần Văn Xạ, thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu: “Thêm các nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.
Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh, Bình Liêu sở hữu tiềm năng văn hóa đa dạng và khác biệt. Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số nét bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc đang bị pha tạp và dần mai một.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn, tỉnh sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu và ứng dụng các giá trị về y, dược học cổ truyền vào cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để có nhiều công trình, nhiều sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ và nguồn lực đầu tư, người dân cũng mong muốn có thể phát triển du lịch từ các giá trị văn hóa, tạo nguồn thu nhập du lịch để cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng được tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch. Cụ thể, xây dựng một số mô hình và cơ chế cụ thể nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự tham gia của cộng đồng các dân tộc vào hoạt động phát triển du lịch như: hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa vùng DTTS với các vùng miền khác của tỉnh.
Ông Đỗ Duy Xuân, phường Hà Lầm, TP Hạ Long: “Tiếp tục có thêm giải pháp đảm bảo văn minh, trật tự đô thị”.
Từ đầu năm đến nay, công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đã làm cho nhiều tuyến đường trở nên thông thoáng, tình trạng ùn ứ giao thông giảm nhiều. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh, dừng, đậu xe tràn lan, vi phạm an toàn giao thông vẫn còn tái diễn. Nhiều nơi chất lượng vỉa hè xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây khó khăn cho người đi bộ...
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các lực lượng chức năng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; khắc phục các điểm đen về an toàn giao thông; tổ chức cắt dỡ nhiều bảng hiệu, biển quảng cáo, mái che, mái vẩy lấn chiếm vỉa hè lòng đường, che khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông... Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị một cách đồng bộ, như: Trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế; đường giao thông; hệ thống điện lưới, điện chiếu sáng công cộng; cấp thoát nước, xử lý nước thải; xử lý và thu gom rác thải… trên địa bàn.
Ông Trương Thanh Đông, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 3, phường Yên Giang, TX Quảng Yên: "Quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân vùng giải phóng mặt bằng".
TX Quảng Yên là một trong những địa phương có nhiều hộ dân nằm trong diện GPMB phục vụ các dự án trọng điểm. Thực tế quá trình thu hồi đất GPMB nhiều hộ không còn diện tích đất nông nghiệp để canh tác, phát triển sản xuất. Việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong giai đoạn này rất quan trọng. Tôi rất vui khi tỉnh lựa chọn chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn TX Quảng Yên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, nguồn lao động chất lượng cao vẫn còn hạn chế. Tại kỳ họp này, tôi tin rằng HĐND sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, TX Quảng Yên nói riêng. Song song với đó, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo nhu cầu thực tế, bảo đảm cuộc sống cho người dân bị mất đất sản xuất.
Bà Lê Thị Phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 2, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ: "Nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch".
Thời gian qua, không chỉ tôi mà rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đều rất phấn khởi trước sự phát triển kinh tế, xã hội toàn diện mà tỉnh Quảng Ninh đạt được. Từ sự phát triển đó, tỉnh đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, tỉnh cũng đang tập trung đầu tư mạng lưới cấp nước sạch “phủ sóng” tới nhiều hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện nhiều hộ dân vẫn chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch. Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch khu vực nông thôn tôi mong muốn thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư thêm các công trình nước sạch bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi thói quen sử dụng nước ngầm, sông suối sang sử dụng nguồn nước sạch qua đó từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()