Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:29 (GMT +7)
Kỳ vọng thêm những "cánh đại bàng"
Thứ 4, 25/08/2021 | 10:39:28 [GMT +7] A A
Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Mỹ có 45 dự án đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 7 trong số các quốc gia có lượng vốn rót vào Việt Nam nhiều nhất.
Mỹ nằm trong top 11 nước có vốn FDI lớn nhất ở Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7, các nhà đầu tư Mỹ đã có 1.100 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, xếp thứ 11 trong tổng số các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Mỹ có 45 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn là hơn 415 triệu USD, xếp thứ 7 trong số các quốc gia có lượng vốn rót vào Việt Nam nhiều nhất trong những tháng đầu năm.
Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.
Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) - dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại đã lên tới hơn 1,5 tỷ USD.
Cùng thời điểm, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án "Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises" với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Đây là dự án FDI lớn thứ 2 của Mỹ đầu tư vào Đà Nẵng sau dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC.
Ngoài ra, một số dự án lớn khác của doanh nghiệp Mỹ trước đó đầu tư như Dự án 4,1 tỷ USD của Công ty TNHH Winvest Investment (Vietnam) xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea với tổng vốn đầu tư là 902,57 triệu USD; dự án Công ty CP khu công nghiệp Đình Vũ (giai đoạn II) tổng vốn đầu tư là 891,4 triệu USD.
Ở lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cũng chào đón First Solar - một trong 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ - với dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số công ty Mỹ như Coca Cola, Procter & Gamble, Conoco… từng đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông…
Kỳ vọng lớn từ luồng đầu tư Mỹ
Trao đổi với Dân trí, PGS. TS. Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) nhận định, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam so với một số nước châu Á khác dù không quá lớn nhưng nếu tính cả số đầu tư qua nước thứ ba thì cũng không hề nhỏ.
"Trong giai đoạn gần đây, đầu tư của Mỹ đang có sự gia tăng", ông Lợi cho biết. Theo vị này, một số công ty xuyên quốc gia lớn như Intel, Apple, và cả Boeing từ một vài năm nay cũng đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào Việt Nam.
"Nếu các công ty này đã bước vào thị trường Việt Nam thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, kéo các công ty khác của Mỹ cũng như của các nước khác vào đầu tư tại Việt Nam", ông Lợi cho hay.
Thu hút được nguồn đầu tư từ Mỹ, ông Lợi tin Việt Nam sẽ có những bước tiến rất quan trọng thời gian tới. "Chúng ta đã thu hút Samsung và nếu có một tập đoàn công nghệ lớn khác như Apple vào Việt Nam thì rất tuyệt vời", vị này nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để đón dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt là làn sóng dịch chuyển là vô cùng cạnh tranh bởi không chỉ Việt Nam, nhiều "đối thủ" nặng ký khác cũng đang rất sẵn sàng.
Theo ông Toàn, hàng năm, Mỹ đầu tư ra nước ngoài hàng trăm tỷ USD, với con số mà Mỹ rót vào Việt Nam thì vẫn chưa xứng với tiềm năng với mối quan hệ của hai nước. Ông cho rằng cần đi sâu, làm rõ tại sao nhà đầu tư Mỹ không mặn mà đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Khó khăn, khúc mắc ở đâu thì nên "gỡ" ở đó, đúng trọng tâm, vấn đề để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam.
Ngày 16/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về "rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương" trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Toàn kỳ vọng đây là bước đi có tính đột phá cùng với những giải pháp, hành động nhanh chóng sẽ giải quyết được các vướng mắc trong các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thông qua đó thu hút mạnh hơn dòng vốn FDI, trong đó có Mỹ.
Cũng theo vị chuyên gia, để đón các "đại bàng" Mỹ, cần có những chính sách đặc thù trên cơ sở tuân thủ chính sách chung. Một ưu điểm từ các nhà đầu tư Mỹ đó là sự dứt khoát, chắc chắn, minh bạch, công nghệ cao...
Ông Toàn cho rằng chúng ta nên tận dụng cơ hội trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhằm thúc đẩy hơn nữa các chương trình thương mại, đầu tư. "Những cuộc tiếp xúc hết sức cởi mở thiện chí sẽ mở ra những hợp tác quan trọng", ông Toàn bình luận.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()