Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:00 (GMT +7)
Kỳ vọng những mục tiêu mới về GRDP
Thứ 5, 25/01/2024 | 14:03:40 [GMT +7] A A
Với những kết quả đột phá trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 10% năm 2024, duy trì liên tục một thập kỷ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Từ đó, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2025-2030.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024, theo các chuyên gia đánh giá, Quảng Ninh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức dự báo có thể nhiều hơn, khó lường hơn. Trên cơ sở phân tích rõ những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và những mâu thuẫn, thách thức cũng như các xu hướng trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi nguồn nhân lực… tác động tới phát triển, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho năm 2024. Với chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 10% năm 2024, duy trì liên tục một thập kỷ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Để giải bài toán về giữ vững tăng trưởng tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhiều lần nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược; trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng kinh tế số gắn với việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, hạ tầng các KCN, KKT; giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng cho yêu cầu phát triển; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.
Năm 2024, Quảng Ninh đặt kỳ vọng vào 3 trụ cột chính, được xem là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đầu tiên là trụ cột công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư. Trong năm nay, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030. Tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN, KKT, trọng tâm là KCN Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng và một số KCN có đủ điều kiện có thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tránh dàn trải.
Theo Ban Quản lý KKT, Ban đã tham mưu kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 đạt 3 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách (trong nước) đạt trên 55.000 tỷ đồng trong KCN, KKT. Dự kiến, trong quý I, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai các giải pháp để phấn đấu thu hút FDI đạt từ 300-500 triệu USD; hỗ trợ các doanh nghiệp để 3 dự án đi vào sản xuất đúng tiến độ, đóng góp năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo gồm: Dự án Khuôn lưới pin năng lượng mặt trời; dự án sản xuất sợi Khánh Nghiệp; Nhà máy sản xuất tấm sàn BBL HOME.
Một trong những trụ cột quan trọng nữa tập trung phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu thu hút từ 17-20 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương nghiên cứu làm mới các sản phẩm, dịch vụ, nhất là sản phẩm về đêm, công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Từ đó nhằm tăng doanh thu, mức chi tiêu bình quân của du khách, tăng hiệu quả kinh tế. Song song với phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Xác định đầu tư công là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng GRDP, nên ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã lên kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư công được giao. Theo đó, dự kiến vốn đầu tư công năm 2024 tỉnh Quảng Ninh là hơn 14.280 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách địa phương 13.849,9 tỷ đồng, ngân sách trung ương phân bổ 430,7 tỷ đồng. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên phân bổ cho các dự án, công trình hoàn thành năm 2024, các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới như: Đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu tái định cư, khu hành chính xã Vạn Yên; xây dựng đường dẫn cầu Bến Rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến KCN Bắc Tiền Phong; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Quan điểm của tỉnh là phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư sau phân cấp, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024 đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân theo chỉ đạo. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí; xử lý nghiêm tình trạng đầu năm ghi vốn - giữa năm điều vốn - cuối năm trả vốn của các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “dưới duyệt - trên cấp”, chạy theo các địa phương.
Thu Chung
- Việt Nam phát triển “thần kỳ” với mức tăng trưởng nhanh trong nhiều năm
- Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực tăng trưởng mới
- TP Hạ Long: Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024
- Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3,2-4%
- CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024
- Nhận diện động lực tăng trưởng kinh tế 2024
- Ngành thép dự báo tăng trưởng 10% trong năm 2024
Liên kết website
Ý kiến ()