Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:55 (GMT +7)
Kỳ vọng FDI khởi sắc, hướng đến 36-38 tỉ USD
Thứ 3, 31/01/2023 | 15:30:45 [GMT +7] A A
Được đánh giá là thị trường tiềm năng nhờ nền tảng chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, năm 2023 Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư nước ngoài, nhất là vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thị trường tiềm năng
Tổ chức JP Morgan mới đây cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất các thiết bị điện tử như airpods, ipad, apple watch cho Apple (chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án).
Ông John Campbell - Đại diện Savills Việt Nam - nhận xét, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các biến động địa chính trị đang là "chất xúc tác" cho việc đa dạng hóa về lĩnh vực sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt ở giai đoạn thăm dò thị trường, các nhà đầu tư FDI thường có nhu cầu thuê nhà xưởng để hoạt động với quy mô nhỏ. Sau đó, họ có thể xem xét quyết định đầu tư lâu dài, mở rộng sản xuất thông qua việc mua đất và xây nhà xưởng, từ đó kéo theo sự tăng trưởng về nhu cầu đối với các nhà xưởng, nhà kho xây sẵn.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) - cho biết, giai đoạn sau dịch COVID-19, thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón những làn sóng đầu tư mới.
Với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng cũng tạo nên một thị trường có sức mua lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Từ cơ hội này, nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng, đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam.
Cần chọn lọc nguồn vốn FDI chất lượng
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), dự báo năm 2023 Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng khoảng 30-37% so với năm 2022.
Báo cáo này cũng chỉ ra những yếu tố quan trọng để việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 như kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do...
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, cần phải xây dựng bộ công cụ sàng lọc các dự án FDI. Việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo của nhiều địa phương trong thu hút FDI.
Tuy nhiên, do việc phân cấp đại trà, dàn trải, do đó, VCCI cũng cho rằng, việc xây dựng bộ công cụ sàng lọc sẽ từng bước khắc phục những hạn chế của hoạt động thẩm định dự án FDI hiện tại, đồng thời đón dòng vốn phù hợp với định hướng thu hút FDI trong giai đoạn mới của Việt Nam, chú trọng vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()