Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:35 (GMT +7)
Kỷ vật vô giá về Bác Hồ
Thứ 7, 18/05/2024 | 08:22:13 [GMT +7] A A
Bức ảnh đen trắng chụp chung với Bác Hồ được cựu nhà báo Phan Duy Hương đóng khung, giữ gìn như báu vật, hơn 60 năm trôi qua vẫn còn sắc nét.
Kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ
Bước qua tuổi 85, cựu nhà báo Phan Duy Hương (SN 1939, bút danh Dương Huy, trú tại thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn hết sức minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ, ông chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, đặc biệt là kỷ niệm lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất được gặp Bác Hồ trong lần tác nghiệp Bác về thăm quê lần thứ 2. Dẫu đã hơn 60 năm trôi qua, hình ảnh về Bác trong trí nhớ ông vẫn vẹn nguyên.
Ông Hương kể, năm 1960, khi vừa tròn 20 tuổi, ông bén duyên với nghiệp cầm bút tại tờ Nhân dân Nghệ An (tiền thân Báo Nghệ An). Vừa vào nghề, còn nhiều điều bỡ ngỡ, bởi vậy, khi được phân công đưa tin sự kiện Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 là điều mà ông chưa bao giờ ngờ tới. “Ngày 8/12/1961, quê hương Nghệ An lần thứ 2 đón Bác về thăm. Đây là sự kiện trọng đại của tỉnh. Lúc đầu, tôi không nằm trong danh sách được đi đưa tin nên không chuẩn bị gì cả. Sáng 10/12/1961, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của lãnh đạo cơ quan phân công đi từ thị xã Vinh lên huyện Nghĩa Đàn. Lúc ấy tôi vừa vui sướng, xen lẫn lo lắng. Vui vì sẽ được gặp Bác Hồ, cơ hội không phải ai cũng có được. Lo lắng vì sợ mình sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ”, nhà báo Phan Duy Hương nhớ lại.
Thời ấy, anh phóng viên trông gầy và trẻ lắm. Để hợp vai một phóng viên đưa tin về sự kiện quan trọng này, đích thân lãnh đạo cơ quan đã mượn cho ông chiếc áo Tôn Trung Sơn (còn gọi áo đại cán) và chiếc mũ vải để trông chững chạc, già dặn hơn. “Hôm đó, tôi theo xe ô tô của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên Nông trường Đông Hiếu. Lúc này, Bác Hồ đang có chuyến thăm Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Sau đó, Bác đi trực thăng lên thăm Nông trường Đông Hiếu. Được tin Bác về thăm, từ sáng sớm, hàng vạn người dân huyện Nghĩa Đàn đã tập trung tại sân Nông trường, ai cũng háo hức, mong chờ được gặp, được nghe Bác nói chuyện. Trực thăng hạ cánh, Bác bước xuống với bộ quần áo kaki giản dị đã bạc màu năm tháng. Bác đội mũ trắng vành tròn, chân đi dép cao su, vừa đi Bác vừa vẫy tay chào đồng bào, khuôn mặt nở nụ cười tươi rạng rỡ. Lúc này, Bác không vào khu vực tổ chức mít tinh mà đi thăm đồi cà phê…”, ông Hương kể.
Suốt chuyến tác nghiệp, Phan Duy Hương luôn bám sát Bác để nghe và ghi chú những sự kiện hay vào cuốn sổ tay. Bác Hồ bước từng bước dài, khiến anh phóng viên trẻ phải chạy theo mới kịp.
Trên đường xuống khu vực tổ chức mít tinh, bác ghé vào một lán công nhân kiểm tra nơi ăn chốn ở, ân cần thăm hỏi đời sống công nhân. Rồi Bác trở lại khán đài, nơi diễn ra buổi trò chuyện với bà con nhân dân. Ông Hương khi ấy cũng nhanh nhẹn trèo lên khán đài, kịp thời ghi lại những lời dặn dò của Bác. “Tại buổi nói chuyện hôm ấy, Bác căn dặn: Nông trường có điểm mạnh về kỹ thuật, phải hỗ trợ đồng bào địa phương về kỹ thuật sản xuất, hợp tác xã và đồng bào cũng phải giúp đỡ nông trường. Chúng ta phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ”, ông Hương nhớ như in từng lời Bác dặn.
“Khi nhận được bức ảnh chụp chung cùng Bác Hồ, cảm xúc trong tôi vinh dự, tự hào lắm. Gần 30 năm sau chuyến tác nghiệp đặc biệt năm 1961, tôi mới biết mình có một bức ảnh chụp chung với Bác ở cự ly gần như thế. Bức ảnh đen trắng này là món quà, kỷ vật vô giá với tôi trong lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất được gặp Bác”.
Cựu nhà báo Phan Duy Hương
Bức ảnh đen trắng quý giá
Vinh dự được tham gia đưa tin sự kiện quan trọng, được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, ai cũng đều mong mỏi được chụp chung với Bác một tấm hình. Phan Duy Hương cũng không ngoại lệ. Trưa hôm đó, Bác về nông trường nghỉ ngơi. Ngoài lán nơi Bác nghỉ, anh phóng viên trẻ nhấp nhổm không yên, muốn xin được chụp chung với Bác tấm ảnh nhưng không dám tiến vào. “Lúc đấy, cánh phóng viên đã tập trung ngoài lán rất đông, còn có mấy chị công nhân , ai cũng muốn chụp ảnh với Bác mà không dám mở lời. Khi Bác vừa thức dậy, đi ra ngoài, tôi mạnh dạn đến gần, thỏ thẻ: Thưa Bác, cháu và các chị đây muốn chụp với Bác một tấm hình. Bác vui vẻ đồng ý. Lúc này các nhà báo khác cũng ùa tới, chúng tôi có một bức ảnh kỷ niệm với Bác Hồ. Một bức ảnh quý giá”, ông Hương nhớ lại.
Sau chuyến công tác ấy, ông Hương đã viết bài, được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng đọc và chỉnh sửa. Sau khi bài báo đăng đã tạo được sự lan tỏa lớn. Bằng sự ghi nhớ và cảm nhận về lần đầu tiên gặp Bác Hồ, ông đã sáng tác bài thơ “Bác lên nông trường”. Bài thơ có đoạn: “Nông trường một sáng mờ sương/ Bác về nắng tỏa lên sườn non cao/ Núi rừng quây lại đón chào/ Rì rầm suối hát xôn xao lá cành... Bác đi suối lặng đứng nhìn/ Rừng giơ tay vẫy, suối tìm hướng chân/ Bác về mang lại mùa xuân/ Bác đi hạnh phúc nảy mầm đơm hoa”.
Do thời điểm đó thông tin kết nối còn hạn chế nên dù ông Hương rất muốn nhìn lại bức ảnh được chụp chung với Bác nhưng không biết đi đâu, tìm ai. Bẵng đi gần 30 năm, ông Hương nhận được điện thoại của Giám đốc Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên) thông báo về một bức ảnh chụp chung với Bác.
Đây là bức ảnh chụp Bác Hồ trong lần thứ 2 Người về thăm quê, được một phóng viên ở miền Nam gửi tặng Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác. Sau này, bức ảnh được giám đốc Bảo tàng Kim Liên sao một bản, tặng ông Hương. Trong bức ảnh, Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường người dân tộc thiểu số và ông Hương đứng ngay phía sau cô công nhân, nở nụ cười rất tươi. Tấm ảnh đen trắng chụp chung với Bác Hồ, ông Hương đóng khung cẩn thận, cất giữ như một kỷ vật vô giá.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()