Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:58 (GMT +7)
Ký ức miền Đông
Thứ 6, 20/01/2023 | 14:31:04 [GMT +7] A A
Chiếc xe bon bon lao nhanh trên đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mới được khánh thành chưa lâu. Hai bên đường loang loáng những làng mạc, thành phố, rừng cây, dòng sông cửa biển xanh ngăn ngắt. Cảm xúc như vỡ òa khi xe qua cầu, rất nhiều những cây cầu, dù lớn hay nhỏ, trong lòng tôi đều dâng lên những đợt sóng trào, bâng khuâng, hồi hộp xen lẫn niềm thích thú.
Nhớ lại ngày xưa, đã rất lâu rồi, những năm 90 của thế kỷ trước, khi ra miền Đông Quảng Ninh, xe phải đi qua rất nhiều cầu ngầm và cả phà nữa. Tuyến đường như bị ngắt quãng bởi những sông, suối dày đặc, rất vất vả cho người và cả phương tiện đi lại. Ngày nay, ngồi trên xe lao vun vút qua cầu, phóng tầm mắt giữa ngút ngàn mênh mông trời đất, màu xanh của nước, của cây rừng, lung linh trong nắng sớm, thấy quê mình đẹp quá! Hùng vĩ quá! Con đường với 4 làn xe rộng 25,25m, uốn lượn quanh co qua đồi núi, sông suối và cửa biển bao la, khiến cho tầm mắt luôn được mở ra với một không gian thoáng đãng, bầu không khí vô cùng mát mẻ, bởi những cơn gió thổi từ biển vào thật khoan khoái, dễ chịu.
Cũng mảnh đất này, khung trời này của những năm cuối thế kỷ trước, khi mới là cô sinh viên vừa rời khỏi ghế nhà trường, tôi tới miền Đông nhận công tác. Ngày đó khi trao tờ quyết định cho tôi, bác Giám đốc bắt tay và nói một câu vừa như động viên, lại vừa như mệnh lệnh: “Thôi, cháu hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn ở phía trước, để hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là một thử thách của những “tân binh” mới, như một người lính ra chiến trường ấy nhé!”. Nhận quyết định cùng tôi hôm đó còn có một người bạn đồng hành tên Ngân. Chị ra trường trước tôi một năm, nhưng mãi năm sau mới quyết tâm ra miền Đông công tác. Bước đầu coi như là may mắn, vì suốt chặng đường dài đã có bạn đồng hành. Chúng tôi hẹn nhau sáng hôm sau cùng có mặt ở bến xe khách Hòn Gai, để tới đơn vị công tác.
5 giờ sáng, mẹ dậy nấu cơm cho tôi, ăn bát cơm nóng cho chắc dạ. Đồ đạc mẹ chuẩn bị cho tôi với một chuyến đi xa, tới mảnh đất mà tôi chỉ nghe đến những khó khăn, gian khổ đang chờ đón ở phía trước. Một ba lô gồm quần áo và một số vật dụng cần thiết nhất cho một người sống tự lập. Tôi đã nghe bác giám đốc kể sơ qua về trạm nơi công tác. Trạm nằm trên một triền đồi riêng lẻ, khá xa khu dân cư, và các bản toàn người Dao sinh sống, vì vậy mà mẹ rất lo lắng: “Lạ nước, lạ cái nơi rừng thiêng nước độc”. Mẹ chuẩn bị một ít thuốc thông thường như cảm cúm, lọ cao sao vàng, lọ Berberin, băng y tế cá nhân rồi kim chỉ… Nói chung là mọi cái lặt vặt của con gái. Còn túi xách thì gồm 2 chiếc nồi nhôm bé xíu, 2 cái bát ăn cơm, một chiếc chậu nhỏ, không quên nhét cho tôi vài gói hạt rau giống, mẹ bảo dù ở đâu cũng phải trồng rau xanh ăn, lỡ chợ xa. Chú xe ôm chở tôi ra bến còn khá sớm. Cửa bán vé chưa mở, tôi chọn một chiếc ghế nơi gần chỗ bán vé, đặt ba lô xuống ngồi chờ bạn. Một lúc sau Ngân mới đến, với cũng một số thứ y chang của tôi. Nhìn bạn, bạn lại nhìn tôi rồi cùng cười: “Ô! Mẹ của hai chúng mình sao mà nghĩ giống nhau thế chứ nhỉ”.
Cửa bán vé mở, tôi nhanh nhảu chen vào mua hai vé đi Hà Cối. Lấy được vé gần đầu tiên, hai đứa mừng lắm, vì chắc sẽ được ngồi đầu xe, dễ bề nhìn ngắm mọi thứ trên đường đi. Nhưng niềm vui xẹp xuống ngay khi nhà xe thông báo, xe trục trặc nên phải sửa chữa ít nhất vài giờ nữa mới có thể xuất phát được. Đáng chú ý, ngày đó mỗi ngày chỉ có một chuyến duy nhất ra Hà Cối.
Hai đứa ngồi buồn so nhìn ra phía bến phà, nơi dòng người đông đúc đang lên xuống tấp nập, những con sóng xô nhau dưới mạn phà, cuộn xa về phía Cửa Lục xanh ngắt, lòng nao nao nhớ nhà, cho dù vừa mới rời khỏi nhà chưa được… vài tiếng đồng hồ. Cuối cùng, sau 3 giờ ngồi ngóng ra phía cổng, chiếc xe có bảng chữ Hà Cối đỏ chói cũng hiện ra, trong sự vui mừng của hành khách đi chuyến sáng hôm đó. Mọi người nhanh chóng thu xếp hành lý lên xe.
Qua khỏi Hòn Gai, với những khu nhà lợp ngói đỏ cheo leo phía sườn đồi, các cửa đều hướng mặt ra biển. Tiếp đó là tới dốc Đèo Bụt cao ngất ngưởng, hai bên là các vách núi đá vôi rậm rì, dây leo chằng chịt đủ các hình thù, đường đi như sợi chỉ xám vắt qua sườn núi. Qua đèo là tới địa phận Cẩm Phả, cơ man là than chất thành từng dãy núi, xen lẫn những mỏ than lộ thiên đã khai thác nhiều năm. Bụi than, bụi xỉ cuốn lên mù mịt, đằng sau những chiếc xe lên mỏ hoặc đi đường. Những hàng cây dâu da cành, lá phủ bụi than, hết lượt này chồng lên lượt khác oằn xuống trĩu nặng nhưng vẫn vươn cao những chùm hoa mới nở thơm ngát. Lái xe bắt đầu hạ hết cửa kính xuống cho khỏi bụi, không khí đặc quánh bởi những hạt bụi li ti, lơ lửng giữa không trung.
Xe đến địa phận Mông Dương, rừng cây hình như xích lại gần hơn, xanh mát hơn. Dưới những khúc suối nhỏ, thấy từng nhóm người đang ngụp lặn dưới dòng nước đen ngòm, nhìn kỹ mới thấy ai cũng cầm một cái xảo mắt thưa. Hỏi ra mới biết họ đi sàng than trôi từ phía thượng nguồn về, họ vớt lên khỏi dòng nước toàn thứ than kíp lê đen nhánh, lấp loáng như gương vì đã được rửa trôi những lớp bụi bẩn phía ngoài.
Xe đến Tiên Yên cũng quá trưa, nhà xe thông báo nghỉ lại 20 phút để mọi người ăn cơm. Các món ăn ở đây phần lớn hơi hướm món ăn của người Hoa, như củ cải muối mặn kho thịt, tàu xì kho thịt… Chúng tôi gọi hai suất cơm với đậu rán xốt, ăn nhanh chóng còn ra xe, theo bác tài thì đến Hà Cối sẽ tối sẫm. Sau giờ giải lao, lên xe được một lúc khi hai đứa đang thiu thiu ngủ, thì thấy xe dừng lại, tiếng người nói lao xao: “Xuống phà thôi, mấy đứa!” Ô thì ra còn có phà nữa. Bến phà Ba Chẽ qua sông Ba Chẽ chỉ có duy nhất một chiếc phà hoạt động, vì vậy mà phải đợi phà quay đầu khá là lâu, nước lại chảy khá xiết. Gió từ mặt sông phả lên làm tan biến cơn buồn ngủ, tôi và Ngân linh hoạt hẳn lên.
Lên khỏi phà xe tiếp tục lăn bánh. Đường như thu nhỏ lại dưới những quả đồi xanh ngắt, thi thoảng bắt gặp một vài mái nhà lợp gianh bạc trắng, lúp xúp phía chân đồi. Bất chợt tôi nhìn thấy từng đàn cò trắng rất đông, bay thong thả ngay trên những thửa ruộng sát đường đi, chúng không có vẻ gì là sợ người, sợ tiếng động. Một khung cảnh thanh bình của những làng quê Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ, mà ta thường gặp trên phim ảnh và sách báo, còn ở đây miền núi. Như đoán được thắc mắc của tôi, bác lái xe cho biết, ở Đầm Hà có núi Hứa tập trung rất nhiều cò, chúng sinh sôi nảy nở ngày một đông đúc.
Rồi như một bức tranh mở ra trước mắt tôi: Những đồi chè như bát úp, được trồng theo đường đồng mức đều tăm tắp, các chị công nhân tay thoăn thoắt hái chè, như những vũ công đang múa trên thảm chè xanh ngắt, trải rộng khắp triền đồi. Xa xa là nhừng đồi cây cao, hoa trắng thơm ngát, cô ngồi cạnh nói đó là rừng sở, người dân trồng để lấy hạt ép dầu làm thực phẩm, cùng một số chế phẩm khác phục vụ đời sống. Đây chính là địa phận Nông trường chè Đường Hoa thuộc Hà Cối, nơi đang sản suất, chế biến và xuất khẩu chè búp nổi tiếng của Quảng Ninh. Xe vừa qua một con dốc nhỏ, đường xóc, xe nhảy chồm chồm trên mặt đường, xe mở hết các cửa sổ đón gió cho dịu bớt cái oi nóng của nắng chiều. Đứng lố nhố bên đường một vài đứa nhỏ chăn trâu cởi trần, da đen bóng, đầu chả mũ nón gì cả đang chơi trò ném nhau. Bỗng Ngân ôm đầu kêu: “Ối!”. Một hòn đá nhỏ bay lạc trúng một bên thái dương, một dòng máu tràn qua kẽ tay Ngân. Mọi người nhốn nháo: “Chết thật, bọn trẻ con này nghịch ngợm quá”. “Lấy gì băng tạm cho cô ấy đi”. Một bác đưa cho tôi điếu thuốc đã bẻ ra, tôi cầm đắp vào chỗ vết thương và lấy tạm chiếc quai mũ buộc quanh đầu Ngân. May chỉ là hòn đá nhỏ, không thì nguy to.
Mặt trời bắt đầu xuống núi, trời tối dần. Bác lái xe nhấn ga để mọi người được về nhà sớm, nhưng đường ngày một xấu hơn nên phải 9 giờ tối xe mới tới Hà Cối. Lấy hành lý xuống xe, mọi người tản nhanh trên những con đường, khu phố. Còn trơ lại hai đứa, may quá vẫn còn một quán nhỏ sáng đèn, quay lại hỏi thăm nhà một người quen của mẹ Ngân đang làm ở Bưu điện huyện. Giữa ánh sáng lờ mờ của cột đèn đường, nơi ngã ba Bưu điện, có một đường dẫn xuống cầu ngầm Hà Cối cũng là đường đi Móng Cái, một đường rẽ ra chợ. Những dãy phố có những ngôi nhà lợp ngói âm dương, tường trình, cửa rộng, nằm thiêm thiếp ngủ trong tiết trời se lạnh của miền Đông Bắc vào thu.
Vậy là tôi đã đặt chân lên mảnh đất miền Đông xa lắc, một dải biên cương đầy nắng gió, với những ngọn núi cao hiểm trở, heo hút. Nhưng tình người nơi đây thật là mến khách và tốt bụng, những ánh mắt trìu mến, những nụ cười đôn hậu và cả những cái nắm tay thật chặt như truyền hơi ấm cho những đứa con nơi xa vừa đến. 5 năm công tác trên mảnh đất biên cương này, dù chưa thật lâu nhưng với tôi, đó là quãng thời gian tôi luyện cho tôi sống bản lĩnh hơn, biết sống vì người khác, vì tập thể, vì cộng đồng. Chính những người dân miền Đông với tấm lòng yêu thương, đùm bọc, chở che đã giúp một cô gái yếu đuối như tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi thầm cám ơn cuộc đời đã cho tôi những trải nghiệm quí báu, những năm tháng đầu đời của cuộc sống tự lập nơi mảnh đất thân yêu này.
Miền Đông yêu dấu, không còn là nỗi mong chờ khắc khoải ngày trở lại. Giờ đây tôi có thể đi lại thuận tiện trên con đường mới, hiện đại với niềm vui được chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp và những người thân của mình. Và tôi biết rằng, miền Đông luôn ở trong trái tim tôi.
Trần Mai Lan
Liên kết website
Ý kiến ()