Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:28 (GMT +7)
Kỹ thuật mới chữa bệnh sa tạng vùng chậu cho phụ nữ
Thứ 3, 06/12/2022 | 11:42:59 [GMT +7] A A
Khi phụ nữ càng lớn tuổi, các tổ chức vùng sàn chậu hông sẽ suy yếu, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng (gọi chung là sa tạng vùng chậu). Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ đã thành công cải tiến kỹ thuật phẫu thuật nội soi đặt lưới nhân tạo nâng các tạng bị sa, đây là một phương pháp tiên tiến mang mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, tử cung, cổ tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Các cơ quan này được giữ cố định bởi các cơ của sàn chậu. Sa tạng vùng chậu xảy ra khi các cơ và mô của xương chậu không còn có thể nâng đỡ các cơ quan này vì các cơ và mô bị yếu hoặc bị tổn thương. Điều này làm cho một hoặc nhiều cơ quan vùng chậu bị tụt hoặc ép vào, hoặc ra ngoài âm đạo. Bệnh gây nhiều phiền toái và biến chứng do các nội quan sa ra ngoài như tiểu tiện khó, táo bón, thậm chí gây nghẹt làm hoại tử cơ quan bị sa.
Tuỳ vào mức độ bệnh sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ở giai đoạn nhẹ (độ 1, 2), khối phồng xuất hiện khi ngồi xổm hoặc gắng sức, lúc này bệnh nhân được điều trị nội khoa là dùng thuốc và tập phục hồi chức năng, tuy nhiên tình trạng cải thiện thường chậm. Khi tiến triển giai đoạn nặng (độ 3, 4), khối phồng vùng âm hộ sa ra ngoài ngày càng nhiều và thường xuyên hơn, thậm chí lộ hẳn ra ngoài âm hộ, không đẩy được vào trong âm đạo và phương pháp duy nhất là phải thực hiện phẫu thuật.
Phẫu thuật đặt lưới nhân tạo nâng tử cung cố định vào mỏm nhô cho bệnh nhân sa tạng vùng chậu là phương pháp mang lại hiệu quả tối ưu nhất, cải thiện đáng kể chất lượng đời sống sinh hoạt của người bệnh. Trong khoảng chục năm gần đây, kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã được áp dụng, nhưng đây là phẫu thuật khó do giải phẫu trong một vùng chật hẹp, nhiều mạch máu thần kinh cũng như phải bảo tồn các cơ quan quan trọng.
Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Trước đây, với những bệnh nhân sa tạng vùng chậu, nhất là sa tử cung độ nặng thường được xử trí bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo kết hợp với khâu phục hồi thành trước và sau để làm nhỏ âm đạo. Tuy nhiên, các phương pháp này có nhiều nhược điểm là phải cắt tử cung và một phần âm đạo, dễ tái phát, gây thiếu tự tin, nhất là đối với phụ nữ còn trẻ. Vì vậy, chúng tôi đã học tập, nghiên cứu ứng dụng phương pháp phẫu thuật nội soi 3D đặt tấm lưới nhân tạo nâng tử cung cố định vào mỏm nhô. Đây là kỹ thuật được đánh giá khó và phức tạp, nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất vì khắc phục được các nhược điểm của phẫu thuật theo cách cũ, tỷ lệ tái phát thấp, giữ được tử cung, ít đau, phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao.
Theo bác sĩ Phạm Việt Hùng, điểm mới của kỹ thuật pháp phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo nâng tử cung cố định vào mỏm nhô tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là, chúng tôi luồn được dải lưới nhân taọ dưới các dây chằng giữ tử cung rồi cố định vào trước xương cột sống mà không cần cắt bỏ cơ quan nào vùng chậu hông. Đây là sự kết hợp của các kiến thức mới nhất về nguyên nhân sa sàn chậu với phẫu thuật nội soi 3D.
Được triển khai từ năm 2019 đến nay, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phẫu thuật thành công cho trên 20 bệnh nhân sa sàn chậu mức độ nặng. Theo đó, các bệnh nhân đều có kết quả tốt, những triệu chứng cải thiện rõ ràng ngay sau mổ, ra viện sớm, không có biến chứng nào được ghi nhận cho đến nay.
Sa tạng vùng chậu vốn là bệnh lý hay gặp ở phụ nữ, việc điều trị sớm luôn mang đến kết quả tốt cũng như tiết kiệm được chi phí tối đa cho người bệnh. Do đó, khi nhận thấy có nguy cơ hoặc dấu hiệu khởi phát của bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, điều trị kịp thời.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()