Tại phiên thảo luận "Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chăm sóc sức khỏe", thuộc khuôn khổ hội thảo khoa học và công nghệ hạt nhân Việt Nam lần thứ 14, sáng 10/12 các chuyên gia chia sẻ năng lượng nguyên tử được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y tế.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết, hạt vi cầu thủy tinh Y-90 điều chế tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được ứng dụng điều trị ung thư gan. Hạt vi cầu này có thể tiêu diệt tổ chức ung thư theo cả hai cơ chế ngăn chặn máu nuôi khối u và hiệu ứng diệt bào của bức xạ beta.
Do chủ động sản xuất được ở trong nước nên giá thành cho một liều điều trị ung thư gan với sản phẩm vi cầu thủy tinh Y-90 tối đa 200 triệu, "thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm độc quyền nhập ngoại, khoảng 400-500 triệu đồng", ông Nhàn nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh Giang, Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, cho biết, chụp hình miễn dịch phóng xạ (RIS) là kỹ thuật mới sử dụng kháng thể đánh dấu phóng xạ để ghi hình và đánh giá các đặc điểm của bản chất quá trình bệnh lý, giúp người bệnh phát hiện khối u sớm. "RIS được ứng dụng để phát hiện hơn 20 loại ung thư ác tính như ung thư trực tràng, melanoma, các u thần kinh đệm (glioma)", bà nói.
Từ thực tế này, bà Giang cho biết nhóm thực hiện nghiên cứu kháng thể đơn dòng bevacizumab gắn đồng vị phóng xạ 99mTc nhằm ứng dụng chụp hình chẩn đoán sớm các khối ung thư. Việc nghiên cứu các kháng thể đơn dòng dùng để đánh đồng vị phóng xạ giúp ngăn chặn sự tăng sinh mạch, từ đó đẩy lùi di căn của khối u.
PGS. TS. BS Lê Ngọc Hà, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết việc sử dụng nhiều dược chất phóng xạ khác nhau trên cùng bệnh nhân giúp nhìn được một cách toàn diện những chuyển hóa của cơ thể, trong đó có chẩn đoán bệnh lý. Ông cho rằng hiện nay ở Việt Nam, ngoài các dược chất phóng xạ kinh điển như 131I, 99mTc, 18F-FDG, có rất ít dược chất phóng xạ mới được sử dụng cũng như cấp phép lưu hành so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo PGS Hà, tại Việt Nam, sản xuất đồng vị phóng xạ có nhiều tiềm năng, triển vọng tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết. Ông gợi ý cần cần thiết chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả cũng giới thiệu các kỹ thuật xạ hình trong điều trị cầu thận, nghiên cứu độ nhạy cảm phóng xạ của tế bào trong xạ trị ung thư...
Trong đó ông Trần Ngọc Hưng, QT Instruments tại Việt Nam, giới thiệu liệu pháp trị liệu phóng xạ thụ thể peptide (PRRT). Đây là phương pháp điều trị nhắm đích bằng cách liên kết một phân tử peptide nhỏ với hạt nhân phóng xạ để cung cấp chính xác liều bức xạ điều trị đến mục tiêu là các tế bào khối u, giảm thiểu tác hại đến các tế bào khỏe mạnh.
Theo ông Hưng, các tác nhân nhắm mục tiêu có tính đặc hiệu cao, sẽ giúp xác định vị trí mà cơ thể hấp thụ dược phẩm phóng xạ trong cơ thể. "Ứng dụng triển khai các kỹ thuật mới trong y học hạt nhân là hoàn toàn khả thi trong vòng 5 năm tới", ông Hưng nhận định.
Ý kiến ()