Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:20 (GMT +7)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Các môn lựa chọn thi trong 50 phút sẽ khó đánh giá năng lực học sinh
Thứ 4, 16/10/2024 | 15:48:06 [GMT +7] A A
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thiết kế phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó tất cả môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học. Đặc biệt, có thiết kế 40% câu hỏi lựa chọn đúng sai càng làm tăng khả năng đoán mò của thí sinh, dẫn đến độ giá trị và tính phân loại của đề thi các môn là không tốt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 có đổi mới nào?
Theo quyết định số 764/QĐ-BGDĐT ngày 8.3.2024, ban hành Quyết định về Cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và dự thảo Thông tư quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được tổ chức nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018.
Kỳ thi được tổ chức với 3 buổi thi: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn, gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn tự chọn. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian thi 120 phút; đề thi gồm 2 phần (Đọc hiểu và Viết).
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng trong đề thi. Phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng; mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.
Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng trắc nghiệm đúng/sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Trả lời đúng 1 ý được 0,1 điểm, 2 ý được 0,25 điểm, 3 ý được 0,5 điểm, 4 ý được 1 điểm. Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình, mỗi câu trả lời đúng đạt 0,25 điểm; riêng môn Toán đạt 0,5 điểm.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp như sau:
Có sự chênh lệch trong chương trình học của học sinh
Theo các chuyên gia giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thuận lợi là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các địa phương trong công tác tổ chức thi hàng năm; có sự kế thừa của phương thức đổi mới thi từ năm 2016 và đã có kinh nghiệm trong làm đề thi chuẩn hóa gần 10 năm qua. Bên cạnh đó, các quy trình tổ chức thi đã được tiến hành qua nhiều năm tạo sự kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như việc dạy học và kiểm tra/thi đánh giá theo năng lực lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô diện rộng cả nước với kinh nghiệm dạy học, ra đề thi chưa nhiều. Cán bộ quản lý giáo viên, học sinh, gia đình học sinh còn lúng túng trong các thông tin về thi, theo đề thi đánh giá năng lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa Chương trình Giáo dục thường xuyên và Chương trình GDPT 2018 với sự khác nhau ở mỗi môn học trong chương trình từ 20 - 30% (chủ yếu là cắt bớt một số yêu cầu cần đạt ở mức cao của CTGDPT 2018 thành Chương trình GDPT thường xuyên cấp THPT). Điều này dẫn đến khó khăn cho 2 nhóm đối tượng khi thi cùng 1 loại đề thi như nhau.
Chương trình học theo các môn lựa chọn, do đó phương án thi cũng lựa chọn theo môn học để đáp ứng chương trình. Tuy nhiên, việc học các môn học lựa chọn theo các tổ hợp do các nhà trường xây dựng dẫn đến có nhiều môn mà học sinh muốn đăng ký dự thi nhưng không được do không học ở chương trình nhà trường.
Theo quy định của Chương trình GDPT 2018, học sinh THPT phải học 3 cụm chuyên đề của 3 môn học do học sinh lựa chọn với mục đích: “Chuyên đề học tập là nội dung giáo dục dành cho học sinh trung học phổ thông, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp”.
Do đó, học sinh phải lựa chọn chuyên đề học của 3 môn theo quy định có chuyên đề lựa chọn của nhà trường. Khi ra đề thi, nếu không ra các nội dung chuyên đề thì năng lực nâng cao, phân hóa sâu và định hướng nghề nghiệp theo yêu cầu của chương trình không được thực hiện. Hệ lụy là việc dạy và học sẽ không hiệu quả (vẫn có xu hướng thi gì học đó). Nếu ra đề có các nội dung này thì có học sinh học, học sinh không học, vì vậy khó khăn trong công tác ra đề thi.
Môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút: Khó đánh giá đúng năng lực người học
Cũng theo các chuyên gia, việc thiết kế phương án thi trong đó tất cả môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học. Đặc biệt, có thiết kế 40% câu hỏi lựa chọn đúng sai càng làm tăng khả năng đoán mò của thí sinh, dẫn đến độ giá trị và tính phân loại của đề thi các môn là không tốt.
Việc xác định các nội dung dùng để đánh giá các năng lực của môn học thuộc toàn bộ Chương trình GDPT cấp THPT và không xác định rõ trọng tâm ở lớp 10, 11, 12 gây ra sự “mập mờ”, khó khăn cho dạy và học, ôn tập của học sinh; gây sự hoang mang cho học sinh và phụ huynh.
Một khó khăn khác được chỉ ra là việc tổ chức thi trong 3 buổi thi gồm 1 buổi môn Toán, 1 buổi môn Ngữ văn, 1 buổi bài thi lựa chọn gồm 2 môn lựa chọn sẽ tạo sự bất cập, vì mỗi thí sinh chỉ được lựa chọn 2/7 môn lựa chọn có tổ chức thi để dự thi. Điều này làm giảm cơ hội xét tuyển các đại học nếu được thi thêm các môn học lựa chọn khác và có sự thiên kiến cho một số tổ hợp xét tuyển nếu các đại học sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển.
Ngoài ra, công thức xét tốt nghiệp lấy điểm học tập trung bình của 3 lớp: 10, 11, 12 cũng không thống nhất với cách kiểm tra đánh giá ở cấp THPT vì không tính đến điểm trung bình của các môn học mà xét hoàn thành dựa trên số môn học đạt yêu cầu (do một số môn học và hoạt động giáo dục được đánh giá bằng nhận xét). Điều này dẫn đến việc kiểm tra đánh giá không thực sự sát với năng lực người học và ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng khi sử dụng điểm học bạ.
Với thí sinh dự thi năm 2025, việc ban hành quy định lấy điểm 3 năm học là chưa hợp lý vì học sinh bước vào năm học lớp 12 mới biết quy định này.
Tại buổi họp báo chiều ngày 28.6, sau khi Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị các trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cần nghiên cứu tăng thời gian các bài thi lựa chọn
Để hạn chế các khó khăn, bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần quy định rõ về các nội dung được sử dụng để đánh giá năng lực của các môn học ra trong đề thi tốt nghiệp năm 2025.
Đồng thời, công bố rõ ràng đề thi có sử dụng các nội dung phần chuyên đề các môn học “nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp” như quy định của Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, ra các loại đề thi khác nhau tuân thủ theo Chương trình GDPT 2018 và chương trình thường xuyên cấp THPT để phù hợp với các đối tượng thí sinh dự thi; tiến tới điều chỉnh lại quy định cho chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo đúng CTGDPT cấp THPT, chỉ khác ở cách tổ chức dạy học và phương thức tổ chức dạy học. Chỉ đạo hướng dẫn các nhà trường tập huấn và hướng dẫn kỹ học sinh cách trả lời trên phiếu trả lời câu hỏi thi.
Cho các thí sinh dự thi lựa chọn không quá 4 môn lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường quy định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học khi đảm bảo chất lượng đầu vào. Khi đó, việc tổ chức thi chỉ cần tăng thêm 1 buổi thi và cách tổ chức thi các môn lựa chọn sẽ đơn giản, hiệu quả hơn so với phương án hiện tại.
Các chuyên gia cũng đề xuất việc cần nghiên cứu tăng thời gian các bài thi lựa chọn để đánh giá hết năng lực của người học, đảm bảo độ giá trị và tính phân loại của đề thi. Từ đó, để các trường đại học có cơ sở tin cậy về đề thi có thể đánh giá đúng năng lực của người học và phân loại dựa trên năng lực thực sự, giảm tối đa khả năng đoán mò và tăng độ phân loại của đề thi các môn để dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển sinh đại học từ năm 2025 theo mong muốn của lãnh đạo Bộ GD-DT.
Theo daibieunhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()