Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:36 (GMT +7)
“Chúng ta cần đứng ở tâm thế của ngư dân để giúp họ"
Chủ nhật, 06/11/2022 | 09:48:14 [GMT +7] A A
Kỹ sư Đỗ Thái Bình, sinh năm 1941, tốt nghiệp Khoa Đóng tàu tại Đại học Giao thông Hà Nội năm 1966, hiện là Phó Chủ tịch Hội Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ông là tác giả của các cuốn sách: "Megallan" (NXB Kim Đồng, 1972), "IMO hỏi và đáp" (NXB Giao thông Vận tải, 1997), "Hỏi đáp tàu thuyền nhỏ" (NXB Nông nghiệp, 1984), "Trong thế giới tàu thuyền" (NXB Khoa học kỹ thuật, 1978), "Đường trên biển" (NXB Khoa học kỹ thuật, 1985), "Từ điển Bách khoa hàng hải" (NXB Khoa học kỹ thuật 2018)…; cùng một số tác phẩm dịch như: "Bè tre vượt Thái Bình Dương" (NXB Trẻ, 2013), "Thuyền buồm Đông Dương" (NXB Trẻ, 2016)… Là người gắn bó với Quảng Ninh nhiều năm, kỹ sư Đỗ Thái Bình đặc biệt quan tâm đến những con thuyền truyền thống ở vùng đất này.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc trò chuyện với kỹ sư Đỗ Thái Bình về những tri thức dân gian đóng thuyền vỏ gỗ truyền thống ở Quảng Ninh.
- Thưa ông, ông có thể cho biết cơ duyên nào đã khiến ông gắn bó đặc biệt với nghề đóng tàu thuyền ở Quảng Ninh?
+ Năm 1960, tôi là bộ đội dạy học ở Khu đội Hồng Quảng (nay là Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh - PV). Sau đó, ngẫu nhiên tôi được đi học về ngành đóng tàu. Tuy ngành đóng tàu hiện đại dạy về kỹ thuật đóng tàu to lớn nhưng cái duyên của nó ở chỗ tôi lại tốt nghiệp với đề tài thuyền lắp máy có cả chạy buồm để vận tải vào Nam. Tôi tốt nghiệp năm 1966 với đề tài đó và có một mối duyên nợ với nó. Gần 60 năm qua, tôi đều nghiên cứu những con tàu sắt to lớn nhưng vẫn gắn với tàu thuyền nhỏ truyền thống của dân tộc và có sự quan tâm nghiên cứu về nó trong suốt 20 năm qua.
- Thưa ông, qua sự nghiên cứu của ông thì tàu thuyền truyền thống của Quảng Ninh có gì đặc biệt so với những tàu thuyền khác trong cả nước?
+ Đầu tiên, tôi muốn nói chung về thuyền Việt Nam. Tàu thuyền của chúng ta nghiên cứu phần lớn qua văn thơ. Phương Tây lại nghiên cứu tàu thuyền Việt Nam. Tôi bắt tay dịch cuốn thuyền của người Pháp, người Mỹ để thấy họ nghiên cứu từ công nghệ tác động vật lý thế nào. Từ cái nhìn vật lý đó, người ta biết được truyền thống của người dân thế nào, cách làm tàu thuyền ra sao...
Chúng ta phải đặt tàu thuyền Quảng Ninh trong tương quan toàn bộ thuyền Việt Nam. Muốn vậy phải nhìn vào bản đồ tổng kết của ông Pire Paris trong cuốn sách "Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam". Ở đó, Quảng Ninh chúng ta có 1 loại thuyền buồm riêng. Vào miền Trung rồi miền Nam lại có những loại thuyền buồm khác.
Và vì Việt Nam của chúng ta ở giữa 2 nền văn hóa lớn. Thứ nhất là nền văn hóa Đông Á ở phía Bắc và thứ hai là nền văn hóa Ấn Độ và các nước nam đảo ở phía Nam. Hai vùng văn hóa ảnh hưởng lớn đến chúng ta, trong đó có nền văn hóa bản địa của nghề đóng thuyền. Trong bối cảnh đó, vì nằm ở phía Bắc nên kỹ thuật đóng tàu thuyền của Quảng Ninh ảnh hưởng nhiều của văn hóa Đông Á. Đấy là đặc điểm của công nghệ đóng tàu dân gian của Quảng Ninh.
- Nếu có thể nói cụ thể hơn về nghề đóng tàu thuyền ở làng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên thì ông có nhận xét gì?
+ Thật ra, tôi đã tìm hiểu đảo Hà Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và sau này tôi đã về đây nhiều lần để tìm hiểu về đóng thuyền nan. Thực tế thì con thuyền buồm 5,5 nghìn dặm vượt Thái Bình Dương cũng làm buồm từ Phong Cốc. Cho nên tôi có duyên với vùng đất này. Vùng đất có con thuyền đặc trưng là thuyền ba vát đáy phẳng. Bản thân đáy của con thuyền là một vát. Khác với thuyền miền Trung đáy phải có sống thuyền, chạy dọc chứ đáy không phẳng như thuyền ở làng đảo Hà Nam. Thuyền truyền thống Quảng Ninh đáy là 1 tấm ván, không chịu ảnh hưởng của thuyền phía Nam. Thuyền ba vát ảnh hưởng chung của nền văn hóa Hạ Long và phía Nam Trung Quốc. Có ảnh hưởng nhưng chúng ta tiếp thu các nền văn hóa có cải biến, sáng tạo đi nhiều. Buồm của chúng ta được những người phương Tây đến đây nghiên cứu và ấn tượng với dạng buồm mành. Chúng ta còn dùng vật liệu dân tộc để làm vật liệu nhuộm buồm.
Thuyền của Quảng Ninh ta còn khác thuyền miền Nam ở kỹ thuật ghép ván. Nghệ nhân Nhân dân Lê Đức Chắn ở phường Phong Hải dùng cái ván gỗ rồi đóng đinh kẻ nhánh tam giác ghép ván bằng đinh xiên. Lúc trát vôi hà, chúng ta có những sáng tạo riêng là dùng vôi hà đặc biệt của vùng Quảng Yên để xảm thuyền, xảm cả bên trong và bên ngoài, xảm bằng vỏ hà và những loại cây ven biển.
Một điều nữa là thuyền Quảng Ninh ta có mớn nước thấp nên chỉ đi khoảng cách ngắn, không thể đi xa. Thuyền ta đi quanh Vịnh Hạ Long sang Vân Đồn, đi sang Phòng Thành hay Sán Đầu của Trung Quốc là được chứ vượt biển vào Nam, ví dụ vào Hội An buôn bán thì thuyền Quảng Ninh không có khả năng. Từ loại thuyền này, Quảng Ninh đã có một trung tâm đóng thuyền rất lớn. Và sau này, họ tiếp thu kiểu đóng thuyền này để cải biến thành các tàu thuyền hiện đại hơn, khỏe khoắn hơn xưa. Thuyền ông Lê Đức Chắn đang làm giống hệt như thuyền cha ông ta đóng thuyền năm xưa.
- Thưa ông, những con thuyền ở vùng Quảng Yên mà ông vừa nhắc đến liệu có liên quan gì đến những chiến thuyền trong trận Bạch Đằng 1288?
+ Có liên quan nhiều chứ. Trận Bạch Đằng năm 1288 xảy ra trên sông Bạch Đằng và rõ ràng trung tâm hậu cần ở ngay đây rồi. Đảo Hà Nam ngay bên cạnh. Công cuộc khảo cổ do các nhà khảo cổ người Mỹ, người Nhật ở Đồng Má Ngựa đã tìm ra một loạt cọc gỗ. Chúng ta vẫn đang cố gắng tìm cho được một cái ván gỗ còn sót lại của trận đánh đó.
Chúng ta đang cố tìm ván gỗ để chứng minh thuyền ta đánh giặc là loại nào. Theo tôi có mấy khả năng thế này. Thứ nhất là thuyền ta lấy nhỏ đánh lớn. Thuyền ta phải lách qua cọc và lôi kéo giặc tiến sâu vào. Thuyền ta đóng số lượng nhiều trong thời gian ngắn nên tôi dự đoán rằng tất cả đều là thuyền nan. Ta thấy thuyền nan đan ở Hưng Học rất nhanh, rất cơ động. Tôi cho rằng thuyền nan có vai trò rất quan trọng trong chiến thắng Bạch Đằng. Có thể thuyền soái hạm của ta là gỗ, còn tất cả số khác là thuyền nan. Thuyền nan mang mồi lửa dụ thuyền giặc vào thế trận.
Tôi cùng TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã nghiên cứu nơi này rất nhiều và mong muốn có ông nông dân nào đó đào được cổ vật là tấm ván. Nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy một tấm ván nào cả. Chúng ta còn tiếp tục phải tìm kiếm, phải khai quật để nghiên cứu. Tôi nghĩ, phải làm thế nào để tìm bằng được 1 tấm ván. Ván thuyền là sẽ có đinh đóng ghép ván, có lỗ xảm thuyền, như thế là đủ chứng minh.
- Ngoài việc khai quật khảo cổ học để nghiên cứu, theo ông cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề truyền thống đóng tàu thuyền của Quảng Ninh như thế nào?
+ Cám ơn vì câu hỏi rất hay. Muốn bảo tồn văn hóa biển Quảng Ninh trước bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhiều và ngư trường giảm đi, cộng với môi trường ô nhiễm gia tăng, theo tôi cần làm tuần tự và đồng bộ. Bối cảnh đó buộc người dân phải chuyển nghề, chúng ta phải hướng họ sang đóng thuyền phục vụ du lịch và các làng nghề cũng cần cố gắng đưa công nghệ vào. Nhưng đưa công nghệ không phải đưa kiểu cưỡng ép mà đưa từ người dân đưa lên, cùng ngư dân nâng dần lên. Tuyệt đối không được dùng tư tưởng tàu sắt để ép người dân mà phải hiểu người dân. Ví như chỗ ông Chắn phải nâng dần cái tầm của ông ấy lên.
Phải có lực lượng nghiên cứu tàu thuyền cùng tham gia vào với dân. Hiện nay, chúng ta có Đại học Hạ Long. Tôi muốn kêu gọi Trường Đại học Hạ Long, nơi tập trung giới khoa học cần có môn học đóng tàu thuyền dân gian truyền thống. Từ đấy, ta hiểu, ta nghiên cứu và đào tạo anh em giảng viên, trang bị tri thức cho sinh viên. Rồi chúng ta đưa vẽ kỹ thuật hiện đại, đưa khoa học hiện đại vào giúp các nghệ nhân như ông Chắn viết được thành tư liệu. Chúng ta còn phải hướng người ta sản xuất ra cái gì, sản phẩm gì để tiêu thụ được; truyền nghề từ các nghệ nhân cho thế hệ sau ra sao. Khuyến khích những ngư dân của chúng ta làm việc lớn hơn, đi biển ra xa hơn chứ đừng loanh quanh đánh bắt gần bờ kiểu tận diệt. Chúng ta đứng ở tâm thế của ngư dân để giúp họ chứ đừng đứng trên vai trò người quản lý đơn thuần. Xin đừng dùng mệnh lệnh hành chính để làm bất ổn tâm lý ngư dân.
- Ông có thể chia sẻ những dự định nghiên cứu sắp tới về tàu thuyền Quảng Ninh?
+ Sắp tới, tôi tiếp tục nghiên cứu viết cuốn "Khảo cổ tàu thuyền". Cuốn sách sẽ có mấy chương tổng kết lại, bổ khuyết nhiều chi tiết sâu hơn. Ví dụ như buồm ở Phong Cốc thế nào, dựng hình ra sao, phải viết ra được thành sách, tổng kết lại thành những quy trình. Hay như vấn đề nhuộm buồm thế nào cũng phải viết theo quy trình hóa kiểu phương Tây, không thể cứ truyền dạy kiểu nghệ nhân cứ nghĩ trong đầu rồi cầm tay chỉ việc. Tôi phải viết ra để ai cũng hiểu.
Nhất là tôi quan tâm đến Vân Đồn bởi nó gắn với con đường buôn bán của thuyền bè ở thương cảng xưa. Tôi đối chiếu với văn bản Trung Quốc xem con đường từ Phúc Kiến đi xuống như thế nào, xem sách cổ mô tả ra sao. Từ đó, ta phải diễn giải lại theo ngôn ngữ hiện đại. Ví dụ, các cụ nói đi về hướng Sửu 1 canh thì giờ ta phải hiện đại hóa diễn giải theo cách của người hiện đại, thành ngôn ngữ mới để hiểu giao thương của bến Vân Đồn và của Quảng Ninh ngày xưa...
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()