Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:25 (GMT +7)
Kỷ niệm thời "Trạm phát sóng trên mây"
Thứ 4, 03/01/2024 | 08:41:13 [GMT +7] A A
Trong quá trình hình thành và phát triển, truyền hình Quảng Ninh đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ tương tự Analog sang truyền hình số mặt đất (DVB-T2), song với những người làm báo hình Quảng Ninh, giai đoạn "Trạm phát sóng trên mây" của công nghệ Analog sẽ vẫn còn được nhắc đến mãi như một thời "lửa thử vàng".
Từ điểm cao 472m…
Giai đoạn phát triển ban đầu, truyền hình sử dụng công nghệ phát sóng tương tự mặt đất Analog. Do đặc thù địa hình tỉnh Quảng Ninh phức tạp, có nhiều đồi núi nên đòi hỏi số lượng các trạm phát nhiều và các trạm phải được lắp đặt ở những vị trí cao, máy phát sóng có cường độ trường mạnh thì chất lượng hình ảnh và âm thanh mới đảm bảo.
"Trạm phát sóng trên mây" là cách gọi thi vị hóa công trình được xem như một chiến công của những "chiến sĩ" truyền hình Quảng Ninh thời kỳ đầu. Năm 1986, Đài PTTH Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh) lắp đặt thành công Trạm truyền hình Quảng Ninh trên điểm cao 472m, phía bắc Mông Dương. Thời điểm đó, đây là trạm truyền hình cao nhất cả tỉnh. Vì ở trên cao, thường xuyên sương mù che phủ, trạm phát sóng này còn được gọi với cái tên "trạm phát sóng trong sương".
Trạm thu phát hình được xây dựng nhằm nâng chất lượng phát sóng và mở rộng diện phủ sóng các chương trình truyền hình Quảng Ninh và truyền hình Việt Nam phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh đặc khu Quảng Ninh, nhân dân ở khu vực Mông Dương, đảo Đồng Rui (Tiên Yên), một phần huyện Ba Chẽ và một phần của Cẩm Phả.
Sở dĩ công trình trạm phát sóng 472m trở thành một dấu ấn khó phai với những người làm truyền hình Quảng Ninh bởi đây là công trình thi công lắp đặt hết sức gian nan. Tháng 5/1986, nhóm khảo sát lắp đặt được thành lập với 5 đồng chí gồm lãnh đạo Đài PTTH Quảng Ninh và 3 đồng chí kỹ thuật, 1 đồng chí hậu cần. Để lựa chọn địa điểm lắp đặt trạm phù hợp, đoàn khảo sát phải men theo những con đường mòn, nhiều đoạn phải tự phát cây mới có đường đi. Đoàn đã khảo sát cả chục đỉnh núi cao cốt sao chọn được điểm thu và phát tín hiệu tốt nhất.
Nhớ lại những ngày triển khai lắp đặt trạm phát sóng 472, đồng chí Trương Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách kỹ thuật Đài PTTH Quảng Ninh, chia sẻ: "Phải mất 7 ngày chúng tôi mới chọn được điểm đặt trạm phát sóng. Bảy ngày ròng rã của chuyến khảo sát như một chuyến hành quân. Chúng tôi sống chung với vắt rừng. Ban đầu bị vắt đốt chúng tôi còn đập, sau thì nhiều quá, bắt không xuể, cứ để vậy... Kham khổ không sao tả xiết!... Đây là một trong những chuyến khảo sát vất vả và thách thức nhất trong cuộc đời làm nghề của tôi, song cũng nhờ chuyến đi gian nan ấy mà sau này, chúng tôi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn, thử thách được giao".
Sau khi Đài PTTH Quảng Ninh hoàn thành khảo sát điểm lắp đặt trạm, Đặc khu Quân sự Quảng Ninh cử một trung đội vệ binh hỗ trợ khuân vác vật liệu, trang thiết bị lên cao điểm 472… Công trình trạm phát sóng được hoàn thành đúng một ngày trước lễ khai mạc FIFA World Cup 1986, đảm bảo chất lượng truyền dẫn phát sóng các chương trình của Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quảng Ninh trong niềm vui, hân hoan của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào.
… đến Đài phát Vân Đồn
Sau cao điểm 472 tại Mông Dương, những người làm truyền hình Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu với những chiến công vẻ vang khác. Đó là công trình lắp đặt Trạm chuyển tiếp truyền hình trên núi Na cao 218m, thuộc xã Sông Khoai, TX Quảng Yên năm 1988; là công trình xây dựng và lắp đặt Đài Phát hình Bãi Cháy năm 1996; là công trình khánh thành Đài Phát hình Quốc gia Móng Cái năm 2003… Và trong chuỗi chiến công ấy sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới công trình gói thầu số 1 và số 2 Dự án mở rộng phủ sóng truyền hình Quảng Ninh giai đoạn 1. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII. Mục tiêu của Dự án là nâng diện phủ sóng truyền hình toàn tỉnh lên trên 80%.
Dự án mở rộng phủ sóng truyền hình Quảng Ninh giai đoạn 1 được thực hiện vào dịp Quốc khánh 2/9/2005, khi truyền hình Quảng Ninh bước sang tuổi 22. Thời đó, một số huyện miền Đông của tỉnh vẫn chưa một ngày được xem trực tiếp chương trình truyền hình Quảng Ninh. Các đài huyện, thị đều phát lại chương trình của tỉnh chậm hơn một ngày vì phải lên tận Đài tỉnh ghi băng rồi chuyển băng về Đài huyện phát.
"Tình trạng trên một phần do địa hình của Quảng Ninh phức tạp, các cụm dân cư sống rải rác trải dài từ Đông Triều đến Móng Cái có nhiều nơi địa hình đồi núi phức tạp khiến cho cường độ điện trường suy giảm. Can nhiễu công nghiệp và thông tin cũng làm khả năng thu sóng bị hạn chế" - Ông Phạm Ngọc Thái, nguyên Trưởng Phòng Truyền dẫn Phát sóng, Đài PTTH Quảng Ninh, lý giải.
Cũng theo lời kể của ông Phạm Ngọc Thái, sau khi khảo sát và nghiên cứu, lãnh đạo Đài PTTH Quảng Ninh đã chọn phương án truyền sóng số mặt đất DVB. Phương án kỹ thuật là nâng công suất Đài cột 5 từ 2KW kên 5KW và thiết lập thành ba đường truyền tín hiệu truyền hình số công suất 100W. Một là từ Đài phát cột 5 đến Đài phát Vân Đồn với cự ly đường truyền là 33,7km. Hai là từ Đài phát Vân Đồn đi Đầm Hà với cự li đường truyền 34km. Ba là từ Đài Đầm Hà đi Móng Cái với cự li đường truyền 41,5km. Tại các điểm trên lắp đặt máy thu, phát số UHF.
Việc thực hiện Dự án Mở rộng diện phủ sóng truyền hình Quảng Ninh được tiến hành khẩn trương, gấp rút. Tất cả các khâu lắp đặt và cân chỉnh máy móc thiết bị được hoàn thành với tốc độ thần tốc trong 12 ngày đêm: Từ 18/10 đến ngày 30/10/2005. Mọi công việc được thực hiện rất nhanh, chính xác và khoa học.
Ông Phạm Ngọc Thái nhớ lại: Trong dự án mở rộng phủ sóng truyền hình Quảng Ninh, Đài phát Vân Đồn có vị trí rất quan trọng. Chất lượng truyền sóng ra các huyện miền Đông hoàn toàn phụ thuộc vào Đài phát Vân Đồn. Song đây cũng là điểm thi công khó khăn nhất trong các điểm. Phần vì địa hình núi cao 200m so với mực nước biển nên việc vận chuyển máy móc thiết bị gặp nhiều khó khăn, phần vì cột ăng ten của đài huyện đã bị gãy do bão, phần vì điện không ổn định và vì giữa thiết kế và thi công còn những bất cập…
Với tinh thần quyết tâm cao, các cán bộ thi công làm việc từ 6h sáng đến 11h đêm hàng ngày, chạy đua với thời gian để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Sáng ngày 20/10/2005, đoàn hoàn thành công việc lắp đặt tại Vân Đồn. Ngày 22/10 đến 29/10 đoàn lần lượt hoàn thành lắp đặt và cân chỉnh đường truyền ở các Đài huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà và Móng Cái. Đúng chiều ngày 29/10/2005 sóng truyền hình Quảng Ninh đã được phát trực tiếp tại Móng Cái.
Thành công của đợt phủ sóng thần tốc 12 ngày đêm được đánh dấu bằng chương trình truyền hình trực tiếp: "Cánh sóng truyền hình với Đảng" tổ chức tại thị trấn Hải Hà vào 20h ngày 30/10/2005. Dự án đã góp phần nâng diện phủ sóng truyền hình Quảng Ninh lên trên 80% địa bàn dân cư toàn tỉnh; khẳng định năng lực và vai trò ngày một cao của đội ngũ những người làm truyền hình trong công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, đóng góp xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày một giàu mạnh.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()