Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:10 (GMT +7)
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản
Chủ nhật, 31/03/2019 | 23:20:22 [GMT +7] A A
Tối 31/3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Bộ NN và PTNT tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản 1/4 (1959 - 2019).
Dự lễ có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có biển trong cả nước.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, trao lẵng hoa và thư chúc mừng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho tỉnh Quảng Ninh và Bộ NN và PTNT. |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Huân chương lao động Hạng nhất cho Tổng cục Thủy sản Việt Nam. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã ôn lại lời Bác Hồ căn dặn bà con ngư dân lúc thăm đảo khu vực Đông Bắc (Cát Bà và Tuần Châu) năm 1959: “Biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn, khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, trong đó có ngư dân, đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản là một dấu mốc để nhìn lại toàn bộ quá trình xây dựng và trưởng thành, hội nhập và phát triển đi lên của ngành Thủy sản Việt Nam. Đồng thời là dịp để tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh thủy sản Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Các đại biểu trung ương và tỉnh Quảng Ninh dự lễ kỷ niệm |
Tại Quảng Ninh, với 250km đường bờ biển, ngư trường rộng lớn, thủy sản đã là một trong lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp. Từ nghề cá nhân dân thủ công, quy mô nhỏ lẻ, khai thác gần bờ, Quảng Ninh đã sớm đưa khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào lĩnh vực thủy sản; xác định các đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực gắn với quy hoạch, hình thành vùng nuôi trồng tập trung; thực hiện mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế để chuyển dịch sang nghề cá hiện đại, hội nhập, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển theo hướng bền vững.
Đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản tại Quảng Ninh hàng năm đạt trung bình từ 6-8%/năm; đội tàu khai thác thủy sản xa bờ tăng 2,6 lần so với năm 2014; đời sống ngư dân ngành Thủy sản được cải thiện, nhiều người dân giàu lên từ nghề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh 5 mục tiêu lớn ngành Thủy sản phải triển khai trong thời gian tới. |
Tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu đến năm 2020 ngành thủy sản có tổng sản lượng thủy sản đạt 130.000 tấn (khai thác đạt 60.000 tấn, nuôi trồng đạt 70.000 tấn); kinh tế thủy sản phấn đấu chiếm trên 3% tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh, đóng góp từ 60-65% GRDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD, tạo việc làm cho trên 62.000 lao động tiến tới hình thành các trung tâm nghề cá gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, chủ động sản xuất được giống đối tượng nuôi chủ lực.
Khái quát về thành tựu 60 năm hình thành và phát triển của ngành Thủy sản, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT khẳng định: Với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, lao động trong ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành Thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Từ năm 1995, giai đoạn khai thác thủy sản xa bờ được quan tâm phát triển đã góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Luật Thủy sản năm 2003, Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác là cơ sở pháp lý để ngành Thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, duy trì nhịp độ tăng trưởng cao. Những điều này đã đánh dấu việc đổi mới tư duy quản lý ngành từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, khái quát về thành tựu 60 hình thành và phát triển của ngành Thủy sản. |
Sau 60 năm, ngành Thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 7,74 triệu tấn, tăng gấp 5,6 lần so với năm 1995; sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường; kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt gần 9 tỷ USD. Với hơn 600 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngành Thủy sản tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 triệu lao động đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Phát biểu chúc mừng ngành Thủy sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành Thuỷ sản đối với công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí nhấn mạnh, trải qua 60 năm cần cù, sáng tạo, vượt khó để phát triển, ngành Thuỷ sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Thủy sản luôn được Đảng, Nhà nước coi là ngành sản xuất chiến lược, được chú trọng quan tâm phát triển...
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu khai mạc. |
Đồng chí cũng chỉ ra 5 mục tiêu lớn ngành Thủy sản phải triển khai trong thời gian tới. Đó là: Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển bền vững kinh tế biển nói chung, ngành Thuỷ sản nói riêng, trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; phát triển thủy sản gắn với đổi mới và phát triển quan hệ sản xuất, chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác; xây dựng thương hiệu Thuỷ sản Việt Nam an toàn, phát triển bền vững, chất lượng cao; phát triển thủy sản phải hướng đến cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập của cộng đồng ngư dân.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tôn vinh giá trị của nguồn lợi thủy sản, tài nguyên môi trường biển với đời sống nhân loại; nâng cao ý thức khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường biển theo hướng bền vững để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Hoạt cảnh Bác Hồ về thăm đảo Tuần Châu nằm trong chương trình văn nghệ chào mừng 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản. |
Tại buổi lễ, tỉnh Quảng Ninh và Bộ NN và PTNT cũng đã đón nhận lẵng hoa và bức thư chúc mừng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng cục Thủy sản Việt Nam (Bộ NN và PTNT) đón nhận Huân chương lao động Hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng do đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu, chỉ đạo phát triển ngành Thủy sản, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc.
Công diễn chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - 60 năm trưởng thành, phát triển và hội nhập” |
Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm, từ ngày 30/3 đến 4/4 có các hoạt động: Công diễn chương trình văn nghệ chào mừng đặc sắc với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - 60 năm trưởng thành, phát triển và hội nhập”; Hội chợ triển lãm 60 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản - Quảng Ninh 2019; Khánh thành công trình lưu niệm Bác Hồ ra thăm đảo Tuần Châu; Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản Vịnh Bắc Bộ; Hội thảo khoa học đánh giá 15 năm thi hành Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc; Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2018 – 2019, triển khai kế hoạch khai thác cá vụ Nam năm 2019.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()