Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:18 (GMT +7)
Kỷ niệm 20 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh
Thứ 6, 07/07/2023 | 19:09:06 [GMT +7] A A
Ngày 7/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (8/7/2003-8/7/2023). Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trải qua 20 năm đổi mới và phát triển, KHCN đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đề tài, dự án KHCN đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đồng thời gắn kết với phát triển sản xuất của các hộ dân, doanh nghiệp, HTX nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong giai đoạn 2003-2023, Sở KHCN đã tổ chức thực hiện khoảng 600 nhiệm vụ, đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia và cấp tỉnh; tỷ lệ cao trong số đó được áp dụng, nhân rộng trong thực tiễn; được chuyển giao kịp thời giúp các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng và làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất.
Bên cạnh đó, tiềm lực KHCN không ngừng được tăng cường; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy lan tỏa trong xã hội. Ngành Than và nhiều ngành khác như: Công nghiệp chế biến chế tạo, nông lâm ngư nghiệp, y được, xây dựng, môi trường… đã tích cực mạnh dạn đổi mới ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cao.
Đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh có 24 doanh nghiệp KHCN (đứng thứ 4 toàn quốc); xây dựng và hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực trồng trọt và thủy sản do doanh nghiệp quản lý, khai thác. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa hệ thống phần mềm quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 vào áp dụng tại các sở, ban, ngành, địa phương và cũng là địa phương thứ 4 trong toàn quốc có chỉ số đổi mới sáng tạo các tỉnh thành phố trong năm 2022.
Công tác quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực KHCN, nhất là nhân lực KHCN chất lượng cao trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, trong các doanh nghiệp được quan tâm chú trọng. Nguồn vốn chi cho KHCN có xu hướng ngày càng tăng. Giai đoạn 2017-2020, tổng vốn đầu tư xã hội cho KHCN và CNTT đạt gần 20.000 tỷ đồng, bằng 2,71% GRDP của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, tổng vốn ngân sách tỉnh cho lĩnh vực KHCN và CNTT đạt trên 2.200 tỷ đồng, bằng 4% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến chi cho KHCN tối thiểu bằng 2% tổng chi ngân sách tỉnh. Những con số trên đã khẳng định KHCN ngày càng đóng góp tích cực hơn trong đời sống xã hội, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ năm 2012 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 3 nghị quyết liên quan tới phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, theo đó ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng để thực hiện các mục tiêu phát triển KHCN.
Chặng đường 20 năm qua, KHCN ở tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội và nhân dân về vai trò, vị trí của KHCN được nâng lên rõ rệt. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức Sở KHCN qua các thời kỳ đối với sự nghiệp KHCN tỉnh Quảng Ninh, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến trong một số lĩnh vực. Thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh phải kiên trì thực hiện quan điểm phát triển KHCN, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phát triển KHCN thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển KHCN phải lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trên cơ sở xác định lĩnh vực then chốt, nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu KHCN tiên tiến.
Về một số mục tiêu cụ thể, phấn đấu đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 đạt mức 50%, đến năm 2030 đạt trên 55%; 100% sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 2 sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ quốc tế; có 90% trở lên nhiệm vụ KHCN được duy trì, ứng dụng vào thực tiễn. 80% sản phẩm chủ lực của tỉnh sử dụng mã số và mã vạch, thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; đến năm 2030 là 100% sản phẩm. Kiên quyết ngăn chặn các dự án công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường.
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở KHCN cần tập trung nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Trong đó cần tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, trước hết tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với đó, đổi mới cơ chế chính sách, huy động sử dụng các nguồn lực cho ứng dụng, chuyển giao, nâng cao tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo của tỉnh; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng chuyển giao KHCN thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với quy hoạch có trọng tâm trọng điểm; phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KHCN đã được tạo ra thời gian qua; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KHCN, thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo gắn với khởi nghiệp một cách lành mạnh; đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Phải xây dựng Đảng bộ Sở KHCN thực sự trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ công chức và lãnh đạo Sở ở thời kỳ mới chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh: Phát triển KHCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, một trong 3 khâu đột phá để tạo ra tăng trưởng, tạo ra bước phát triển mới trong thời kỳ mà chúng ta có quy mô lớn. Vì vậy cần tập trung cho các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào yếu tố ứng dụng chuyển giao KHCN, làm chủ KHCN mới... để có giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực KHCN thực sự hiệu quả, bền vững vì mục tiêu phát triển KTXH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Nhân dịp này, nhiều cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của UBND tỉnh và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KHCN của Bộ KHCN.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()