Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:28 (GMT +7)
Kỷ niệm 104 năm Cách mạng tháng Mười Nga: Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo
Thứ 7, 06/11/2021 | 12:33:28 [GMT +7] A A
Vào những ngày này cách đây 104 năm, lịch sử nhân loại đã khắc ghi một Đại sự kiện, một kỳ tích làm “Rung chuyển thế giới”. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga!
Cuộc cách mạng “long trời chuyển đất” này đã lật đổ ách thống trị tàn bạo của giai cấp phong kiến, địa chủ và tư sản Nga, giành chính quyền về tay các Xô Viết, sử dụng Xô Viết đại biểu công nhân, nông dân, binh sỹ để xây dựng và bảo vệ xã hội mới, từng bước hiện thực hóa khát vọng giải phóng giai cấp – xóa bóc lột, giải phóng xã hội – xóa áp bức, bất công, giải phóng con người - mang lại tự do, ấm no hạnh phúc cho mọi con người! Thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại này đã biến học thuyết Mác mà các nhà tư tưởng tư sản cho là “bóng ma ám ảnh châu Âu” sau 69 năm đã thành chủ nghĩa xã hội hiện thực của một quốc gia chiếm 1/6 diện tích thế giới và mở ra một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới!
Thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga là thắng lợi của sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa!
Trước hết, V.Lênin – nhà khoa học thiên tài trong cách mạng vô sản, nhà cách mạng vĩ đại trong khoa học đã kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và F.Ăngghen về khả năng nổ ra và thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Vào giữa thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản phát triển và định hình ở giai đoạn tự do cạnh tranh, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn xã hội thực sự gay gắt, phong trào công nhân ở các nước tư bản phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tiêu biểu là phong trào Hiến Chương ở nước Anh (1838 – 1848), phong trào công nhân dệt ở Thành phố Xilêdi ở nước Đức 1844, phong trào công nhân dệt ở Thành phố Liông nước Pháp (1831 – 1834)… Phân tích điều kiện lịch sử này, trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, khi trả lời câu hỏi: “Cuộc cách mạng đó (cách mạng vô sản) có thể xảy ra trong riêng một nước nào đó không”, F.Ăngghen đã trả lời: “Không, đại công nghiệp do đã tạo nên thị trường thế giới nên đã nối liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, nhất là các dân tộc văn minh, khiến cho mỗi một dân tộc đều phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở dân tộc khác. Sau nữa, đại công nghiệp đã san bằng sự phát triển xã hội ở trong tất cả các nước văn minh. Khiến cho ở khắp nơi giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã trở thành hai giai cấp có tác dụng quyết định trong xã hội và cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đó đã trở thành cuộc đấu tranh chủ yếu của thời đại chúng ta. Vì vậy: “Cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức…”[1]
Nhưng đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã phát triển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc bằng con đường chủ yếu là phát động các cuộc chiến tranh xâm lược để giành giật thuộc địa và thị trường. Các nước đế quốc điên cuồng mở rộng thị trường, bóc lột, nô dịch rất tàn bạo các tầng lớp nhân dân lao động, khiến cho mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc ngày càng quyết liệt, gay gắt, không thể điều hòa. Cuộc đấu tranh của nhân dân lao động chống lại các giai cấp thống trị, bóc lột diễn ra ngày càng quyết liệt cả về tính chất và quy mô. Nước Nga vào giữa thế kỷ XIX, sau cải cách nông nô 1861, chủ nghĩa tư bản Nga phát triển nhanh chóng. Tuy phát triển muộn, sau các nước tư bản Tây Âu nhưng đến cuối thế kỷ XIX, Nga cũng chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đế quốc Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh với Nhật (1905) và tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Sau hơn nửa thế kỷ phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, cơ khí, hóa chất…phát triển mạnh. Đến năm 1913, sản lượng công nghiệp Nga chiếm 5,5% sản lượng công nghiệp thế giới. Đáng chú ý là 150 công ty tư bản độc quyền đã thao túng toàn bộ nền kinh tế Nga. Đến đầu thế kỷ XX, giai cấp tư sản Nga yếu cả về kinh tế và chính trị do sự phát triển muộn của chủ nghĩa tư bản Nga. Do phụ thuộc cao vào chế độ quân chủ chuyên chế và tư bản nước ngoài nên giai cấp tư sản Nga không thể trở thành lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ.
Gắn liền với sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp tập trung ở các thành phố lớn, giai cấp công nhân Nga ra đời và trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, công nhân Nga phải làm việc 12 giờ mỗi ngày trong điều kiện lao động hết sức tồi tệ lại có mức lương thấp nhất trong các nước tư bản chủ nghĩa, do đó giai cấp công nhân Nga sớm có tinh thần đoàn kết và ý thức đấu tranh cao. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của phong trào công nhân Nga đã đẩy nhanh truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Giai cấp công nhân Nga lúc này đã trở thành lực lượng chính trị độc lập giác ngộ được sứ mệnh lịch sử của mình.
Năm 1903, Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga được thành lập do V.Lênin đứng đầu. Tuy chủ nghĩa tư bản ở Nga phát triển nhanh nhưng muộn nên đến đầu thế kỷ XX, nước Nga vẫn là nước nông nghiệp với mối quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. 2/3 ruộng đất nằm trong tay giai cấp địa chủ, quý tộc trong đó Nga hoàng cũng là đại địa chủ lớn nhất trong số 30.000 đại địa chủ. Nga hoàng sở hữu gần 8 triệu ha (chiếm hơn 10% của gần 75 triệu ha của 30.000 đại địa chủ Nga) đất nông nghiệp. Giai cấp nông dân Nga chiếm trên 75% dân số bị giai cấp địa chủ quý tộc bóc lột hết sức nặng nề và tàn bạo nhất là chế độ lao dịch. Trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất lao động thấp, nạn mất mùa, đói kém xảy ra thường xuyên.
Đầu thế kỷ XX, Nga vẫn là nước theo chế độ quân chủ chuyên chế, cùng với sự tồn tại của chế độ tư bản độc quyền và những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa. Sự kết hợp giữ hình thái kinh tế tiên tiến và lạc hậu cùng với những thất bại nặng nề và những tổn thất khủng khiếp sau hai năm rưỡi tham gia thế chiến lần thứ nhất (1914 – 1918): nhiều vùng lãnh thổ của đế quốc Nga bị đế quốc Đức xâm chiếm 1,5 triệu lính Nga bị chết, 4 triệu bị thương, 2 triệu bị bắt hoặc đảo ngũ. Nhân dân Nga, nhất là công nhân và nông dân gánh mọi nỗi khổ đau và tang thương do kinh tế khủng hoảng kiệt quệ và chiến tranh nước Nga trở thành nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc: Đó là mâu thuẫn của toàn thể nhân dân Nga với chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng, giữa đại chủ và nông dân, giữa tư sản và vô sản, giữa đế quốc Nga và các dân tộc trong đế quốc Nga, giữa đế quốc Nga và các đế quốc khác như đế quốc Anh, đế quốc Áo – Hung, đế quốc Ottoman, đế quốc Đức, đế quốc Nhật. Do đó với thực trạng kinh tế chính trị xã hội Nga đang cùng tồn tại nhiều mâu thuẫn giai cấp, dân tộc rất gay gắt, khiến đế quốc Nga trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc.
Từ hiện thực sinh động của sự phát triển chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa từ thực tiễn phong trào công nhân và đời sống kinh tế xã hội Nga từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Lênin đã phát hiện ra quy luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản và đưa ra dự báo thiên tài về khả năng nổ ra và thắng lợi của cách mạng vô sản: “Sự phát triển không đồng đều về kinh tế chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số nước tư bản chủ nghĩa thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa”[2].
Từ đây Lênin chỉ ra rằng, giai cấp vô sản cần phải lợi dụng triệt để các mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa đế quốc để chiến thắng nó tại nơi tập trung những mâu thuẫn, ở khâu yếu nhất mắt xích yếu nhất trong hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới. Khi thực tiễn lịch sử đã đặt cho giai cấp vô sản Nga sứ mệnh đi tiên phong trong sự nghiệp “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” tại nước Nga.
Sau cách mạng tháng 2/1917, ở Nga tồn tại hai chính quyền song song: Chính phủ lâm thời tư sản và các Xô Viết đại biểu công nhân và binh sỹ. Sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời tư sản đã không giải quyết những vấn đề đã hứa trước đó như vấn đề ruộng đất cho nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực rất nghiêm trọng nhất là việc chính phủ lâm thời quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc đến cùng. Những mâu thuẫn chính trị, kinh tế, xã hội ở Nga đã phát triển đến tột cùng đòi hỏi phải tiến hành một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc đời sống chính trị, kinh tế xã hội Nga.
Ngày 4 tháng 4 năm 1917, Lênin đọc một bài phát biểu quan trọng với tên gọi: “Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay”. Bản báo cáo này đã đi vào lịch sử với tên gọi “Luận cương tháng tư”. Luận cương này đã chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là việc chỉ rõ mục tiêu cách mạng, đối tượng cách mạng, chủ thể, lực lượng tham gia cách mạng, nội dung và hình thức của cách mạng, phương thức và điều kiện đảm bảo thắng lợi của cách mạng. Phân tích sâu sắc tinh thần sục sôi cách mạng của nhân dân Nga, khi nói về phương pháp cách mạng, Lênin đã xác định: “Vũ khí trong tay nhân dân, không có sự cưỡng bức nào từ bên ngoài đối với nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển hòa bình của cách mạng, tuy nhiên Lênin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi, nếu các Xô Viết bị tấn công.
Ngày 20 và 21 tháng 4 năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvich, hàng chục vạn người Nga xuống đường biểu tình hòa bình với các khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền về tay Xô Viết”!, “Hòa bình, ruộng đất, bánh mỳ”! Trước sức ép của quần chúng, ngày 2/5/1917, Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng chiến tranh phải từ chức, chính phủ lâm thời cải tổ thành chính phủ liên hiệp. Ngày 3/7/1917 hơn 50 vạn nhân dân thành phố Petrograt xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay Xô Viết! Chính phủ lâm thời không những đã từ chối các đòi hỏi cấp bách của nhân dân mà còn ra lệnh cho quân đội tấn công vào đoàn biểu tình làm trên 3000 người bị chết và bị thương. Sau đó chính phủ liên hiệp tiến hành đàn áp và bắt các đảng viên Bônsêvich, ra lệnh truy nã Lênin. Trước tình hình đó, từ 26 tháng 7 đến 3 tháng 8 năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Lênin, Đảng Bônsêvich đã họp đại hội VI đánh giá tình hình, vạch ra sách lược đấu tranh mới. Đại hội chỉ rõ việc giai cấp vô sản Nga trực tiếp tổ chức vũ trang giành chính quyền bằng bạo lực đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp. Khi các điều kiện để nổ ra và thắng lợi của cách mạng vô sản đã chín muồi, vấn đề Nhà nước đặt ra một cách trực tiếp cấp bách. Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1917, Lênin đã hoàn thành tác phẩm Nhà nước và cách mạng. Đây là sự chuẩn bị lý luận về Nhà nước và cách mạng cho giai cấp vô sản.
Với tác phẩm Nhà nước và cách mạng, Lênin đã trình bày một cách đầy đủ nhất học thuyết của C.Mác và F.Ăngghen về vấn đề nhà nước. Thông qua tác phẩm này Lênin đã phát triển sáng tạo những luận điểm của C.Mác và F.Ăngghen về Nhà nước trong điều kiện mới khi từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc- giai đoạn mà Lênin coi là đêm trước của cách mạng vô sản. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) đẩy mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản phát triển cực kỳ gay gắt, không thể điều hòa, đã đẩy nhanh quá trình chín muồi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị xã hội trầm trọng trong nhiều nước đế quốc. Thực tiễn này đã đặt ra trước giai cấp vô sản và các Đảng cộng sản - Bộ tham mưu chính trị của giai cấp vô sản có nhiệm vụ lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đúng như Lênin, trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng đã chỉ rõ: “Vấn đề thái độ của cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản đối với nhà nước không những chỉ có ý nghĩa chính trị - thực tiễn mà còn có tính chất nóng hổi nhất nữa - Vì đây là vấn đề làm cho quần chúng thấy rõ những việc họ sẽ phải làm trong một tương lai gần đây để tự giải phóng khỏi ách tư bản”.
Đáp ứng yêu cầu chính trị và thực tiễn nóng hổi này, trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên học thuyết của C.Mác và F.Ăngghen về vấn đề nhà nước được trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ nhất. Vị trí trung tâm của tác phẩm này là những vấn đề Cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Phát triển quan điểm của C.Mác, F.Ăngghen tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng trong thời kỳ chủ nghĩa chính trị tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nhà nước. Lênin chỉ rõ vấn đề cơ bản của bất kỳ cuộc cách mạng nào là vấn đề chính quyền nhà nước. Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, chuyên chính vô sản là thiết yếu lịch sử. Giai cấp vô sản dùng chính quyền nhà nước để chuyên chính với thiểu số dân cư là bóc lột và xây dựng xã hội mới. Chuyên chính vô sản là nhà nước quá độ và nó khác về cơ bản nhà nước tư sản trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nhà nước từ chỗ là công cụ thống trị giai cấp chuyển thành cơ quan thể hiện ý chí của toàn dân. Lênin đã kế thừa và phát triển sáng tạo lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản. Nhiệm vụ của chuyên chính vô sản là thủ tiêu chế độ người bóc lột người và xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Chuyên chính vô sản là nhà nước kiểu mới, nguyên tắc tối cao của nó là liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, với toàn thể nhân dân lao động và các tầng lớp xã hội khác dưới sự lãnh đạo của cộng sản. Nhà nước vô sản là nhà nước cuối cùng trong lịch sử. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình: phát triển kinh tế, xã hội, xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp đối kháng, nhà nước vô sản sẽ tự tiêu vong; Nhà nước mất đi, chế độ nhà nước được thay bằng chế độ tự quản cộng sản chủ nghĩa. Ở đây Lênin đã đặc biệt nhấn mạnh tính chất dân chủ của nhà nước vô sản và chỉ rõ sự khác biệt căn bản của nhà nước vô sản với nhà nước tư sản thể hiện ở các hình thức tổ chức nhà nước và nhiệm vụ lịch sử mà nhà nước vô sản thực hiện.
Nhận thức sâu sắc nhân tố quyết định để lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản thành công là phải xây dựng được chính đảng kiểu mới – chính Đảng cách mạng của giai cấp vô sản Nga, kế thừa và phát triển sáng tạo những luận điểm của C.Mác, F.Ăngghen về tính tất yếu ra đời cùng bản chất cách mạng và khoa học của Đảng cộng sản, Lênin đưa ra hệ thống những giá trị cốt lõi về các nguyên lý xây dựng chính Đảng của giai cấp công nhân.
Những giá trị cốt lõi đã trở thành những nguyên tắc xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đó là:
- Một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân phải lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.
- Đảng cộng sản là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất có giác ngộ nhất của giai cấp công nhân.
- Đảng kiểu mới phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Khi có chính quyền, Đảng phải là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đồng thời cũng là một bộ phận của hệ thống chính trị đó.
- Đảng phải là một khối thống nhất về ý chí và hành động. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển.
- Đảng phải thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và khoa học của mình.
- Đảng phải gắn bó máu thịt với quần chúng, luôn đấu tranh ngăn ngừa, khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng.
- Đảng phải tích cực bồi dưỡng và kết nạp những quần chúng ưu tú trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động và Đảng; kiên quyết và kịp thời đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng
- Đảng kiểu mới phải thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
Từ năm 1903, Đảng Bônsêvich Nga, dưới sự lãnh đạo của Lênin đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh, chiến thắng những chiến dịch đàn áp của chính phủ tư sản, đấu tranh đánh bại các loại kẻ thù chính trị tư tưởng, ngày càng lớn mạnh cả về chính trị tư tưởng và tổ chức, đã lãnh đạo giai cấp vô sản và nhân dân Nga tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại.
Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại là thắng lợi của sự vận dụng và phát triển học thuyết của Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa, phát triển chủ nghĩa Mác nâng chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới: Chủ nghĩa Mác-Lênin – một học thuyết khoa học và cách mạng, một “ công cụ nhận thức vĩ đại” để nhận thức và cải tạo thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đã đưa đến thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến thần kỳ đánh thắng hai đế quốc to của thế kỷ XX đưa non sông Việt Nam trở về một mối, đưa cả nước ta vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
35 năm qua, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
Suy nghĩ về ý nghĩa thắng lợi của cách mạng tháng Mười đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, thắng lợi của 35 năm sự nghiệp đổi mới giúp chúng ta càng thấm thía một luận điểm: Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo./.
Theo dangcongsan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()