Ung dung đơn hàng đến quý II/2022
Theo Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, May 10 đã ký hợp đồng với các đối tác nhập khẩu từ nay đến quý I/2022, một số đơn hàng được ký đến quý II/2022, đủ để doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất, tạo phấn khởi cho người lao động. Hiện tại, May 10 đang dồn tốc lực sản xuất cho kịp tiến độ. Với lượng đơn hàng sẵn có, May 10 có thể hoàn thành thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong quý I/2022.
Hiện tại, các đơn vị của Tổng công ty May 10-CTCP đang nỗ lực tăng ca sản xuất nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký cho quý I/2022 và một số đơn hàng đã ký đến quý II/2022.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng cho rằng, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới vẫn nhiều lạc quan nên đơn hàng “không phải là vấn đề”, quan trọng là phải đảm bảo nguồn lực lao động trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Là “cánh chim đầu ngành”, năm 2022 Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vitnatex) đặt mục tiêu “trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang” và “lấy người lao động làm trọng tâm phát triển”, phấn đấu tăng trưởng chung hơn 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng qua tỉ lệ giá trị gia tăng và tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu; 100% người lao động có việc làm, thu nhập bình quân 8,35 triệu đồng/người/tháng… Vintatex cũng đặt mục tiêu năm 2022 tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh theo chuỗi cung ứng trọn gói trong tập đoàn.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - chia sẻ, các đơn vị may của tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết quý I/2022, nhiều đơn vị đã có đến quý III/2022 và hiện tại các đơn vị đang nỗ lực sản xuất để giao hàng đúng tiến độ.
Vinatex đang tiếp tục xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp, xác định cơ cấu thị trường, khách hàng chính cho từng loại sản phẩm, tăng cường năng lực thiết kế, marketing, merchandise và tăng cường phát triển thị trường mới. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu, đặc biệt phát triển sản phẩm đặc thù. Ưu tiên đầu tư hạ tầng số hóa cho các đơn vị, nhanh chóng triển khai thực hiện hệ thống quản trị số tập trung đối với nhóm sợi, nhóm may cũng như giữa công ty mẹ (Vinatex) và các đơn vị chi phối.
Rất nhiều thách thức trong năm 2022
Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, cơ cấu đơn hàng của năm 2022 đã có sự thay đổi, mặt hàng dệt kim nhiều hơn. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần thay đổi cơ cấu mặt hàng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, dù thị trường dệt may được nhận định khởi sắc trong năm nay, nhưng tổng cầu dự báo sẽ không tăng nhiều. Trong “eo hẹp” của tổng cầu, các quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam đều đang nỗ lực để tăng thị phần xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dành riêng cho ngành dệt may và tham vọng mục tiêu mở rộng thị phần ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao nhất, tạo sức ép không nhỏ với dệt may Việt Nam trong năm 2022.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), đến thời điểm này, chi phí vận tải tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn đang là nút thắt lớn cần tháo gỡ. Dự báo phải đến nửa cuối năm 2022 khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết. Logistics tiếp tục là những khó khăn tác động không nhỏ đến xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng trong năm 2022.
Bên cạnh đó là vấn đề nhân lực lao động, nguồn cung nguyên liệu... Theo dự đoán của các chuyên gia, giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm. Do đó ước tính hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm 2022.
Được biết, năm 2022, Vitas đưa ra 3 kịch bản cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, trong đó, kịch cao nhất đạt 42,5-43,5 tỉ USD, trung bình 40-41 tỉ USD, thấp nhất 38-39 tỉ USD.
Ý kiến ()