Canon Chu Hải hoạt động từ năm 1990 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nhà máy chủ yếu sản xuất máy ảnh, máy in laser, máy fax, máy quét, máy ảnh kỹ thuật số, máy in laser màu, cảm biến hình ảnh tiếp xúc máy quay video kỹ thuật số... Sau hơn 30 năm thành lập, tại đây có hơn 1.300 nhân viên.
Hồi kết của máy ảnh kỹ thuật số
Canon không phải hãng máy ảnh đầu tiên đóng cửa nhà máy. Năm năm trước, Nikon cũng thông báo ngừng hoạt động tại nhà máy sản xuất ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vì thị trường máy ảnh số bị thu hẹp do sự gia tăng của smartphone. Đến tháng 2/2021, Nikkei cho biết Nikon đóng thêm hai nhà máy sản xuất ống kính tại tỉnh Yamagata và Fukushima (Nhật Bản) và chỉ có nhà máy ở Otawara hoạt động.
Đầu năm nay, ông Fujio Mitarai, Chủ tịch kiêm CEO Canon, thông báo hãng sẽ dừng phát triển dòng máy cao cấp nhất là EOS-1D, để chuyển sang những sản phẩm phù hợp hơn với thị trường.
Theo Statista, năm 2020, doanh thu toàn ngành giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống còn 298,5 tỷ USD. Hai năm Covid-19 hoành hành được ví như "cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà" khi nhu cầu về nhiếp ảnh sụt giảm trên phạm vi toàn cầu. Giãn cách khiến nhiều người hạn chế di chuyển, đi du lịch, trong khi hàng nghìn lễ hội, sự kiện lớn bị huỷ bỏ. Đây là khó khăn chung của toàn ngành thiết bị máy ảnh chứ không riêng Canon.
Iddo Genuth, nhà sáng lập của Lensvid, cho rằng một nguyên nhân khác dẫn đến sự đi xuống của máy ảnh kỹ thuật số là sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiếp ảnh di động. Từ năm 2016, khi Canon còn đang đứng trên đỉnh cao, Huawei bắt đầu ra mẫu P9 với ống kính Leica. Vivo cũng hợp tác với hãng sản xuất ống kính máy ảnh Zeiss.
Kỷ nguyên mạng xã hội bùng nổ khiến nhu cầu chia sẻ ảnh, video ngay lập tức của người dùng ngày càng lớn. Xét về tính tiện lợi, máy ảnh số gần như không thể cạnh tranh với những chiếc smartphone có cameta tốt, luôn sẵn sàng kết nối Wi-Fi, 4G và luôn được người dùng mang theo. Sự lên ngôi của các ứng dụng làm đẹp cũng khiến nhiều người dùng trẻ không mặn mà với máy ảnh kỹ thuật số.
Thống kê của Counterpoint Research cho thấy năm 2011, sản lượng smartphone toàn cầu là 521 triệu chiếc và đến 2020, con số này tăng lên 1,331 tỷ. Cùng giai đoạn đó, số lượng máy ảnh kỹ thuật số giảm từ 10 triệu xuống còn 2,37 triệu thiết bị.
Cuối cùng, khủng hoảng chip toàn cầu cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các công ty máy ảnh kỹ phải thu hẹp thị trường.
Tương lai mới cho nhà sản xuất
Theo các chuyên gia, sự xuống dốc của máy ảnh kỹ thuật số là một phần không thể tránh được trong tiến trình của công nghệ. Giống như hơn 10 năm trước, sự vươn lên của máy ảnh số dẫn đến hồi kết của máy ảnh phim, khiến ông hoàng một thời là Kodak phải nộp đơn xin phá sản vào ngày 19/1/2012.
Hiện Kodak đã chuyển hướng sang ngành dược phẩm với thế mạnh về hóa học. Theo WJS, đây là bước ngoặt với đại gia một thời trong mảng máy ảnh và film. Ở thời kỳ đỉnh cao, công ty này có vị thế tương đương Google hay Apple hiện tại, với 145.000 nhân viên trên toàn cầu. Họ phát minh camera kỹ thuật số năm 1975, nhưng thất bại trong việc kiếm lợi nhuận từ sản phẩm này. Tháng 7/2020, hãng nhận khoản vay 765 triệu USD để sản xuất một số dược phẩm chống lại virus corona.
Đối thủ cũ của Kodak là Fujifilm cũng chuyển hướng sang thị trường dược phẩm. Theo Nikkei, năm 2008, công ty thâu tóm Toyama Chemical. Năm 2017, Fujifilm ty tiếp tục củng cố hoạt động kinh doanh y tế thông qua thương vụ mua Wako Pure Chemical Industries. Đây là công ty phát triển loại thuốc trị cúm Favipiravir được dùng phổ biến trong Covid-19.
Lịch sử xoay vòng và câu hỏi đặt ra cho nhà sản xuất máy ảnh số như Canon, Nikon, Sony là liệu họ có thích ứng kịp với thời cuộc như những gì Kodak, Fuji đã làm khi bị soán ngôi 10 năm trước. Theo India Today, các hãng máy ảnh kỹ thuật số đang tìm cách thu gọn phạm vi, chuyển sang thị trường ngách, tập trung vào xu hướng mới như máy ảnh không gương lật.
Những công ty như Canon cũng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đặt cược vào một tương lai công nghệ lớn hơn - xe tự lái. Ngay sau khi tin tức đóng cửa nhà máy ở Chu Hải xuất hiện, Canon thông báo đã ký một bản ghi nhớ hợp tác với công ty xe tự hành Tier IV để cùng phát triển công nghệ tự lái cấp độ L4 và các sản phẩm camera liên quan.
Tương tự, từ 2018, Nikon đã đầu tư 25 triệu USD vào Velodyne Lidar để phát triển cảm biến và máy quét, đồng thời dự kiến tham gia vào lĩnh vực xe tự hành. Năm ngoái, nhà sản xuất hệ thống cảm biến Aeva cũng thông báo hợp tác cùng Nikon.
Dù nhu cầu chuyển đổi không mạnh như Canon và Nikon, Sony cũng đang gia nhập đường đua tự lái. Theo The Verge, Sony là một trong những gian hàng gây bất ngờ nhất tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2022 đầu tháng 1 ở Las Vegas khi trình làng mẫu xe điện concept Vision-S. Kenichiro Yoshida, Giám đốc điều hành Sony, thông báo công ty sẽ thành lập bộ phận về xe điện vào mùa xuân năm nay.
Ý kiến ()