Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:39 (GMT +7)
“Kỷ luật và Đồng tâm” - Sức mạnh công nhân Vùng mỏ
Thứ 7, 11/11/2023 | 07:34:27 [GMT +7] A A
Cách đây 87 năm, sự kiện lịch sử cuộc Tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ với tinh thần đoàn kết “Kỷ luật và Đồng tâm”, dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp và tay sai đã giành thắng lợi vang dội. Ngày 12/11/1936 đã viết lên trang sử chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thợ mỏ Việt Nam đã đi vào lịch sử và trở thành ngày Truyền thống của công nhân mỏ - Truyền thống ngành Than. Suốt 87 năm qua, ngọn lửa truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” trở thành sức mạnh tinh thần vô giá được lớp lớp thế hệ thợ mỏ tiếp tục phát huy, đoàn kết, đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, ngành Than là ngành kinh tế “gương mẫu” như lời Bác Hồ căn dặn...
Ngọn cờ hồng “Kỷ luật và Đồng tâm”
Vùng mỏ Quảng Ninh - cái nôi phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm” đã giành thắng lợi trong cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ vào đêm ngày 12/11/1936. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người thợ mỏ và nhân dân Vùng mỏ.
Cũng từ đây, khẩu hiệu của cuộc Tổng bãi công “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng” đã trở thành cương lĩnh hành động, là mệnh lệnh cho đội ngũ công nhân Vùng mỏ trong suốt chặng đường đi theo Đảng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngược dòng thời gian, sau sự kiện 12/11/1936, đội ngũ và phong trào công nhân Vùng mỏ không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Cùng với nhân dân cả nước, giai cấp công nhân Vùng mỏ với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Sau năm 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy khí thế cách mạng của cao trào 1936-1939, giai cấp công nhân Vùng mỏ đã cùng với nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng.
Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ cũng được phát huy mạnh mẽ trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và những khẩu hiệu: “Trận địa là nhà, Vùng mỏ là quê hương”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”... góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Vùng mỏ và ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cha anh, đẩy mạnh lao động sản xuất phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Trưởng thành từ người công nhân mỏ Quảng Ninh, có mối đồng cảm sâu sắc với người lao động, đặc biệt là những người thợ mỏ, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ: “Nghề mỏ là nghề công nghiệp đặc biệt. Chính môi trường làm việc khắc nghiệt, nhiều rủi ro hơn bất cứ ngành nghề nào khác đã rèn giũa tinh thần kỷ luật đặc biệt của con người Vùng mỏ. Từ người lãnh đạo với thợ, thợ với thợ, dây chuyền này với dây chuyền khác phải có sự liên kết, mối quan hệ mật thiết với nhau nên đòi hỏi ý thức kỷ luật cao, hình thành bản chất giai cấp công nhân. Vì vậy đòi hỏi ý thức tổ chức "Kỷ luật và Đồng tâm" rất cao và tất cả phải tuân thủ nguyên tắc, quy trình, quy phạm mới làm việc qua đó xây dựng được mối quan hệ đồng tâm và kỷ luật. Mỗi lần nhắc đến 4 chữ vàng truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” lớp lớp thế hệ mỏ đều thấy tự hào coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa người thợ mỏ, cũng là của người dân đất mỏ. Truyền thống đó chắc chắn sẽ được lớp lớp thế hệ thợ mỏ theo sau gìn giữ, hun đúc, phát huy hiệu quả”.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh, cho biết: Quá trình xây dựng và phát triển 87 năm qua của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam là minh chứng sinh động cho thấy mọi thắng lợi đều bắt nguồn từ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Thực tế cũng đồng thời chứng minh “Kỷ luật và Đồng tâm” là biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần “thép” vững chắc và là động lực then chốt để cán bộ, công nhân ngành Than tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng xây dựng ngành Than và tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ.
Nhân lên sức mạnh
Nói đến sự phát triển của Quảng Ninh không thể không nói đến ngành Than và ngược lại. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh và ngành Than luôn gắn bó mật thiết "tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa người thợ mỏ, cũng là của người dân Đất mỏ
Đến nay truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn là sức mạnh tinh thần vô giá, bắt nguồn cho mọi thắng lợi; là biểu tượng để các thế hệ người Quảng Ninh nói chung viết tiếp những trang sử tự hào. Đặc biệt với các thế hệ thợ mỏ luôn giữ vững ý chí kiên cường, đã và đang ngày đêm cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của ngành Than của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương “chị Hai năm tấn” - Thái Bình, năm 2007 tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ địa chất, anh Tô Đức Vương đã quyết định nối nghiệp nghề của bố về làm việc tại Công ty CP Than Hà Lầm. Trong suốt 16 năm gắn bó với nghề khai thác than trực tiếp trong hầm lò, anh Vương hiểu rất rõ sự vất vả của thợ mỏ. Để khai thác trực tiếp ra những tấn than mất rất nhiều công đoạn, tiềm ẩn rủi ro. Không chỉ vậy, mỏ Than Hà Lầm ngày càng xuống sâu mức -300 mét yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao, nhiều công nghệ mới được đưa vào dây chuyền khai thác. Dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách song ở bất cứ vị trí, nhiệm vụ nào anh và đồng đội đều đoàn kết nỗ lực vượt qua. Đầu năm 2016, anh Tô Đức Vương được Công ty tín nhiệm giao đảm nhận làm Phó Quản đốc Công trường cơ giới hóa khai thác 1 lò chợ 1,2 triệu tấn than.
Anh Tô Đức Vương chia sẻ: Công việc thợ mỏ khá vất vả nhưng chúng tôi được làm việc trong môi trường có tính tổ chức, kỷ luật cao, mọi người đều có cơ hội điều kiện rèn luyện, phấn đấu trưởng thành. Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, trong quá trình làm việc, chúng tôi thường xuyên quan tâm hỗ trợ lẫn nhau, tạo dựng một tập thể đoàn kết theo phương châm “thợ bậc cao kèm cặp thợ mới vào”. Bước vào mỗi ca sản xuất mọi người đều đặt công tác an toàn lên hàng đầu với khẩu hiệu “an toàn là thứ nhất, sản xuất là thứ hai” gắn với tập thể, cá nhân trong tổ. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng sáng kiến cải tiến hợp lý hoá sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Nhờ đó, đơn vị luôn giữ vững an toàn lao động, hoàn thành sản lượng Công ty giao. Riêng 10 tháng năm 2023, Công trường đã khai thác được hơn 620.000 tấn than, dự kiến cả năm đạt trên 750.000 tấn than. Trong đơn vị nhiều công nhân đạt mức thu nhập cao, được vinh danh là “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”.
Giống như anh Tô Đức Vương hàng vạn thợ mỏ khác vẫn đang miệt mài ngày đêm giữ vững ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, viết tiếp truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đặc biệt 87 năm qua, dù trải qua các giai đoạn lịch sử, quá trình xây dựng, phát triển, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước; không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực. Đây chính là tiền đề để Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước, thành trung tâm đổi mới của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc.
Giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm TKV khai thác và tiêu thụ khoảng 39-42 triệu tấn than nguyên khai đáp ứng nhu cầu cung cấp than phục vụ cho các ngành nghề kinh tế. TKV đã nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 86.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh. Năm 2022, TKV nộp ngân sách nhà nước 21.300 tỷ đồng, trong đó nộp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 16.300 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2023, TKV nộp ngân sách nhà nước hơn 23.000 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm, trong đó nộp ngân sách tại Quảng Ninh đạt hơn 14.100 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch năm. Đặc biệt, TKV đang ổn định việc làm, thu nhập cho gần 80.000 công nhân Vùng mỏ với mức thu nhập bình quân hiện nay đạt trên 14 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết: Xuyên suốt chặng đường phát triển ngành Than mọi sự thành công đều bắt nguồn từ bài học truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đây là sợi chỉ đỏ kết nối tinh thần đoàn kết của công nhân vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Để tiếp tục phát huy truyền thống đó, thời gian tới ngành Than sẽ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa vào sản xuất. Đồng thời tập trung công tác an toàn, môi trường Vùng mỏ được đảm bảo, sản lượng than khai thác tăng nhanh, sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()