Tất cả chuyên mục

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII, đúng 15h30', ngày 12/7, dưới sự điều hành của đoàn Chủ tọa, các đại biểu đã tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Báo Quảng Ninh thông tin trực tiếp về phiên thảo luận.
![]() |
* Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý triệt để những hành vi vi phạm
16h40' - Đồng chí Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN TX Đông Triều, Tổ đại biểu TX Đông Triều: Tham luận về các giải pháp nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”.
![]() |
Đồng chí Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN TX Đông Triều, Tổ đại biểu TX Đông Triều: Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý triệt để những hành vi vi phạm. |
Trên tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, bám sát theo chủ đề công tác năm của tỉnh, TX Đông Triều đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp sáng tạo. Công tác bảo vệ môi trường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Từ những kinh nghiệm, giải pháp của địa phương, đồng chí đề xuất một số nội dung để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường: Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân; đưa tiêu chí môi trường vào bình xét gia đình, khu dân cư, cơ quan đơn vị văn hóa.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Xác định rõ trách nhiệm quản lý, giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường của chính quyền cơ sở mà trước tiên là việc phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, có cơ chế thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình tự xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải... Đồng thời, thực hiện xử lý theo quan điểm người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền, công bố công khai các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị có hành vi gây ô nhiễm môi trường nhằm tạo sức ép dư luận; tăng cường vai trò giám sát của các đoàn thể và nhân dân, cộng đồng đối với việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chú trọng quan tâm hạn chế các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, tiến hành thẩm định, đánh giá tác động của dự án đến môi trường và kiên quyết không cấp phép các dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, dự án đầu tư và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động của môi trường của những dự án...
* Khối lượng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại huyện Ba Chẽ đạt thấp
16h30' - Đại biểu Lê Minh Hải, Bí thư Huyện ủy, Tổ Ba Chẽ phát biểu khẳng định: Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2020, huyện Ba Chẽ cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết. Trước tiên phải khẳng định rằng Đề án 196 của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cách làm riêng, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, việc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc Đề án 196) trên địa bàn huyện Ba Chẽ 6 tháng đầu năm 2018 hiện đạt thấp, huyện mới triển khai thực hiện được 22 dự án với 611 hộ tham gia thực hiện, tổng vốn thực hiện 6.000/9.380 triệu đồng, đạt 64% KH vốn giao.
![]() |
Đại biểu Lê Minh Hải, Tổ Ba Chẽ phát biểu tại Hội trường. |
Do đó việc ban hành và triển khai Nghị quyết là đúng đắn, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích người dân phát triển sản xuất phù hợp với quy hoạch. Qua đó, hỗ trợ nhân dân giảm nghèo bền vững, tạo nền tàng vững chắc đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 theo lộ trình.
Đối với Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 183/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 “Về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ở các xã trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh”, đại biểu đánh giá là cần thiết và hợp lí.
Đại biểu khẳng định: Huyện Ba Chẽ sẽ sớm đưa các Nghị quyết vào cuộc sống sau khi được thông qua, phát huy tính ưu việt, triển khai và vận dụng linh hoạt các chính sách nói chung với huyện để nhân dân cử tri, ngày càng có thêm niềm tin, đồng thuận xây dựng, phát triển địa phương.
* Cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những đơn vị để nợ đọng bảo hiểm xã hội
16h25' - Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, đã nêu thực trạng vấn đề về nợ đọng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp hiện nay rất cần được quan tâm. Tính đến ngày 31/5/2018, toàn tỉnh có 904 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền nợ lên tới 120,8 tỷ đồng. Qua đó, đại biểu đề nghị tỉnh cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những đơn vị để nợ đọng bảo hiểm xã hội.
![]() |
Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, đã nên thực trạng vấn đề về nợ đọng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp hiện nay rất cần được quan tâm. |
Đại biểu nêu rõ, việc đầu tư cao tốc Hạ Long Vân Đồn được cử tri rất đồng tình, tuy nhiên cử tri trên địa bàn cũng đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo nhà đầu tư sớm đầu tư các tuyến đường gom, khôi phục đường dân sinh, đường phục vụ sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt hằng ngày.
Đối với vấn đề nhu cầu nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đại biểu đề nghị tỉnh cần có những giải pháp ưu tiên để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động để thúc đẩy, thu hút lao động trong và ngoài tỉnh khi làm việc trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hoá công nhân để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Đại biểu cũng nêu rõ, trên địa bàn TX Quảng Yên nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trùng vào quy hoạch các dự án. Đề nghị các dự án cần thông báo công khai lộ trình, quy hoạch để người dân nắm bắt xây dựng phương án sản xuất cho phù hợp.
* Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn mang đẳng cấp quốc tế
16h20' - Đồng chí Trần Đức Lâm, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hạ Long, Tổ đại biểu Hạ Long, cơ bản nhất trí với các nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Thay mặt Tổ đại biểu Hạ Long, đồng chí đánh giá cao những chuyển biến tích cực, rõ nét mà tỉnh đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018; bày tỏ sự tin tưởng về những việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Đồng chí đề nghị: Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo để tích cực triển khai các giải pháp, lộ trình phù hợp để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Trong đó, chú trọng các giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn. Bên cạnh đó, phải tích cực tuyên truyền, quảng bá các điểm đến mang thương hiệu Quảng Ninh, tạo ra các cơ hội tiềm năng để thu hút du khách trong nước và thế giới. Ngay từ bây giờ, đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch để đạt hiệu quả cao nhất cho 6 tháng cuối năm 2018, đặc biệt là tiếp tục quan tâm quảng bá các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn mang đẳng cấp quốc tế.
![]() |
Đại biểu Trần Đức Lâm, Tổ đại biểu Hạ Long, cơ bản nhất trí với các nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. |
Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh cần chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2018 “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”; tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cần chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục thực hiện đối thoại với người dân, chỉ đạo giải quyết các đơn thư khiếu nại kéo dài nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên xã hội.
* Đánh giá hiệu quả của dự án xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và các địa phương
16h15' - Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ đại biểu Đầm Hà, bày tỏ đồng tình, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm. Về kết quả cụ thể, kinh tế tăng trưởng mạnh, đúng hướng. Các chương trình xây dựng nông thôn mới, 135, 196 được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai. Đến nay đã có thêm 2 xã và 34 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; có 50/111 xã đạt chuẩn NTM.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ đại biểu Đầm Hà, bày tỏ đồng tình, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm. |
Cùng với đó các hoạt động du lịch, lễ hội diễn ra sôi động; nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch được triển khai; nhiều sản phẩm du lịch, điểm du lịch mới được đầu tư và đưa vào khai thác, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng được sức hấp dẫn, lưu giữ được du khách dài ngày hơn.
Tỉnh cũng quyết liệt triển khai các giải pháp giảm nghèo như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất… Nhờ đó đến nay tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 2,25% năm 2017 xuống còn 1,95% năm 2018. Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự ATXH được giữ vững. Nổi bật, thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai đạt nhiều kết quả.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đề nghị: Đối với điều kiện và các nghị quyết của tỉnh về xây dựng thành phố Hạ Long trở thành đô thị thông minh, đại biểu đề xuất tỉnh nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của dự án xây dựng chính quyền điện tử để triển khai Trung tâm Dữ liệu lớn “Big Data” quản lý xã hội được tốt hơn. Đồng thời tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh và các địa phương, góp phần giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, người dân.
Về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đại biểu đề nghị tỉnh chọn các huyện miền đông có điều kiện tự nhiên khá tương đồng, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng, có nhiều sản phẩm OCOP từ nông nghiệp mà chưa có cơ hội quảng bá, giới thiệu để ban hành cơ chế đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Vì với các địa phương vùng sâu, vùng xa nếu không có nguồn lực đầu tư ban đầu của Nhà nước thì sẽ khó có cơ hội thu hút đầu tư phát triển du lịch.
* Phát triển kinh tế biển đồng bộ, bài bản; tập trung sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu kinh tế…
15h58’- Đồng chí Trần Văn Lâm, Tổ đại biểu Uông Bí, bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các báo cáo, tờ trình được thông qua tại kỳ họp. Việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT-XH đề ra cho cả năm 2018 và cả nhiệm kỳ cũng còn nhiều thử thách, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị là hoàn toàn có thể thực hiện được. Cụ thể như phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho cả nhiệm kỳ là 11-12% là hoàn toàn có cơ sở vì 6 tháng đầu năm tỉnh đã đạt được 10,16%. Hơn nữa, các ngành kinh tế đang trên đà phục hồi, mạnh nhất là ngành Than; số thu ngân sách tăng cao; vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng mạnh và tỉnh đang có nhiều tiềm năng như các nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư… Để giải bài toán về tăng trưởng, đồng chí đề nghị cần phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế mà dư địa còn lớn, như: Nghiên cứu để chiến lược phát triển kinh tế biển nói chung và hệ thống dịch vụ cảng biên nói riêng một cách đồng bộ, bài bản hơn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, nghiên cứu để sớm đầu tư hạ tầng kết nối giữa các thành phố…
![]() |
Đại biểu Trần Văn Lâm, Tổ đại biểu Uông Bí: Phát triển kinh tế biển đồng bộ, bài bản; tập trung sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu kinh tế… |
Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp quyết liệt nhằm phấn đấu nâng tỷ trọng khu dịch vụ từ 48-49%, đến năm 2020, bởi đến nay đã đạt 42%, như: Tăng cường việc quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch, xây dựng phát triển du lịch cao cấp tại các khu trung tâm đô thị lớn, mở rộng đa dạng hóa các hoạt động du lịch…
Thêm nữa, cần phải nghiên cứu để các thành phố sớm triển khai xây dựng thành phố thông minh; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT và trung tâm điều hành thông minh.
* Chỉ đạo, điều hành của một số sở ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt
15h55’ - Đại biểu Bùi Thị Thu Hà, tổ Hoành Bồ, phát biểu tại hội trường bày tỏ quan điểm sự chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, đại biểu nhấn mạnh công tác chỉ đạo, điều hành của một số sở ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm… trên cơ sở này đại biểu đề nghị tỉnh cần có đánh giá cụ thể hơn tới từng nội dung, từng địa chỉ và cần thiết phải đưa ra những nguyên nhân liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục có biện pháp siết chặt hơn về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.
![]() |
Đại biểu cũng đồng tình với 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2018. Để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đại biểu đề xuất một số giải pháp: Các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm các yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tỉnh sớm thực hiện lộ trình di chuyển các nhà máy như vôi, xi măng ở gần khu vực đô thị. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 279 để nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực cũng như tạo điều kiện để huyện Hoành Bồ phát huy được tiềm năng lợi thế trong gắn kết các tiểu vùng đô thị Hạ Long – Cẩm Phả - Hoành Bồ.
* Giải pháp cơ bản đưa các xã đạt chuẩn NTM
15h50'- Đồng chí Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, Tổ đại biểu Đông Triều, trình bày giải pháp cơ bản đưa các xã đạt chuẩn NTM.
Năm 2017, Quảng Ninh có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 50/111 xã, đạt 45%. Như vậy, toàn tỉnh cần phấn đấu ít nhất đưa 39 xã đạt chuẩn NTM trong 3 năm 2018-2020 để đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Đồng thời Quảng Ninh vừa được Trung ương đưa về tham gia cụm thi đua khu vực Đồng bằng sông Hồng, nên các tiêu chí cần cao hơn, đặc biệt về thu nhập. Năm 2018, theo lộ trình tỉnh đề ra có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM , song toàn tỉnh đến nay có đăng ký 22 xã đạt chuẩn NTM bằng 182% kế hoạch điển hình như các địa phương Móng Cái, Hải Hà... Tuy nhiên, qua khảo sát, bình quân 22 xã chỉ đạt 15,13/20 tiêu chí, có 8 xã mới đạt 14 tiêu chí.
![]() |
Đại biểu Vũ Thành Long, Tổ đại biểu Đông Triều, tham luận giải pháp cơ bản đưa các xã đạt chuẩn NTM. |
Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp đã nêu trong Kế hoạch 20/KH-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, trọng tâm cần tập trung vào các giải pháp: Rà soát, điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ xây dựng NTM nói chung và nhiệm vụ đưa 22 xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM nói riêng. Thống nhất tư tưởng hành động, quyết tâm chính trị, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo để kiểm điểm thường xuyên các chỉ tiêu, tiến độ thực hiện. Tiếp tục tăng cường đa dạng hóa các nguồn vốn huy động xây dựng NTM, lồng ghép các nguồn hỗ trợ từ chương trình 135, Đề án 196, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp... để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua cả nước xây dựng NTM, chú trọng phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, sản phẩm Ocop nâng cao thu nhập cho nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa... Chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị một cách hợp lý. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao theo hướng NTM kiểu mẫu với mục tiêu lấy lợi ích của người dân là đích hướng tới.
* Tăng cường bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than, nhiệt điện, xi măng, kim loại màu… trên địa bàn
15h40' - Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Tư, Tổ đại biểu Cẩm Phả, cho biết: Trên địa bàn TP Cẩm Phả hiện có 25 đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và 13 đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đông Bắc, 7 đơn vị khai thác đá, khoáng sản…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị vẫn chưa lập và triển khai thực hiện các quy hoạch về khai thác; việc đổ thải của một số doanh nghiệp còn chưa có ranh giới rõ ràng. Một số khu vực đổ thải chưa hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Một số đơn vị chưa thực hiện quy hoạch xây dựng kho than. Tại các khu vực đổ thải chưa có biện pháp chống bụi hiệu quả... do vậy đã làm phát tán bụi ra môi trường, ảnh hưởng đến môi trường nhất là khu dân cư.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hữu Tư, Tổ đại biểu Cẩm Phả: Cần tăng cường bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than, nhiệt điện, xi măng, kim loại màu… trên địa bàn. |
Để đảm bảo môi trường trên địa bàn, đại biểu Tư, đề nghị TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, khai thác khoáng sản; thực hiện nghiêm chỉnh quy trình đổ thải theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đầu tư lắp đặt hệ thống quan chắc về môi trường tự động tại các điểm sản xuất gần khu dân cư; tăng cường các giải pháp đồng bộ về đầu tư, vận hành , quản lý, giám sát để giảm thiểu lượng bụi phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư. Đối với các kho than gần khu dân cư phải có biện pháp hệ thống bạt che chắn, nghiên cứu lắp đặt hệ thống chống bụi phát tán ra môi trường; thực hiện nghiêm tiến độ, chất lượng công tác cải tạo môi trường…
![]() |
Các đại biểu tập trung cho phiên thảo luận tại hội trường. |
Đại biểu Nguyễn Hữu Tư cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than, nhiệt điện, xi măng, kim loại màu… trên địa bàn. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
![]() |
Các đại biểu dự phiên thảo luận. |
Nhóm PV
Ý kiến ()