Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:16 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5: 99,8% kiến nghị của cử tri được giải quyết và trả lời
Thứ 2, 22/05/2023 | 14:40:25 [GMT +7] A A
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Sáng 22/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ông Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.
Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh, đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị, đạt 99,9%. Nhìn chung, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời rõ ràng, cụ thể, được cử tri và nhân dân đồng tình.
Đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết được, các bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.
Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị; tập trung trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
Về một số hạn chế, Trưởng ban Dân nguyện nêu rõ: Việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định.
Đối với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay, kiến nghị cử tri vẫn chưa được giải quyết.
Một số kiến nghị cử tri đã được các bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.
Bên cạnh đó, một số kiến nghị cử tri chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hoặc giữa bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ.
Đáng chú ý, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện.
Các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp theo quy định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đảm bảo đúng lộ trình để báo cáo với cử tri./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()