Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:59 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Lý luận Trung ương
Thứ 3, 29/03/2022 | 16:43:42 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa năm 2022, ngày 29/3, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 3 tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tư vấn một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Báo cáo tư vấn một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể để góp phần phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII).
Chủ trì Kỳ họp gồm các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 3 diễn ra tại Quảng Ninh - tỉnh địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, một cực tăng trưởng kinh tế, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nước ta trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là Kỳ họp tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng để các thành viên Hội đồng có điều kiện nghiên cứu, hiểu sâu đời sống thực tiễn của đất nước.
Nhấn mạnh và gợi mở một số nội dung quan trọng cần tập trung thảo luận, đồng chí yêu cầu, đối với Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, cần tập trung vào các vấn đề: Một số kết quả nổi bật qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quan điểm, giải pháp chủ yếu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; kiến nghị về việc cần xây dựng Nghị quyết Trung ương mới thay thế Nghị quyết 26-NQ/TW để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đối với Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, cần tập trung đánh giá khái quát kết quả nổi bật và những vấn đề lý luận - thực tiễn đặt ra qua 20 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; định hướng và giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh mới; các kiến nghị đặt ra sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Phát biểu chào mừng Kỳ họp và khái quát những nét phát triển của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện Thông báo 108 của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương, trên nền tảng các giá trị tốt đẹp được trao truyền từ các thế hệ đi trước, tỉnh Quảng Ninh bằng tinh thần tự lực tự cường, phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám tạo đột phá từ chính nội lực của mình theo phương châm nội lực là căn bản và ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực để tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, tới nay, Quảng Ninh đã trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, một trong những khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế. Vị thế, uy tín của Quảng Ninh được nâng cao.
Cũng trong 2 năm qua, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, Quảng Ninh là một trong những điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021), chủ động chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn và giành được những kết quả tích cực bước đầu, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm tính tập trung cao, đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, đủ sức lôi kéo, dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước; giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu về các chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo hành lang phát triển mới; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, hiện nay tỉnh đang tập trung thực hiện các hạ tầng chiến lược cho giai đoạn mới trên tinh thần tổ chức lại không gian phát triển, đi tìm các động lực mới từ đất đai, tài nguyên, thiên nhiên bằng cách kiến tạo các hành lang giao thông mới cả tuyến phía Đông và phía Tây, tạo sự liên thông tổng thể kết nối giao thông liên vùng, nội vùng, đồng bộ, hiện đại gắn với các đại đô thị.
Đối diện với thách thức về chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo trong tỉnh, tỉnh đã quan tâm ban hành các chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội cho các địa bàn vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số, tập trung vào hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu việc làm, nâng cao thu nhập; xây dựng văn hóa giàu bản sắc gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, gắn chặt quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; lấy người nông dân làm trung tâm để nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đồng chí tin tưởng, qua các ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Lý luận Trung ương cùng với tình hình thực tiễn tại địa phương, Quảng Ninh sẽ có những góc nhìn mới, tầm nhìn mới để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân cũng như tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại Kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tập trung trí tuệ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Các ý kiến đã phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh mới.
Kết luận Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá cao ý kiến tham gia rất nghiêm túc, trách nhiệm cao, trí tuệ của các đại biểu vào các dự thảo báo cáo tư vấn của Hội đồng. Các nội dung này sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh để góp phần phục vụ chuẩn bị Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII), qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()