Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:04 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh quyết nghị dành 458 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh
Thứ 4, 31/08/2022 | 13:30:00 [GMT +7] A A
Sau 1/2 ngày làm việc sôi nổi, tích cực trao đổi, thảo luận, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua 5 nghị quyết với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Đáng chú ý là Nghị quyết về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023. Đây là năm học thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh có chính sách này, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.
Thảo luận về các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, thể hiện sự nghiên cứu kỹ các tờ trình, dự thảo nghị quyết, tài liệu kỳ họp. Trong đó, nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm học 2022 – 2023 nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng: Đây là chủ trương có ý nghĩa rất lớn, sẽ tạo thêm động lực, cổ vũ thầy và trò toàn tỉnh vươn lên thi đua “dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Với dự kiến số lượng học sinh được hưởng chính sách là 225.374 người, kinh phí dự kiến khoảng 458 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ các em học sinh trước thềm năm học mới và chia sẻ, giảm bớt khó khăn với đời sống nhân dân sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo rất lớn của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và góp phần thực hiện các khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định là “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số và xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”.
Đối với tờ trình, dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (giai đoạn 1), các đại biểu khẳng định: Việc ưu tiên dành nguồn lực đầu tư dự án này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với KCN Bắc Tiền Phong theo quy hoạch để tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong, KCN Đầm Nhà Mạc dự kiến hình thành trong tương lai và KKT ven biển Quảng Yên. Qua đó sẽ khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tiềm năng trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
Liên quan đến một số nội dung về đầu tư công, các đại biểu HĐND tỉnh đều bày tỏ sự băn khoăn về 7 công trình, dự án động lực đã được ban hành chủ trương đầu tư song đến nay vẫn chưa có dự án nào khởi công, trong đó có 2 dự án được xác định là công trình trọng điểm chào mừng 60 năm thành lập tỉnh là dự án Bệnh viện Phổi Quảng Ninh và dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1). Riêng dự án đường ven sông tại kỳ họp này tiếp tục đề nghị điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp so với cùng kỳ. Theo số liệu tại báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách, đến hết ngày 26/8/2022, giá trị giải ngân xây dựng cơ bản đạt 38,4% kế hoạch vốn (cùng kỳ 50%). Kết quả trên cho thấy nhiều khả năng đầu tư công không đạt mục tiêu đề ra nếu công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn vẫn tiếp tục chậm như hiện nay, sẽ gây áp lực lớn cho công tác giải ngân vào những tháng cuối năm, gây ảnh hưởng đến chất lượng giải ngân và tiềm ẩn nguy cơ chiếm dụng vốn. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần có kế hoạch cụ thể và giải pháp căn cơ hơn nữa để đảm bảo yêu cầu cũng như hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ sử dụng vốn tạm ứng và giảm tình trạng chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước.
Sau phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện quy trình miễn nhiệm bà Phạm Thị Hồng Hạnh thôi giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Pháp chế khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 do nhận nhiệm vụ khác. Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Kết quả, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận được 100% phiếu tín nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh có mặt.
Thống nhất với các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và các báo cáo trình tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết, thống nhất 100% thông qua 5 Nghị quyết: Nghị quyết về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm học 2022 – 2023; Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (giai đoạn 1); Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026; Nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử bổ sung Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Để các nghị quyết của kỳ họp lần này cũng như các nghị quyết mà HĐNĐ đã quyết nghị còn hiệu lực đi vào cuộc sống, nhất là các nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đầu tư công... Ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết, để các chủ trương, chính sách thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, phòng, chống tiêu cực, lãng phí phải được coi là cấp bách từ nay đến cuối năm 2022. Bởi tỷ lệ giải ngân tính đến 26/8 mới đạt 38,4%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ và các dự án khởi công mới năm nay vẫn “án binh bất động”.
Thực hiện nhiệm vụ này, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư trong triển khai quyết liệt các giải pháp tăng tỷ lệ nguồn vốn đầu tư công gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án, đảm bảo tiến độ đến 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án chậm triển khai, không đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo chung cho các công trình, dự án có chất lượng chuẩn bị đầu tư tốt hơn, đang có nhu cầu vốn, có tiến độ giải ngân tốt hơn và có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả. Đặc biệt quan tâm tới các dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 304/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các dự án dự kiến gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trên tất cả các kênh để góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư công; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong ban quản lý các dự án và các đơn vị quản lý; coi kết quả giải ngân, tiến độ hoàn thành và hiệu quả đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Nghiêm túc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, các dự án có sử dụng đất để xác định đúng, đủ nghĩa vụ tài chính, không để lãng phí, thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí đất đai. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách gắn trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ngân sách.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ổn định đời sống nhân dân, chống tái nghèo, nâng cao chất lượng tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vì chất lượng cuộc sống của nhân dân; kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Chuẩn bị thật tốt cho ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và khai giảng năm học mới; tổ chức tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho tất cả các đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 3 cho 100% trẻ em có chỉ định tiêm từ 12 tuổi đến 18 tuổi bảo đảm tuyệt đối an toàn trước khi bước vào năm học mới. Ngành Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt, đổi mới căn bản, toàn diện; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông, khắc phục hạn chế, yếu kém; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập chất lượng cao ở khu vực đô thị.
Phải giữ vững thành quả phòng chống dịch; thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân. Sẵn sàng phương án đối phó thắng lợi với mọi tình huống và không để dịch tái bùng phát; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là trước các diễn biến mới của dịch bệnh.
Tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022, phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đã đề ra.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()