Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:44 (GMT +7)
Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch, đầu tư và đấu thầu
Thứ 4, 30/10/2024 | 22:42:32 [GMT +7] A A
Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, cho rằng việc xây dựng Luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong 4 lĩnh vực này.
Thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư là cần thiết
Góp ý nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn thành phố Cần Thơ) quan tâm đến nội dung về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Theo đó, dự thảo 1 luật sửa 4 luật quy định: Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư là Quỹ quốc gia được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ. Quỹ trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập và theo các quy định riêng về tổ chức và cơ chế hoạt động do Chính phủ quy định.
Đại biểu Hùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 và trong Nghị quyết Kỳ họp, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu để ổn định môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo 1 luật sửa 4 luật quy định chưa rõ địa vị pháp lý của Quỹ. “Dù giao Chính phủ nhưng nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì sao? Cơ chế hoạt động đang quy định ở mức nguyên tắc, nếu quy định rõ hơn thì tốt hơn”.
Cũng ủng hộ đề xuất về Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) cho rằng, việc hình thành Quỹ này là hết sức cần thiết để giữ chân các nhà đầu tư chiến lược đã đầu tư vào Việt Nam và mời gọi các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.
“Các doanh nghiệp đi đâu cũng rất chú trọng ưu đãi đầu tư. Ưu đãi đầu tư cũng là tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp FDI và tranh thủ tiếp nhận khoa học công nghệ, phát triển đất nước”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Khẳng định Quỹ Hỗ trợ đầu tư là rất cần thiết, đại biểu đề nghị quy định cụ thể cơ chế hoạt động Quỹ này và đặc biệt cơ chế chi tiêu của Quỹ phải thực sự nhanh để tận dụng được cơ hội thu hút, mời gọi đầu tư.
Không nên quy định chi tiết các dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt
Một điểm mới đáng chú ý khác khi sửa Luật Đầu tư lần này đó là Chính phủ đề xuất áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
Các dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt gồm: dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng.
Dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Với dự án này, nhà đầu tư cũng không phải lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nhưng phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Dự án đầu tư có cấu phần xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng, không phải lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ nhất trí cao với việc thiết kế thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án và thu hút nhà đầu tư, hơn nữa cơ chế này đã nằm trong chuỗi các Nghị quyết đặc thù cho một số địa phương.
Song, đại biểu đoàn thành phố Cần Thơ băn khoăn về các quy định trong dự thảo. “Chúng ta đang đổi mới tư duy làm luật, luật quy định khung, nguyên tắc, nhưng ở đây chúng ta đang liệt kê những lĩnh vực được hưởng ưu đãi đặc biệt. Đề nghị để Chính phủ quy định chi tiết các dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, do công nghệ biến đổi hằng ngày, còn luật chỉ quy định khung lĩnh vực áp dụng thủ tục này”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng góp ý.
Cũng liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này cần phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực của từng Ban Quản lý để bảo đảm khả năng thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung các chế tài rõ ràng về trách nhiệm của Ban Quản lý đối với các dự án có quy mô và tính chất phức tạp, nhằm bảo đảm tính minh bạch và tránh tình trạng buông lỏng quản lý.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()