Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:47 (GMT +7)
Kinh tế-xã hội cả nước 6 tháng: Nhiều điểm sáng, khởi sắc ấn tượng
Thứ 2, 04/07/2022 | 21:36:41 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, GDP quý 2 tăng 7,72%, đây cũng là tốc độ tăng cao nhất trong 11 năm qua, đưa 6 tháng đầu năm tăng 6,42% cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song với nhiều giải pháp đồng bộ, tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022 đã khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra.
GDP cao nhất 11 năm
Theo Bộ trưởng, GDP quý 2 tăng 7,72%, đây cũng là tốc độ tăng cao nhất trong 11 năm qua, đưa 6 tháng đầu năm tăng 6,42% cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Trong đó, 44/63 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 6% đã thể hiện tính đồng đều trong phục hồi của các địa phương.
Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%, trong đó các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện khó khăn, như thu ngân sách 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8%; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu trên 3,5 triệu tấn gạo; cung cấp đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu...
Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu nông sản 6 tháng đạt 28 tỷ USD.
“Trong quý 2, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 9,87%; Thương mại, dịch vụ là điểm sáng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,5% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 11,7%,” Bộ trưởng nói.
Một điểm sáng tiếp theo là vốn FDI thực hiện 6 tháng đạt trên 10 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 6 tháng là gần 117.000 doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp), tăng 25,4% so cùng kỳ.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh những kết quả trên đã phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế của đất nước những tháng đầu năm và tăng trưởng phục hồi rất mạnh mẽ.
Chỉ thêm nguyên nhân đạt tăng trưởng trên, ông Phương thông tin các mục tiêu, định hướng đề ra năm 2022 đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định và cơ quan chức năng xây dựng từ cuối năm 2021, nhằm tạo đà phục hồi trong năm 2022 và là nền tảng quan trọng để từ 2023 trở về sau quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững trước đây.
“Kết quả quý 2 và 6 tháng là kết quả tổng hòa các giải pháp đã được đề ra từ Kế hoạch trình Quốc hội từ năm ngoái, sau đó được cụ thể hóa bằng một loạt các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng,” ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, trong kết quả tổng hòa như vậy, các cấp thực hiện, như bộ, ngành, địa phương đã quán triệt tư tưởng phục hồi kinh tế-xã hội ngay từ đầu năm nên các hoạt động sản xuất-kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, quay trở lại hoạt động và không có cản trở nào về quy định hành chính liên quan đến giới hạn hoạt động của các thành phần kinh tế-xã hội.
Gỡ nút thắt để tăng tốc cuối năm
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu hai vấn đề lớn, nổi lên là giá cả (tác động của việc tăng giá dầu ảnh hưởng tới chi phí đầu vào, nguyên nhiên vật liệu, logistics…) khiến giá hàng hóa bán ra tăng lên để cân bằng lợi ích, từ đó làm sản xuất khó khăn hơn và như vậy tác động đến kế hoạch mở rộng sản xuất-kinh doanh và gián tiếp ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Ngoài ra, dù là vấn đề không mang tính dài hạn, song việc thiếu hụt tức thời trong ngắn hạn về lực lượng lao động trong các trung tâm động lực kinh tế, do một số người lao động chưa kịp quay trở lại hoặc chưa sẵn sàng trở lại làm việc từ nơi rất xa… do vậy dẫn tới việc một số doanh nghiệp thiếu lao động, việc này cần khởi động lại quá trình tuyển dụng lao động, kết nối cung cầu…
Để đạt được các mục tiêu cao nhất trong năm nay, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.
Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; trong đó tập trung sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Đặc biệt, bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm bảo đảm thị trường phát triển nhanh, bền vững. Quản lý chặt chẽ giá cả hàng hóa; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị quyết triển khai 5 dự án đường bộ cao tốc được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 (Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.)
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()