Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:07 (GMT +7)
Kinh tế Việt Nam: Vượt thách thức, nắm bắt cơ hội
Thứ 2, 06/11/2023 | 15:35:41 [GMT +7] A A
Bức tranh kinh tế đang sáng dần và nhiều kỳ vọng, quý IV năm 2023 và năm 2024, nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.
Đối diện với nhiều thách thức, năm 2023, một số tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% và vẫn còn nhiều yếu tố khó lường do biến động từ kinh tế toàn cầu như lạm phát, xung đột địa chính trị, sức cầu yếu...
Với vị trí thứ 3 về xuất khẩu dệt may trên thế giới, nhưng tình trạng thiếu hụt đơn hàng khiến doanh thu xuất khẩu 10 tháng của ngành dệt may chỉ đạt 33 tỷ USD, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn từ tháng 6, nhưng vẫn khá chậm.
"6 tháng cuối năm bắt đầu có dấu hiệu ấm dần nhưng vẫn rất chậm. Chúng tôi chỉ dám đặt tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay là 40 tỷ USD. Sang năm với đà này, thị trường đang ấm lên thì sẽ tốt hơn một chút nhưng không thể nói bùng nổ", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Với ngành có giá trị xuất khẩu trong nhóm dẫn đầu là gỗ, 10 tháng, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 10,8 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 gần 20%. Từ giữa tháng 8 đến nay, mỗi tháng, giá trị xuất khẩu tháng sau đã cao hơn tháng trước từ 3 - 5% và đến tháng 10, giá trị xuất khẩu đã chạm mốc cùng kỳ năm 2022. Đơn hàng bắt đầu quay trở lại, nhưng giá cả cạnh tranh hơn và mẫu mã cũng đòi hỏi đa dạng hơn.
"Năm 2024 có thể sẽ quay lại mức của năm 2022. Công tác xúc tiến thương mại sẽ chủ động hơn ở trong hội chợ trong nước cũng như nước ngoài. Các doanh nghiệp và hiệp hội sẽ tổ chức các nhóm chuyên gia về ngành hàng để có nghiên cứu chuyên sâu hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong phát triển sản phẩm cũng như tìm kênh marketing mới", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, cho biết.
Sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều thách thức. Tiêu dùng trong nước dù tăng nhưng vẫn chưa về mức trước dịch. Đầu tư tư nhân chậm lại khi 9 tháng chỉ tăng 2,3% so với mức tăng 15 - 17% giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, những điểm tích cực hơn trong bức tranh kinh tế chung khiến nhiều chuyên gia cho rằng đã qua thời điểm khó khăn nhất.
"Hai yếu tố là đầu tư công được giải ngân mạnh hơn và xuất khẩu hồi phục sẽ làm tăng trưởng quý IV tốt hơn. Thế nhưng dự đoán cho năm 2024, theo tôi nếu bất động sản yếu, nếu đầu tư tư nhân chưa phục hồi mạnh mẽ thì đầu tư công vẫn phải là động lực chính. Nếu như vậy, ở kịch bản đó, theo tôi tăng trưởng năm 2024 có thể đạt 6,7%", ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright, nhận định.
Trước đó, nhiều định chế tài chính đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho năm 2024 từ 6,3 - 7% trong bối cảnh các yếu tố bất ổn trên thị trường toàn cầu vẫn còn.
Các chuyên gia cho rằng rất cần có những hỗ trợ kéo dài hơn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, xây dựng hành lang pháp lý về kinh tế xanh, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường quốc tế là rất cần thiết để tạo đà tăng trưởng.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()