Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:52 (GMT +7)
Kinh tế Việt Nam vững vàng trước thách thức
Thứ 2, 11/04/2022 | 14:22:53 [GMT +7] A A
Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng nhiều báo chí và các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 6,5% và năm 2023 đạt 6,7%; trong đó sản lượng công nghiệp tăng 9,5%, nông nghiệp tăng 3,5%, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á công bố ngày 6/2. Kết quả từ chính sách thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, độ bao phủ vaccine, mở cửa du lịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Ngân hàng Thế giới cũng nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3% trong năm nay và sau đó sẽ ổn định quanh mức 6,5%; dịch vụ từng bước phục hồi, lượng khách quốc tế dự kiến khôi phục dần từ giữa năm 2022. Mặc dù vẫn còn các thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.
"Việt Nam là một ví dụ về thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong tận dụng sự thay đổi của thương mại toàn cầu. Việt Nam thực sự là một hình mẫu về thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, tôi hy vọng các bạn hãy tìm cách thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ. Đây là lĩnh vực có phạm vi rất lớn để phát triển, tăng cạnh tranh, tăng năng suất", ông Aaditya Mattoo, Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, đánh giá.
Trước đó, hãng đánh giá tín dụng Fitch cũng đã xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB với triển vọng "Tích cực", cho thấy tăng trưởng trung hạn của Việt Nam tiếp tục lạc quan. Fitch kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc từ mức 2,6% năm 2021 lên 6,1% năm 2022 và 6,3% vào năm 2023.
Các hoạt động sản xuất tiếp tục được chú trọng, thúc đẩy, du lịch bước đầu khởi sắc sau hơn nửa tháng mở cửa cho du khách quốc tế là những động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
"2022 hứa hẹn là một năm của sự tăng trưởng đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một vài thách thức trước mắt, đó là sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, sự cần thiết phải chú trọng vào chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng, cũng như phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng", ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, nhận định.
Để duy trì đà tăng trưởng, ứng phó thách thức, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung tìm ra các biện pháp để phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tạo thêm động lực cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()