Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:43 (GMT +7)
Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thứ 3, 05/04/2022 | 13:58:14 [GMT +7] A A
Kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nền kinh tế mở cửa và ổn định trong điều kiện “bình thường mới", tạo đà cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực
Tình hình kinh tế-xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; trong đó, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch. Kết thúc kỳ thống kê quý I/2022, Tổng cục Thống kê ghi nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1/2021 và 3,66% của quý I/2020…
“Tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý. Điều này cho thấy, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%. Khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 3,86% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I/2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23%, làm tăng 0,04 điểm phần trăm trong tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I/2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2022 như: hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước. Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%. Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan, địa phương đã đẩy nhanh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao. Đến ngày 25/3/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 82% số vốn kế hoạch được giao.
Mặc dù, với những kết quả “khởi sắc” đạt được trong quý I/2022, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ; làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong các năm 2022-2023.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo, tình hình kinh tế của cả nước sẽ tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Do đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trước hết, cần tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.
“Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng được Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra là các cấp, các ngành quyết tâm, quyết liệt hơn nữa triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, từ khi ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, đến nay, nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện, đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế. Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn một số chính sách mới được ban hành trong tuần trước như Quyết định 08/2022/QĐ của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đây là chính sách mới được ban hành và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cùng đó, hướng dẫn Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu; dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành Chính sách Xã hội cũng đã được trình Chính phủ.
Các nhiệm vụ triển khai thuộc Chương trình đều được các bộ ngành thực hiện hết sức tích cực, bám sát tiến độ yêu cầu của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cùng với đó, công tác giải ngân vốn chương trình phục hồi được thực hiện rất tích cực. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu các địa phương thực hiện phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong khôi phục nền kinh tế, thông qua tăng trưởng tín dụng là dấu hiệu tích cực trong khôi phục phát triển của các doanh nghiệp.
Thời điểm hết tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng khá tích cực với con số 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 2,3%. “Mức tăng như trên so với các năm trước là mức rất cao. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát”, ông Tú nhấn mạnh.
Cùng với các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Đặc biệt, các địa phương rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế. Cùng đó, đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Nhận định về triển vọng kinh tế thời gian tới, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, với việc tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.
Đối với tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, ông Lâm cũng cho rằng, có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, song trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao từ cuộc chiến kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trên tinh thần tôn trọng, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, các luật, quy định phải tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh nổi lên, những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu với tình hình. Bên cạnh đó, phải xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý.
“Ngoài ra, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, pháp luật phải bao quát được các đối tượng điều chỉnh, cố gắng tránh tình trạng bỏ trống, bỏ sót”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()