Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:55 (GMT +7)
Kinh tế Việt Nam cuối năm 2023 sẽ phát triển thế nào?
Thứ 5, 07/09/2023 | 09:51:58 [GMT +7] A A
Các chuyên gia tự tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tuy vậy cũng cảnh báo những khó khăn phải đối mặt.
Dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý IV/2023, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, kinh tế Việt Nam quý IV sẽ có sự phục hồi đáng kể.
Với đặc thù của nền kinh tế mở, Việt Nam chịu tác động nhiều trước những diễn biến trên thế giới bởi đó là thị trường xuất khẩu, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế. Trong khi nhiều thị trường truyền thống đang gặp khó khăn, Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường nội địa và tìm kiếm thị trường mới để hoạt động xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng. Các thị trường mới có thể kể đến như Trung Đông, Châu Phi.
“Chúng ta cần khai thác và tận dụng tối đa những lợi thế từ việc ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng rất quan trọng”, ông Doanh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích thêm, Việt Nam sở hữu nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp hiện là bệ đỡ an toàn của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm an ninh lượng thực, đời sống của người dân. Vì thế mà chỉ số giá cả, hàng tiêu dùng và lương thực được kiểm soát, không bị lạm phát gia tăng như nhiều nước trên thế giới.
Ông Doanh cũng nhấn mạnh vào việc phát triển thị trường nội địa, coi đó là giải pháp quan trọng tối ưu, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động.
Một vấn đề nữa, theo chuyên gia kinh tế là Việt Nam cần khuyến khích người dân lập thêm doanh nghiệp. “Mật độ doanh nghiệp/1000 người dân trên 18 tuổi của chúng ta hiện đang rất thấp, chỉ có 2,2 doanh nghiệp/1.000 dân trên 18 tuổi, trong khi đó con số này ở Mỹ là 84 doanh nghiệp. Muốn trở thành một nền kinh tế phát triển thì chúng ta cần phải có ít nhất 24 doanh nghiệp/1.000 dân trên 18 tuổi. Nhà nước Việt Nam cần khuyến khích người dân đầu tư thành lập doanh nghiệp. Muốn thế thì chính quyền cần hỗ trợ, công khai minh bạch. Các chi phí ngoài pháp luật phải được giảm bớt đáng kể”, chuyên gia khuyến cáo.
Cũng bày tỏ sự lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 4 tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực gồm tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu các mặt hàng thuộc thế mạnh như nông sản. Đây được xem là "cỗ xe tam mã" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Long phân tích: Trong ba động lực đó, nguồn cầu có ý nghĩa quan trọng nên Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu, kích cầu tăng trưởng. Vấn đề thứ hai cần chú trọng là cần có chính sách đẩy mạnh và tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Chính phủ cần tập trung toàn bộ sức lực, sử dụng hệ thống chính trị đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp để thực hiện.
Động lực tăng trưởng thứ ba là vấn đề xuất khẩu. Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hiệp định thương mại tự do FTA và tăng cường các dịch vụ du lịch quốc tế nhằm tạo ra nguồn thu cho đất nước.
Theo ông Ngô Trí Long, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả của các giải pháp này sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 và củng cố sự phục hồi sau thời gian khó khăn do đại dịch gây ra.
Mới đây, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ba kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.
Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022.
Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 5,64%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,43%; cán cân thương mại thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.
Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 3,66%; chỉ số CPI bình quân tăng 3,87%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản 3: Giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam.
Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46%; xuất khẩu giảm 2,17%; chỉ số CPI bình quân tăng 4,39%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
Cẩn trọng với nhiều khó khăn hiện hữu
Nhận định với VTC News, chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, những khó khăn từ kinh tế thế giới vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
"Tín hiệu lạc quan từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu hiện chưa có nhiều. Họ vẫn bị tác động mạnh từ lạm phát. Cục Dự trữ liêng bang Mỹ có khả năng sẽ phải tăng lãi suất để kiểm chế lạm phát. Kinh tế châu Âu cũng đang bị chi phối bởi chính sách tiền tệ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương tại các quốc gia đó. Tất cả những vấn đề này khiến xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng, khó có thể bùng nổ”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ kỳ vọng vào một số lĩnh vực như sản xuất hay bất động sản. “Quý IV luôn là thời điểm sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Các ngành sản xuất sẽ chạy nước rút để có hàng hóa, phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng hồi phục, các doanh nghiệp ngành nghề khác sẽ trong quá trình tất toán năm với các kế sách, chiến lược kinh doanh cho năm sau. Tăng trưởng trong quý IV có thể cao hơn các quý trước, tuy rất khó để có thể đưa GDP Việt Nam vươn lên đạt 6% như kế hoạch đề ra trước đó”, ông Hiếu phân tích thêm.
Thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy, không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong một, hai quý đầu năm nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()