Nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng cho nước này đang đối mặt với các rào cản chưa từng có.
Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc tăng tốc nền kinh tế bằng cách đầu tư cho các nhà máy, các tòa nhà chọc trời và đường sá. Mô hình này đã tạo ra sức tăng trưởng chóng mặt, biến Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là công xưởng sản xuất của toàn cầu.
Nhưng hiện tại, họ đang đối mặt với những rào cản chưa từng có. Nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ USD đang giảm tốc. Người tiêu dùng ngại chi tiêu. Xuất khẩu đi xuống.Giá cả giảmvà hơn 20% người trẻ đang thất nghiệp. Country Garden - hãng bất động sản tư nhân lớn nhất nước với 3.000 dự án đang cónguy cơ vỡ nợ. Quỹ đầu tư Zhongzhi Enterprise Group - một trong những ngân hàng ngầm lớn nhất Trung Quốc - cũng đang bị khách hàng phản đối vì chậm trễ thanh toán.
Phần lớn các thách thức này phát sinh từ nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các lãnh đạo Trung Quốc. Họ không muốn dựa nhiều vào vay nợ như những chính phủ tiền nhiệm. Điều này thể hiện ở việc, kể cả khi khủng hoảng bất động sản trầm trọng hơn, Trung Quốc cũng không đưa ra các biện pháp mạnh tay.
Việc này khiến nhiều ngân hàng nước ngoài như JPMorgan Chase, Barclays và Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay, xuống dưới mục tiêu 5% của chính phủ. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rút tiền ra, khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phải tìm cách chặn lại đà giảm của nhân dân tệ.
Trong khi Mỹ chi hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ các hộ gia đình và xây dựng cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn tăng trưởng phụ thuộc vào đầu cơ xây dựng và vay nợ thêm nữa. Giới chuyên gia cho rằng chính sách trái ngược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thay đổi dòng tiền đầu tư toàn cầu. Nó cũng có thể làm chậm lại quá trình Trung Quốc vượt Mỹ, hoặc thậm chí khiến việc này không bao giờ xảy ra.
Rủi ro lớn nhất của giới chức Trung Quốc là việc kiên quyết không kích thích mạnh tay có thể làm giảm niềm tin tại thị trường 1,4 tỷ dân. "Trung Quốc đang trải qua cuộc suy thoái về kỳ vọng. Khi mọi người dự báo tăng trưởng giảm, nó thực sự sẽ giảm", Bert Hofman - cựu giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Trung Quốc - nhận xét trênBloomberg.
Trong trường hợp tệ nhất, Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng trì trệ như Nhật Bản vài thập kỷ qua. Cảnh báo này được các nhà kinh tế học đưa ra sau số liệu CPI tháng 7 cho thấyTrung Quốc rơi vào giảm phát. Giá cả đi xuống là dấu hiệu của nhu cầu yếu và tăng trưởng tương lai chậm lại. Nguyên nhân là các gia đình trì hoãn mua sắm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm và chi phí đi vay thực tế tăng lên.
SCMPnhận định tâm lý thiếu niềm tin vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng lan rộng, khi sức hồi phục hậu Covid-19 dần mất đà. Trong quý II, GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơnquý I(4,5%), nhưng thấp hơn dự báo của nhiều tổ chức.
Một chỉ báo khác về niềm tin kinh tế là giá nhân dân tệ. Từ đầu năm, đồng tiền này đãmất giá 6%so với USD. Nhân dân tệ đi xuống do chính sách tiền tệ tại Trung Quốc ngược với Mỹ, nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng tại Trung Quốc yếu và rủi ro vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản.
Vài tuần gần đây, giới quan sát cho biết giới chức Trung Quốc đã tìm cách ngăn nhân dân tệ giảm sâu. PBOC thiết lập tỷ giá tham chiếu ngày để giúp nhân dân tệ mạnh lên. Các ngân hàng quốc doanh cũng liên tục bán USD.
Các nhà kinh tế học tin rằng Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn rất nhiều, do cấu trúc dân số kém thuận lợi và mong muốn độc lập khỏi Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ, khiến ngoại thương và đầu tư bị đe dọa. Không chỉ là giai đoạn yếu đi nhất thời, kinh tế Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.
"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi có thể kéo theo bước ngoặt mạnh nhất trong lịch sử kinh tế", Adam Tooze – Giáo sư chuyên nghiên cứu khủng hoảng kinh tế tại Đại học Columbia bình luận trênWall Street Journal.
Trong thời kỳ các thị trường dễ biến động, sự trượt dốc của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho làn sóng bán tháo tài sản rủi ro toàn cầu. Việc này từng xảy ra năm 2015, khi việc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ và chứng khoán nước này lao dốc khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải dừng tăng lãi suất. Tình hình hiện tại chưa đến mức này. Nhưng nếu diễn biến vẫn tệ đi, Fed có thể phải giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng không ngồi yên. Sau cuộc họp tháng trước, họ đưa ra nhiều đề xuất như tăng chi cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thanh khoản cho các hãng bất động sản và giảm quy định về mua nhà. Tuần trước, Trung Quốc cũngbất ngờ hạ lãi suất.
Một bài đăng tuần trước trên tờGlobal Timescũng cho rằng điều kinh tế Trung Quốc cần nhất hiện tại là niềm tin. Thông báo giảm lãi suất cho thấy quyết tâm của chính phủ nước này trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Global Timesnhìn nhận Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức, như sự hồi phục kinh tế toàn cầu yếu đi và tăng trưởng trong nước mất cân đối. Các vấn đề mới phát sinh nửa đầu năm nay khiến việc điều hành vĩ mô của giới chức nước này thêm phức tạp. Tuy nhiên, họ cho rằng "kinh tế Trung Quốc đang hồi phục dần dần" và nước này "có đủ công cụ để duy trì mức tăng trưởng ổn định", ví dụ hạ lãi suất.
Trên thực tế, một số thành phần của kinh tế Trung Quốc vẫn đang bùng nổ, như xe điện, điện mặt trời, điện gió và pin. Trong các lĩnh vực này, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai chữ số. Đây là kiểu tăng trưởng xanh, công nghệ cao mà các lãnh đạo Trung Quốc mong muốn. Nước này cũng phát hành trái phiếu cho các dự án đường sắt cao tốc và năng lượng tái tạo với quy mô hàng đầu thế giới. Họ còn giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và hỗ trợ hào phóng cho người mua xe điện.
Du lịch và nhà hàng cũng đang bùng nổ so với thời kỳ phong tỏa năm ngoái. Starbucks ghi nhận doanh thu tăng 46% tại Trung Quốc quý trước. Các chuyến bay nội địa hiện bận rộn hơn 15% so với tiền đại dịch. Du khách cũng phàn nàn khách sạn giá rẻ tăng giá vì nhu cầu tăng vọt. Các hoạt động này đang tạo ra nhiều việc làm, góp phần xoa dịu nỗi lo của giới chức về tỷ lệ thất nghiệp.
Tuy nhiên, rắc rối là các cỗ máy tăng trưởng mới này không đủ bù đắp cho sự trượt dốc khổng lồ của thị trường bất động sản. Bắc Kinh ước tính "nền kinh tế mới" (gồm các lĩnh vực sản xuất xanh và công nghệ cao) tăng trưởng 6,5% nửa đầu năm nay và đóng góp khoảng 17% GDP. Ngược lại, chi cho xây dựng lại giảm 8% nửa đầu năm. Lĩnh vực này đóng góp 20% GDP, cả trực tiếp và gián tiếp.
Bất động sản Trung Quốc lao đao từ cuối năm 2020, khi chính phủ đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ", nhằm kiềm chế bong bóng vay nợ, làm chậm lại đà tăng của giá nhà. Tuy nhiên, nó cũng khiến các hãng địa ốc mất đi nguồn vốn chủ chốt. Đại gia bất động sản China Evergrande Group vỡ nợ cuối năm 2021 và tuần trước nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Gần đây, một hãng địa ốc lớn khác của Trung Quốc là Country Garden cũng cảnh báo "thiếu chắc chắn" khi xét đến khả năng trả nợ trái phiếu.
Doanh số bất động sản tại Trung Quốc hiện chưa bằng 50% mức đỉnh năm 2020. Không chỉ địa ốc và các ngành liên quan (xây dựng, thép, xi măng, thủy tinh) chịu tác động, niềm tin của các hộ gia đình cũng lao dốc theo. Nguyên nhân là bất động sản đóng góp khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, theo số liệu của Citigroup. Nhà đất cũng chiếm 40% tài sản đang được thế chấp tại các ngân hàng.
Giá nhà giảm khiến các gia đình cảm thấy nghèo hơn, từ đó phải thắt chặt chi tiêu, khiến tăng trường càng bị siết lại. Khi các doanh nghiệp giảm kỳ vọng về lợi nhuận, thu hẹp đầu tư và tuyển dụng, tác động lan truyền sẽ lớn hơn.
Một số chuyên gia đã kêu gọi Bắc Kinh phá vỡ vòng luẩn quẩn này bằng các biện pháp gây dựng niềm tin. Cố vấn PBOC Cai Fang gần đây giục chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhiều nhà kinh tế khác cũng cho rằng chính phủ có thể đi vay vài nghìn tỷ nhân dân tệ (hàng trăm tỷ USD) để kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận các đề xuất này. "Cách tốt nhất để hỗ trợ tiêu dùng là thông qua hỗ trợ việc làm. Tức là hỗ trợ lĩnh vực doanh nghiệp thông qua giảm thuế", Wang Tao – nhà kinh tế học tại UBS nhận định. Ông Tập cũng thường xuyên nhắc giới chức Trung Quốc rằng không nên hy sinh môi trường, an ninh quốc gia và khả năng phòng trừ rủi ro để có tăng trưởng.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng cũng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc có động thái mạnh tay. Ví dụ năm ngoái, nước này đột ngột bỏ chính sách Zero Covid sau 3 năm áp dụng.
Zhu Ning, Giáo sư tại Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải, hiện là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc. Ông đã nhận thấy có sự thay đổi gần đây trong quan điểm của giới chức về lĩnh vực bất động sản. Zhu dự báo Trung Quốc sẽ tung thêm biện pháp hỗ trợ mạnh tay hơn.
"Vấn đề là họ có sẵn sàng hy sinh thâm hụt tài khóa không. Hiện tại, họ còn đang lưỡng lự. Nhưng hiện thực kinh tế có thể sẽ khiến các lãnh đạo thay đổi suy nghĩ", ông kết luận.
Ý kiến ()