Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:39 (GMT +7)
Kinh tế trên đà phục hồi
Thứ 7, 11/06/2022 | 16:24:44 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm. Mặc dù vậy, với sự quyết tâm phục hồi kinh tế, cùng với duy trì tốt công tác phòng chống dịch, nền kinh tế vĩ mô của tỉnh vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát…
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã duy trì các giải pháp, trong đó chú trọng đảm bảo nguồn cung xăng dầu, lương thực, thực phẩm; đảm bảo cung ứng đủ nguồn than cho sản xuất điện; phục hồi các ngành kinh tế có nhiều lợi thế, nhất là ngành Du lịch, dịch vụ…
Khi mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, nhất là khi mở cửa hoàn toàn du lịch (ngày 15/3/2022), tín hiệu vui những tháng đầu năm nay cho thấy, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, ngành Du lịch đón nhận nhiều tín hiệu phục hồi ấn tượng. Kết quả thể hiện rõ trong 5 tháng đầu năm, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 4,2 triệu lượt, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.800 tỷ đồng, vượt 8% so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo đà phục hồi nền kinh tế chung của tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than–Khoáng sản Việt Nam (TKV) về hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đây đã ký biên bản phối hợp về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành Điện, ngành Than; đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt hơn, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các môn thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31 tổ chức tại Quảng Ninh được thành công tốt đẹp, qua đây, tỉnh đã kết hợp với các sự kiện kích cầu du lịch, tạo thêm nhiều thuận lợi để kinh tế Quảng Ninh tiếp tục bứt tốc.
Cùng với đó, các ngân hàng trên địa bàn cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến ngày 30/4, đã có 2.143 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, tổng dư nợ 7.124 tỷ đồng; có 14.143 khách hàng được vay mới với tổng doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 127.378 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế của Quảng Ninh cũng duy trì tăng trưởng ổn định. 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 14,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,7%. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng của Quảng Ninh đạt 23.118 tỷ đồng, bằng 44% dự toán năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thu nội địa tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước và thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu.
Theo dự báo, tình hình kinh tế của cả nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh xác định từ đầu năm nhưng đến nay chưa đạt theo yêu cầu, tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5 vừa qua, nhiều nhiệm vụ được đặt ra cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung bám sát kịch bản tăng trưởng kinh tế đã đề ra; rà soát kỹ từng chỉ tiêu cụ thể của ngành, lĩnh vực để có giải pháp căn cơ, thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất; tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp, nhất là than, điện; thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như đã định.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ, phê duyệt được danh mục đầu tư các dự án, phân khai nguồn vốn theo đúng quy định; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 30/6 phải giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn được giao. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung rà soát về đầu tư ngoài ngân sách để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời trong thẩm quyền; tập trung đẩy mạnh công tác tăng thu NSNN, rà soát các khoản thu, nhất là nguồn thu thuế, lệ phí…
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng được chỉ định tiêm theo quy định. Từ ngày 7/6, tỉnh Quảng Ninh triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 (liều nhắc lại) cho người dân. Theo kế hoạch, tỉnh đồng loạt triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho khoảng 123.000 người từ ngày 9-20/6. Trong đợt này, đối tượng được ưu tiên tiêm chủng mũi 4 là cán bộ y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh; công nhân tại các doanh nghiệp ngành Than, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Theo đó, các địa phương tổ chức tiêm chủng sử dụng tối đa nguồn nhân lực tiêm chủng, đội cấp cứu, phương tiện vận chuyển cấp cứu phục vụ công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()