Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:00 (GMT +7)
Kỳ vọng nhiều bứt phá về kinh tế số
Thứ 2, 24/06/2024 | 14:00:20 [GMT +7] A A
Là địa phương có sự phát triển bứt phá trong thập kỷ vừa qua với 9 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số, Quảng Ninh cũng nhìn nhận từ sớm và đề cao vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế số được xác định là bước đột phá để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ngay từ rất sớm việc triển khai phát triển kinh tế số được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ... Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả nên chiến lược kinh tế số của tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực. Nếu trước năm 2020 kinh tế số của Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của tỉnh, thì năm 2021 kinh tế số đã chiếm 5%, được nâng lên 8% năm 2022 và năm 2023 khoảng 12% GRDP.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế số của tỉnh phải kể đến là thanh toán điện tử. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt...
Cùng với đó, 13/13 địa phương của tỉnh cũng đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 đối với các chợ trung tâm và chợ hạng I truyền thống trên địa bàn. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ nâng cao tỷ lệ số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các chợ hạng 1 và chợ hạng 2; năm 2025 sẽ mở rộng, triển khai tại 100% các chợ trên địa bàn. Hiện tỉnh cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn các hộ kinh doanh tại các chợ khởi tạo và sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán các giao dịch, đảm bảo kết nối, liên kết các tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông được đồng nhất. Giao Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Ban quản lý các chợ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại các chợ 4.0.
Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương kinh doanh tại chợ Hạ Long 1, TP Hạ Long, cho biết: Tôi đánh giá cao việc thanh toán qua quét mã QR code, thực hiện công nghệ hiện đại nhất là mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, với thời đại 4.0 hiện nay là rất nhanh chóng, tiện và an toàn cho cả người tiêu dùng và hộ kinh doanh. Chúng tôi sẽ chuyển tiền qua tài khoản không mất thời gian chờ đợi và không lo tiền giả cũng như phải chuẩn bị tiền lẻ để trả cho khách. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây.
Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.
Một trong những đơn vị điển hình trong việc áp dụng công nghệ số vào triển khai các bước hoạt động nghiệp vụ là Cục Thuế Quảng Ninh, nhất là đẩy mạnh triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tính đến nay, đã có 1.760/1.781 người nộp thuế (gồm doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh) đã sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền cho hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng đạt 98,82%.
Từ những kết quả đạt được, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số. Mục tiêu xa hơn nữa đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng thông rộng cố định trên địa bàn Quảng Ninh sẽ được nâng cấp đảm bảo 100% người sử dụng có thể truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s, mạng băng thông rộng di động 5G phủ sóng 100% dân số. Mọi người dân trong tỉnh đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()