Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:53 (GMT +7)
Kinh tế phục hồi, năm 2024 lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6,5%
Thứ 5, 04/04/2024 | 08:56:45 [GMT +7] A A
Với bối cảnh tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Tăng trưởng quý I cao hơn kịch bản
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2024 đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng GDP trên cơ sở kết quả phát triển kinh tế-xã hội khả quan đạt được trong quý đầu năm.
Điểm qua những kết quả đạt được trong quý I/2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.
Kinh tế vĩ mô quý I cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép; hoạt động sản xuất, kinh doanh giữ đà chuyển biến tích cực.
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường, Việt Nam vẫn có những cơ hội, thuận lợi đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu, sự phục hồi nhu cầu của một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn... Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo quý II dự báo tiếp tục phục hồi tích cực, đơn hàng tăng.
Đó là những điều kiện để có thể đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, làm giảm áp lực lên năm 2025-năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở kết quả quý I và dự báo tình hình những tháng còn lại của năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cả năm. Cụ thể:
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%.
Theo kịch bản này, tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Tổng cục Thống kê trong Báo cáo Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý I và cả năm 2024 cho biết đến thời điểm tháng 3/2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 do bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài. Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 bằng với năm 2023, ở mức 3,1%.
Đối với Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng năm 2024 cao hơn so năm 2023. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức dự báo 4,7% của năm 2023; Liên hợp quốc và Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,0%, cao hơn mức dự báo 4,7% và 5,1% của năm 2023.
Theo dự báo của AMRO, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines và Campuchia.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án Luật, Nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7;
Tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật sửa đổi: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Trong đó, khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế VAT để báo cáo Quốc hội xem xét thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng; công khai mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trước ngày 10/4/2024; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.
Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay; thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Đối với các động lực tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Các địa phương tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()