Tất cả chuyên mục

Chuyển hướng tăng trưởng nông nghiệp từ chiều rộng sang nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập cho nông dân là mục tiêu cơ bản trong lộ trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
![]() |
Sản xuất cây giống tại Công ty CP Giống và Cây trồng Quảng Ninh. Ảnh: Hữu Việt |
Hình thành các vùng sản xuất tập trung
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng kể, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,7%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội XIII đề ra là 3,5%/năm. Với phương châm “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn và cộng đồng dân cư ở nông thôn là chủ thể chương trình”, tỉnh đã chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư, đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến. Chuyển dịch cơ cấu từ trồng trọt sang chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng thương hiệu sản phẩm... Công tác xã hội hoá trồng rừng được đẩy mạnh, mô hình kinh tế rừng, kinh tế trang trại có xu hướng phát triển, đã hình thành một số vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp giấy, phát triển trồng cây dược liệu. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh trồng được 65.000ha rừng, nâng độ che phủ rừng từ 50,2% năm 2010 lên 53,5% vào năm 2015, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Thuỷ sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung được mở rộng, phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, trong 5 năm sản lượng nuôi trồng tăng gần 14.000 tấn, bình quân tăng 7,9%/năm.
Cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt đã hình thành nên một số vùng gieo trồng tập trung như vùng trồng lúa Đông Triều, Quảng Yên với diện tích hơn 10.500ha; vùng trồng rau Quảng Yên, Hạ Long hơn 450ha; vùng hoa 50ha ở Hoành Bồ, Đông Triều; vùng chè hơn 1.100ha tại Hải Hà, Đầm Hà; vùng cây ăn quả Đông Triều, Uông Bí với diện tích hơn 1.300ha; vùng trồng ba kích ở 3 huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên với diện tích hàng trăm ha… Trong chăn nuôi đã hình thành được các vùng chăn nuôi tập trung với các trang trại nuôi lợn thịt; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với diện tích hơn 1.807ha... Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 384 cơ sở sản xuất và chế biến gỗ, trong đó có 127 cơ sở là doanh nghiệp, còn lại 257 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Đối với thuỷ sản, Quảng Ninh đã quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế như: Tôm chân trắng, cá rô phi, tu hài, hàu Thái Bình Dương, cá song, cua biển. Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng hàng năm đạt trên dưới 50.000 tấn. Sản lượng chế biến xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 7.500 tấn/năm. Mặc dù tốc độ phát triển của ngành luôn giữ được mức ổn định 4%/năm trong nhiều năm qua, song thực tế ngành nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương.
![]() |
Sản xuất giống cá song chấm nâu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển thuỷ sản Bắc Việt (Đầm Hà). |
Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đặt ra, nhằm tạo động lực để xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo ra lợi nhuận lớn hơn cho các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển sản xuất gắn với quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cụ thể, 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được quy hoạch và ban hành kèm theo 74 quy trình sản xuất nông, lâm nghiệp, gồm 47 quy trình trồng trọt; 10 quy trình chăn nuôi; 9 quy trình thuỷ sản; 8 quy trình lâm nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông nghiệp được tỉnh xác định là khâu then chốt, đặc biệt quan tâm đến chính sách về đào tạo thu hút nguồn nhân lực, cơ chế tài chính, để hỗ trợ việc ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, Quảng Ninh dành 4-5% tổng chi thường xuyên tương đương khoảng 300-350 tỷ đồng để chi cho hoạt động khoa học công nghệ toàn tỉnh. Đầu tư nâng cấp hệ thống phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật; hệ thống nhà kính, nhà màng nilon ươm cây giống và hệ thống ươm giống thuỷ sản nước ngọt công nghệ cao; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây (Đông Triều) với diện tích hơn 100ha và 125ha tại xã Đại Bình (Đầm Hà) đang được đẩy nhanh tiến độ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... đã có hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và việc chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ cao, như: Công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm; hệ thống nhà máy trồng rau Plannet; công nghệ trồng rau, hoa gắn với phát triển du lịch; công nghệ mới trong trồng rừng ngập mặn và việc sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ… sẽ tạo cơ hội cho nông nghiệp Quảng Ninh phát triển mạnh, vững chắc.
Tin rằng, với quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo và điều hành của tỉnh, sự nỗ lực cố gắng và chủ động đổi mới cách làm, cách nghĩ của các doanh nghiệp, người nông dân, Quảng Ninh sẽ thực hiện thành công mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.
Đặng Nhung - Hữu Việt
Ý kiến ()