Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:16 (GMT +7)
Kinh tế biển – Động lực của nền kinh tế năng động, phát triển
Thứ 2, 19/08/2024 | 05:15:16 [GMT +7] A A
Với lợi thế sở hữu 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt nước, Quảng Ninh xác định kinh tế biển là mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế năng động, phát triển. Trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng riêng có, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển nhằm định hướng rõ nét, toàn diện các mục tiêu để hành động. Sau 5 năm, nghị quyết đã thực sự đi vào đời sống, trở thành chỉ dẫn quan trọng, ghi nhiều dấu ấn phát triển vượt trội, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh.
Hiệu quả từ một quyết sách sát hợp
Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 23/4/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ra đời trong bối cảnh Quảng Ninh sở hữu đa dạng hạ tầng cảng biển, từ cảng nước sâu, cảng khí hóa lỏng, cảng trung chuyển hàng hóa trên biển đến cảng tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, những tiềm năng, lợi thế cảng biển của tỉnh chưa thực sự được khai thác hiệu quả, trong khi, bối cảnh nhu cầu vận tải biển quốc tế có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, các hãng vận tải sử dụng tàu to nhằm tiết kiệm được chi phí vận tải, thời gian chờ đợi làm hàng do không phải chuyển tải hàng hóa tại cảng trung gian.
Bắt nhịp cùng xu thế phát triển chung, việc hoàn thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng cảng biển được xem là một trong những yêu cầu cấp thiết để mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế cảng biển. Triển khai tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU, Quảng Ninh thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển cảng biển gắn với các hoạt động KT-XH và tăng trưởng. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; đề ra 59 nhiệm vụ chính và 31 nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để triển khai thực hiện theo lộ trình Nghị quyết; đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền về tinh thần Nghị quyết nhằm cộng hưởng đồng thuận, chung tay xây dựng, phát triển cảng biển trong cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân...
Đến nay sau trong 5 năm, Quảng Ninh đã khẳng định là một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh, nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ và công nghiệp ven biển, phát triển các khu thương mại gắn với vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm; tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh; tổng sản lượng hàng hoá thông qua các cảng đạt khoảng 679 triệu tấn, bình quân đạt 132,1 triệu tấn/năm, bằng 107,87% so với mục tiêu đến 2025; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển đạt 50,38 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 10,08 tỷ USD…
Điều ấn tượng, trong 5 năm thực hiện tinh thần Nghị quyết, thì có đến 3 năm bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, có thời điểm năm 2021 không ghi nhận có khách quốc tế đến Quảng Ninh bằng tàu biển… tuy nhiên tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh vẫn đạt trên 40 triệu lượt, tăng 71,1% so với kế hoạch của Nghị quyết (Kế hoạch đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch biển, đảo đạt 23,5 triệu lượt).
Đi cùng với các chỉ tiêu về tổng sản lượng hàng hoá, hành khách qua cảng duy trì ổn định, có tăng trưởng vượt, đạt mục tiêu Nghị quyết, Quảng Ninh còn sở hữu hạ tầng cảng biển đồng bộ, hiện đại, nhiều dịch vụ có giá trị tăng cao mới được đưa vào phục vụ du khách, như: Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng khách quốc tế Hạ Long; cảng Vũng Đục; cảng Ao Tiên; bến Vịnh du thuyền. Khu vực ven biển xuất hiện nhiều công trình mới như bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả; hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao cũng lần lượt đưa vào đón khách… Đối với dịch vụ hàng hóa, đang hình thành, phát triển thêm các dịch vụ cảng biển chủ đạo, thế mạnh như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng hóa, các mô hình các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cung ứng tàu biển. Từ đó, góp phần hình thành hạ tầng hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và các đơn vị vận tải biển.
Thêm chuyển biến rõ nét nữa của việc thực hiện một nghị quyết phù hợp đó là nhận thức về vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển từng bước được nâng lên rõ rệt; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã cơ bản hoàn thành theo yêu cầu giai đoạn mới; việc tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng cảng biển được triển khai mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động KT-XH; công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu cảng biển được cải thiện thông qua nhiều hình thức, từ đó hình thành các hiệp hội doanh nghiệp gắn với kinh tế biển; hình thành chuỗi du lịch kết nối đường biển thông qua các hãng tàu trong nước và quốc tế...
Với hạ tầng đang có, Quảng Ninh đủ điều kiện lý tưởng của một trung tâm logistics và tâm điểm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là điểm kết nối quan trọng trong hoạt động vận tải biển và lưu thông hàng hoá với các vùng lân cận. Kinh tế biển của Quảng Ninh đang từng bước khẳng định ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác; phù hợp với xu thế phát triển của vận tải hàng hoá đang được ưa chuộng trên thế giới, đó là đường biển, để có hiệu quả kinh doanh cao nhất.
Động lực cho nền kinh tế năng động
Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc, kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh luôn đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đây là động lực tăng trưởng có đóng góp không nhỏ vào những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong 5 năm vừa qua đã từng bước gỡ được “nút thắt” về hạ tầng, cơ chế, tạo ra thời cơ mới để phát triển của mội địa phương đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc. Từ đó làm động lực lan tỏa cho các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển cùng phát triển như thủy hải sản, du lịch, logistics…
Nối tiếp đà phát triển này, Quảng Ninh xác định phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với những định hướng, giải pháp dài hạn. Trong đó, quan điểm phát triển vẫn theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời, phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo công nghệ cao, hiệu quả và bền vững để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển; quy hoạch không gian ven biển, ven bờ cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực, ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển; chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân. Xác định rõ các khâu đột phá đó là: Du lịch biển gắn với kinh tế biển; động lực từ các KCN, KKT và khu đô thị biển trên cơ sở lợi thế hạ tầng kết nối đồng bộ; ngành năng lượng tái tạo và ngành kinh tế biển mới.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; nắm bắt kế hoạch chuyển dịch các nhà máy sản xuất của một số nước đang có xu hướng chuyển dịch về các nước ASEAN đầu tư sản xuất để kịp thời thu hút vào các KCN tại địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng Quảng Ninh. Đồng thời, tập trung thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế, như: Dịch vụ đại lý hàng hải, dịch vụ kho bãi, làm hàng container, chuyển tải và xếp dỡ hàng hóa, cung ứng tàu biển... trong quá trình triển khai, tránh việc đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải, không tạo ra quy mô cạnh tranh và chất lượng dịch vụ đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và định hướng phát triển của tỉnh; thực hiện quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()