Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:07 (GMT +7)
Kinh nghiệm sau 2 năm đối mặt với dịch bệnh
Thứ 4, 30/03/2022 | 14:00:54 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã đưa giáo dục Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung vào tình thế không có lựa chọn nào khác là phải thay đổi tư duy, đổi mới công tác quản lý, phát huy sự sáng tạo, tổ chức dạy học phù hợp với tình hình mới. Trong gian khó, ngành Giáo dục cũng vận dụng cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, thi đua dạy tốt và học tốt, lấy người học làm trung tâm. Mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội được thắt chặt, gắn bó, sâu sắc hơn.
Đảm bảo khung chương trình dạy và học
Hơn 2 năm đối mặt với đại dịch, thầy và trò các cấp học trong tỉnh tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đều nỗ lực vượt lên trở ngại. Trong khó khăn ấy, có rất nhiều tấm gương sáng, nghị lực vươn lên trong học tập. Nhiều em dù phải học online thời gian dài nhưng vẫn đạt thành tích cao, được thầy cô khen ngợi, bạn bè nể phục. Đồng thời, cũng có không ít giáo viên dù bản thân nhiễm Covid-19 nhưng vẫn luôn cố gắng, tiếp tục giảng dạy tại nhà, để học trò của mình không bị hổng kiến thức, không bị nghỉ một buổi học nào.
Từ trong gian khó, nhiều phương án, giải pháp thiết thực đã được các trường triển khai. Thích ứng linh hoạt, ngành Giáo dục tỉnh liên tục có những chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh phù hợp để sắp xếp, tổ chức các hình thức dạy và học nhằm đảm bảo an toàn nhất cho học sinh, giáo viên. Dạy học trực tiếp, trực tuyến, hay học trực tiếp kết hợp trực tuyến đã được thiết lập linh hoạt, đảm bảo “Dừng đến trường, không dừng việc học”, thích ứng an toàn trong tình hình mới.
Tại Trường Tiểu học Bãi Cháy, TP Hạ Long, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, toàn bộ học sinh của Trường đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, với những phụ huynh không thể sắp xếp thời gian, công việc chăm sóc, trông con, nhà trường vẫn linh hoạt, tạo điều kiện để học sinh đến trường học trực tiếp hoặc đến nhà giáo viên nếu các cô dạy tại nhà.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm dạy lớp 2A10, Trường Tiểu học Bãi Cháy chia sẻ: Trong tuần vừa qua, lớp tôi dạy có 2 học sinh học trực tiếp trên lớp. Tất cả học sinh còn lại ngồi học từ xa qua mạng Internet. Việc tổ chức linh hoạt như vậy nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các bậc phụ huynh, học sinh. Nếu đường truyền mạng ở trường không ổn định, tôi lại về nhà để dạy. Giáo án tôi chuẩn bị cũng phù hợp với từng đối tượng học sinh trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo việc học tập của các em không bị gián đoạn.
Cô giáo Trần Thị Thanh Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bãi Cháy, cho biết: Trường hiện có gần 2.100 học sinh. Lũy kế từ ngày 7/2 đến nay, nhà trường có trên 620 học sinh và 36 giáo viên nhiễm Covid-19. Để việc dạy học trực tuyến được diễn ra thuận lợi, Trường đã coi trọng sự phối kết hợp, gắn kết giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh trong việc quản lý con em khi ở nhà học tập. Đối với những em lứa tuổi còn nhỏ, nhiều phụ huynh dù bận làm việc nhưng vẫn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để hỗ trợ con em mở các phần mềm dạy học trực tuyến.
Học sinh luôn được ưu tiên bảo vệ trọng điểm
Trong mọi hoàn cảnh, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Trường THPT chuyên Hạ Long.
Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Đặc biệt, với chiến lược vắc-xin chủ động, thần tốc, đi trước, làm trước, tuyệt đối an toàn, Quảng Ninh đạt tỷ lệ bao phủ cao và sớm nhất trong cả nước. Tỷ lệ học sinh từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 97%.
Cũng giống như các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Ninh cũng rất kỳ vọng và chờ đợi việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Ngành Y tế hiện đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành đang phối hợp tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho các bậc phụ huynh, nhân dân về lợi ích của tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Nhờ sự thích ứng linh hoạt cùng những chính sách phù hợp được ban hành cho giáo dục, trong 2 năm học vừa qua, thầy và trò tại các trường học trong tỉnh đã có cơ hội để đổi mới phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng, nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Qua đó, tạo chuyển biến, đột phá trong giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà, lập nên những dấu mốc mới tại các cuộc thi, kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế trong suốt 2 năm qua. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình của học sinh Quảng Ninh đạt 6,29, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 14 bậc so với năm trước.
Ông Phạm Văn Quyền, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Thắng Lợi (huyện Vân Đồn):
“Thích ứng an toàn để đảm bảo việc dạy học trước tình hình dịch Covid-19”
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, chúng tôi đã xác định rõ việc thực hiện song song hai nhiệm vụ trọng tâm. Đó là vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phải thực hiện đảm bảo nhiệm vụ dạy và học.
Chúng tôi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn để có giải pháp tổ chức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến cho phù hợp để đảm bảo phòng dịch. Chúng tôi tổ chức chỉ đạo họp chuyên môn, yêu cầu giáo viên thực hiện các nhiệm vụ dạy học đối với các môn học theo kế hoạch đã đề ra. Chúng tôi tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nắm vững việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, khi chuyển sang học trực tiếp, giáo viên và học sinh, phụ huynh thực hiện nghiêm quy định “5K”, góp phần đảm bảo việc dạy và học của nhà trường đạt hiệu quả cao nhất.
Cô giáo Vũ Thị Khánh, Trường THCS Hải Yên (TP Móng Cái):
“Chủ động biện pháp giảng dạy phù hợp tình hình thực tế”
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giáo viên, học sinh phải chuyển sang hình thức học trực tuyến kéo dài thay vì hình thức học trực tiếp. Tuy nhiên, dù học trực tuyến hay học trực tiếp thì giáo viên chúng tôi phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc soạn giáo án; nghiên cứu tài liệu môn học nhằm chuyển tải cho các em học sinh đầy đủ nội dung, kiến thức mà chương trình học yêu cầu. Hiện nay, dịch bệnh tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, việc các em quay trở lại trường học giáo viên chúng tôi luôn cố gắng cân bằng giúp các em có tâm lý thoải mái trong học tập và sinh hoạt tại lớp; hệ thống lại các kiến thức cơ bản cho các em trong thời gian học trực tuyến; đưa vào chương trình giảng dạy các vấn đề liên quan dịch bệnh để học sinh thêm kĩ năng phòng tránh dịch bệnh; với việc chủ động thực hiện biện pháp dạy và học trên, việc học tập của các em học sinh sẽ trở lại bình thường.
Chị Vũ Thị Hoa, thôn Đông Thành, xã Bình Dương (TX Đông Triều):
“Trẻ từ 5-11 tuổi sớm được tiêm vắc-xin để yên tâm đến trường”
Tôi còn một con trai út năm nay học lớp 2, dịch Covid-19, con tôi phần lớn nghỉ ở nhà học trực tuyến và một số thời điểm cháu đi học trở lại trực tiếp trên lớp. Mặc dù dịch Covid-19 hiện nay đã được kiểm soát do chiến dịch tiêm vắc-xin của Chính phủ nhưng trẻ em từ 5-11 tuổi hiện vẫn chưa được tiêm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ các cháu quay trở lại trường học nếu không may mắc Covid-19. Là phụ huynh, tôi mong muốn Đảng, nhà nước cùng các cấp, ngành sớm triển khai việc tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho các cháu từ 5-11 tuổi. Điều này, giúp cho các cháu đến trường học an toàn hơn, phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm làm việc.
Em Nguyễn Văn Hoàn, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cô Tô (huyện Cô Tô):
“Mong muốn có thời gian học tập trên lớp nhiều hơn”
Là học sinh cuối cấp, em mong muốn trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2022, dịch bệnh ở địa phương được kiểm soát tốt. Qua đó, giúp chúng em có thêm nhiều thời gian ôn luyện trên lớp để lĩnh hội kiến thức tốt nhất chuẩn bị hành trang và sự tự tin để bước vào kỳ thi THPT quốc gia đạt được kết quả mong muốn. Năm nay, em dự định thi vào khối trường Công an, ngay đầu tháng 3/2022, Bộ Công an đã có những thay đổi như tổ chức kỳ thi riêng sau khi thi THPT quốc gia. Em nhận thấy, đó là sự thử thách rất lớn đối với bản thân mình. Vì vậy, em cần phải thay đổi cách thức ôn luyện để đạt được mục tiêu của mình. Một lần nữa, em mong muốn kỳ thi THPT quốc gia năm 2022 sẽ diễn ra thuận lợi, không bị ảnh hưởng tác động lớn bởi dịch Covid-19.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()