Theo The Lancet, dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo thuận lợi cho ứng phó COVID-19. Các công cụ như bản đồ di chuyển, điện thoại di động, ứng dụng thanh toán di động và mạng xã hội giúp thu thập dữ liệu thời gian thực về vị trí của chủ sở hữu, giúp giới chức Trung Quốc theo dõi di chuyển của những người đã đến chợ hải sản Vũ Hán, nơi phát hiện các ca mắc đầu tiên. Với những dữ liệu này, các mô hình học máy dự báo mức độ lây truyền trong khu vực có SARS-CoV-2.
Ngay khi Trung Quốc công bố bùng dịch, Đài Loan (Trung Quốc), bắt đầu kiểm tra sức khỏe cho hành khách đi máy bay về từ Vũ Hán, tích hợp dữ liệu từ hồ sơ nhập cư với dữ liệu bảo hiểm y tế, theo thời gian thực. Việc tích hợp này cho phép các cơ sở y tế truy cập lịch sử đi lại của bệnh nhân và xác định các cá nhân cần xét nghiệm, theo dõi SARS-CoV-2. Nhờ vậy, Đài Loan đạt được hiệu quả trong ghi nhận vì số ca mắc và tử vong thấp khi dịch bệnh mới bùng phát.
Dịch vụ Y tế Thụy Điển - tổ chức chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Mỹ - phát triển một nền tảng để nhân viên y tế báo cáo dữ liệu theo thời gian thực về số lượng bệnh nhân mắc COVID-19, thiết bị bảo vệ cá nhân, nhân lực, sử dụng máy thở và thông tin về các tài nguyên khác. Thông tin này được chia sẻ giữa các bệnh viện trong hệ thống để theo dõi tình trạng cơ sở vật chất, phân bổ các nguồn lực và tăng công suất giường bệnh.
Rà soát lây nhiễm
Trung Quốc sử dụng các công cụ miễn phí, dựa trên web và dựa trên đám mây để sàng lọc và hướng các cá nhân đến những nguồn tài nguyên thích hợp. Trong khi đó, ở Singapore, mọi người được đo nhiệt độ tại các cửa ra vào của nơi làm việc, trường học và phương tiện giao thông công cộng. Dữ liệu từ nhiệt kế được theo dõi và sử dụng để xác định các điểm nóng mới hình thành cũng như các cụm lây nhiễm có thể cần xét nghiệm.
Khác với hầu hết các quốc gia, Iceland triển khai xét nghiệm rộng rãi cho các cá nhân không có triệu chứng.
Theo dõi tiếp xúc
Hàn Quốc triển khai các công cụ để theo dõi tiếp xúc, dùng camera an ninh, công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hồ sơ thẻ ngân hàng và dữ liệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) từ các phương tiện và điện thoại di động để cung cấp dữ liệu thời gian thực và lịch trình chi tiết của các ca tiếp xúc. Người dân Hàn Quốc nhận được thông báo khẩn cấp bằng tin nhắn văn bản về các ca COVID-19 mới trong khu vực và những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh được hướng dẫn báo cáo xét nghiệm và tự cách ly.
Singapore tung ra ứng dụng điện thoại di động trao đổi tín hiệu bluetooth khoảng cách ngắn khi các cá nhân ở gần nhau.
Đức ra mắt một ứng dụng đồng hồ thông minh thu thập dữ liệu về nhịp đập, nhiệt độ và kiểu ngủ để sàng lọc các dấu hiệu của bệnh virus. Dữ liệu từ ứng dụng này được trình bày trên bản đồ tương tác, trực tuyến trong đó các nhà chức trách có thể đánh giá khả năng mắc bệnh COVID-19.
Kiểm dịch và tự cách ly
Theo hệ thống mã phản ứng nhanh (QR) của Trung Quốc, các cá nhân được yêu cầu điền vào bản khảo sát triệu chứng và ghi lại nhiệt độ, giúp cơ quan chức năng theo dõi sức khỏe và kiểm soát chuyển động, trong đó các cá nhân gán mã màu đỏ được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), những người tự cách ly được yêu cầu đeo một dây vào cổ tay được liên kết thông qua công nghệ đám mây với cơ sở dữ liệu để báo cho các cơ quan chức năng nếu xảy ra vi phạm cách ly.
Ý kiến ()