Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 14:59 (GMT +7)
Đối ngoại chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo
Thứ 2, 14/03/2022 | 08:29:22 [GMT +7] A A
Năm 2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, công tác đối ngoại của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng, đóng góp vào phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Năm 2022, đại dịch Covid-19 với các biến chủng mới tiếp tục gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại của tỉnh tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt và sáng tạo. Qua đó góp phần quan trọng tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Đề cao phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”
Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, tỉnh Quảng Ninh có gần 119km đường biên giới trên bộ và 191km đường biên giới trên biển với Trung Quốc. Quảng Ninh được đánh giá là một trong 3 đầu tàu (cùng với Hà Nội, Hải Phòng) phát triển kinh tế của vùng, một trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Những lợi thế đó đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cầu nối hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á.
Ngay từ thời điểm đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã đi trước, thực hiện tích cực việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ quốc tế tạo dựng hình ảnh về địa phương. Tỉnh đã gửi Công hàm động viên, chia sẻ và hỗ trợ vật tư y tế, hợp tác trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh với các đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), 3 tỉnh Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xay Nhạ Bu Ly (Lào); hỗ trợ gần 1 tỷ đồng và 1 triệu khẩu trang y tế, 2.000 chai nước sát khuẩn cho Quảng Tây; gần 100.000 khẩu trang y tế, 14.000 bộ trang phục phòng hộ y tế và nhiều vật tư y tế khác cho 3 tỉnh Bắc Lào... Sự hỗ trợ kịp thời vào thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khan hiếm vật tư y tế, đã nhận được sự cảm kích của các địa phương bạn, là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, tương trợ lẫn nhau, góp phần nâng cao hình ảnh của tỉnh đối với bạn bè quốc tế.
Tại buổi trao tặng hàng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đầu tháng 2/2020, ông Tôn Đại Vĩ, Phó Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, đã bày tỏ sự xúc động và khẳng định: Trong lúc dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, sự giúp đỡ, ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) là hết sức quý báu, thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó của 2 địa phương. Tin tưởng với sự hỗ trợ này, Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung sẽ có thêm động lực để sớm khống chế thành công dịch Covid-19.
Đúng với tinh thần "ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim", "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển" như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ quốc tế, trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh với các đối tác chiến lược. Đó cũng là nền tảng để ngay sau khi Chính phủ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin, Quảng Ninh đã chủ động, thực hiện đúng tinh thần “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa” để kêu gọi, tiếp cận nguồn vắc-xin và vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhanh, nhiều và sớm nhất.
"Trong chiến lược vắc-xin, ngoại giao vắc-xin là một mũi nhọn quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm nguồn vắc-xin để bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong tình hình thiếu hụt vắc-xin và tiếp cận bất bình đẳng về vắc-xin trên toàn cầu".
(Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ với báo chí ngày 7/7/2021 tại Hà Nội)
|
Quảng Ninh đã nhận được ủng hộ nhanh chóng của các địa phương bạn, đối tác nước ngoài. Cụ thể: Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) hỗ trợ 200.000 liều vắc-xin, 420.000 khẩu trang ngoại khoa, 50.000 khẩu trang N95, 40.000 bộ quần áo bảo hộ và lô thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) hỗ trợ 10.000 khẩu trang D918; tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hỗ trợ 40 máy tạo oxy, 4 máy thở; tỉnh Xay Nhạ By Ly (Lào) hỗ trợ 50 triệu Kíp (tương đương 110 triệu VND); Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Trung Quốc) tại Việt Nam hỗ trợ 1.000 bộ trang phục phòng hộ, 50.000 khẩu trang y tế; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ 120 bộ trang phục bảo hộ, 47.000 khẩu trang. Sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế là nguồn động viên to lớn, thiết thực để tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong công tác tiêm chủng vắc-xin, thành công trong việc thực hiện "mục tiêu kép".
Đến nay, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng diện rộng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho nhân dân, đạt trên 94%. Theo kế hoạch, trong tháng 3/2020, tỉnh tiếp tục tiêm vét cho gần 10.000 trường hợp đủ điều kiện tiêm mũi 3.
|
Trong hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan trung ương, các địa phương, doanh nghiệp tổ chức đón, bố trí địa điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19 cho gần 33.000 công dân Việt Nam và hơn 14.000 người nước ngoài là đoàn các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài đến Việt Nam làm việc qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chia sẻ: Mặc dù là sân bay mới đưa vào nghiệm thu và vận hành vào cuối năm 2018, nhưng Cảng đã được chỉ định đón chuyến bay giải cứu đầu tiên đón công dân Việt Nam từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch Covid-19, trở về nước an toàn, kịp thời. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, giao nhiệm vụ, chúng tôi đã cùng các đơn vị chức năng trong tỉnh triển khai nhiệm vụ và đón thành công chuyến bay giải cứu, từ đó góp phần tạo niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là kiều bào ta ở nước ngoài về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2021, Cảng đã đón gần 290 chuyến bay từ nhiều nước và vùng lãnh thổ giải cứu bà con kiều bào và đưa chuyên gia, quản lý, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam. Qua đó tạo dựng thương hiệu cho Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Trọng trách mới, tâm thế mới
Trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực chưa từng có đến kinh tế, gây xáo trộn về an sinh xã hội, nhưng với phương châm “đánh giặc” từ xa, từ sớm và đoàn kết, thống nhất ý chí hành động, tự lực, tự cường, tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống dịch, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với việc giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.
Sở Ngoại vụ với vai trò cơ quan tham mưu đối ngoại của tỉnh đã bám sát mục tiêu các hoạt động đối ngoại đi trước, mở đường, chủ động tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi để triển khai hiệu quả nhiệm vụ ngoại giao phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Trong điều kiện dịch bệnh, trọng trách này càng nặng nề, đòi hỏi cần có sự phản ứng linh hoạt hơn để thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Theo bà Đặng Thúy Doan, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, để thích ứng trong tình hình mới, Sở quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ; tiếp tục đẩy mạnh tham mưu về các biện pháp phòng, chống dịch, mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế; thu hút các dự án hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Đồng thời nghiên cứu, triển khai các hướng đi mới, cách làm mới, như ngoại giao số, ngoại giao về biến đổi khí hậu...
Với việc củng cố hình ảnh Quảng Ninh là điểm đến an toàn, có nhiều lợi thế, tỉnh đã đón nhiều làn sóng đầu tư quốc tế và được cụ thể hóa bằng những con số cụ thể, ấn tượng: Thu hút đầu tư ngoài ngân sách tăng cao, đạt 361.143 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI đột phá, đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2021. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Hồng Kông với số vốn đầu tư trên 498 triệu USD. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư cao nhất thu hút vào địa bàn các KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh ngoại giao kinh tế, hoạt động đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh được triển khai đồng bộ, hiệu quả: Tổ chức đón tiếp các đoàn làm việc của đại sứ các nước; tham dự các chương trình hội nghị hợp tác do bộ, ngành trung ương tổ chức; tham dự tích cực các hội nghị trực tuyến hợp tác đầu tư... Đặc biệt, với hình ảnh của một địa phương có hoạt động đối ngoại sôi động, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã được các chính phủ, cơ quan trung ương tin tưởng lựa chọn tổ chức các hoạt động đối ngoại quan trọng, như: Lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp định biên giới và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (tháng 8/2020); Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 7, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6 (tháng 4/2021). Các sự kiện đối ngoại được tổ chức thành công mang ý nghĩa chính trị quan trọng của Việt Nam nói chung, đóng góp vào tăng cường quan hệ hữu nghị vùng biên giới Quảng Ninh - Quảng Tây nói riêng. Đó cũng là sự khẳng định khả năng thích ứng, linh hoạt của hoạt động đối ngoại trong bối cảnh dịch Covid-19.
Năm 2022, thế giới chuyển từ “ứng phó với khủng hoảng” sang “thích ứng an toàn” với đại dịch Covid-19, trạng thái “bình thường mới” từng bước định hình với việc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, mở cửa trở lại nền kinh tế. Các vấn đề về phát triển kinh tế đối ngoại bền vững, ứng phó an ninh truyền thống và phi truyền thống tác động gay gắt hơn đến phát triển và an ninh của đất nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trước bối cảnh này, công tác đối ngoại của tỉnh bám sát nhiệm vụ của ngành ngoại giao, tập trung “nâng cao chất lượng, hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai”, theo tinh thần chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, từ sớm, từ xa.
Tỉnh đặt nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, quyết tâm đi vào những lĩnh vực, hướng đi mới, chuyển biến mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, lao động, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu... Đồng thời, tiếp tục đi đầu trong tham mưu chủ trương, chính sách và triển khai đối ngoại phục vụ phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản lý..., phục vụ quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()